Hậu Giang: Xây dựng nông thôn thành nơi đáng sống

Minh Nhựt Thứ sáu, ngày 09/06/2023 15:43 PM (GMT+7)
Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng lòng, chung sức của người dân nên chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh đang gặt hái được nhiều "quả ngọt", để đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.
Bình luận 0

Nhiều điểm sáng

Một trong những đổi thay dễ nhận thấy nhất khi về các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh hiện nay là hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đã và đang được đầu tư khang trang và đầy đủ tiện nghi. Cụ thể về giao thông, ngoài việc tỉnh luôn tăng cường các nguồn lực đầu tư thì nhiều năm qua, các ngành và địa phương trong tỉnh còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các cấp và người dân, mạnh thường quân thực hiện Chiến dịch giao thông nông thôn - thủy lợi với phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm".

Hậu Giang: Xây dựng nông thôn thành nơi đáng sống - Ảnh 1.

Lộ làng khang trang, cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp là hình ảnh dễ thấy khi về các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang vào lúc này.

Trong đó, các địa phương ưu tiên nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường và cầu có chiều rộng từ 3-3,5m trở lên nhằm đáp ứng theo bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng xã NTM, cũng như NTM nâng cao và kiểu mẫu. Điển hình như trong năm vừa qua, toàn tỉnh xây dựng được 112 tuyến đường giao thông, với chiều dài 23,4km; đồng thời thực hiện 113 cây cầu, mỗi cây có chiều dài từ 30m, bề ngang tối thiểu 3,5m, tải trọng cho xe tải qua lại từ 5 tấn trở lên. Hiện toàn tỉnh có 40/51 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông.

Ông Nguyễn Văn Hên, người dân sống dọc tuyến đường kênh Hậu Giang 3, thuộc ấp Quyết Thắng A, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: "Toàn tuyến đường dài 10km, sau thời gian được Nhà nước nâng cấp mở rộng và đưa vào sử dụng cách nay không lâu đã hình thành được tuyến đường liên xã, liên ấp phục vụ đi lại và giao thương hàng hóa của người dân được tốt hơn. Nhất là nhiều mặt hàng nông sản của người dân sau khi thu hoạch thì có xe vào tận vườn để chuyên trở, nông dân giảm được chi phí, từ đó thúc đẩy kinh tế của bà con được phát triển".

Song song với việc nâng cấp, mở rộng thì hiện trên nhiều tuyến đường nông thôn trong tỉnh còn được Nhà nước và người dân lắp đặt hệ thống đèn đường chiếu sáng về đêm để đảm bảo an toàn giao thông và giữ gìn an ninh trật tự. Đặc biệt trên nhiều tuyến đường, người dân thực hiện trồng hàng rào bằng cây xanh và trồng hoa kiểng trước nhà, từ đó tạo điểm nhấn ấn tượng và sức hút cho bức tranh nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp. 

Ông Bùi Văn Tàng, ở ấp 5, xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, bộc bạch: "Những chậu kiểng và hàng rào bằng hoa kiểng được tôi gầy dựng đã được hơn 10 năm sau khi tuyến lộ nhựa trước nhà được xây dựng khang trang. Hiện không riêng gì tôi mà hầu hết bà con ở đây đều trồng cây xanh và hoa kiểng trước nhà được liền lạc với nhau, nhờ vậy đang tạo ra con đường quê hôm nay trông khá đẹp mắt".

Ngoài giao thông và cảnh quan môi trường thì từ nguồn vốn của Nhà nước và xã hội hóa, hạ tầng giáo dục trên địa bàn tỉnh cũng ngày càng được cải thiện, nhất là công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia luôn được các ngành có liên quan của tỉnh quan tâm chỉ đạo. Nhờ vậy đến nay, Hậu Giang có 263/318 trường đạt chuẩn quốc gia và có 48/51 xã đạt tiêu chí trường học trong xây dựng NTM. Bên cạnh đó, hàng năm tỉnh cũng dành nguồn lực không nhỏ để đầu tư mới nhiều Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã và nhà văn hóa ấp, đồng thời trang bị đầy đủ các công năng, cũng như trang thiết bị nhằm đạt chuẩn theo quy định.  

Cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng thì đời sống của người dân nông thôn trong tỉnh cũng đang có bước phát triển mạnh mẽ nhờ các ngành có liên quan của tỉnh tập trung triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án từ Trung ương đến địa phương, cũng như xây dựng được nhiều mô hình trình diễn và tổ chức nhân rộng các mô hình sản xuất trong nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao. Qua đây, giúp nguồn thu nhập của người dân năm sau cao hơn năm trước. Trong đó, hiệu quả nổi bật là tỉnh thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT); mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm; mô hình kinh tế tuần hoàn; ứng dụng công nghệ 4.0 vào canh tác nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã; mô hình sản xuất nông sản theo hướng an toàn thực phẩm…

Ông Vu Suổi, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Thắng, ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, thông tin: "Nhờ có nhiều công ty, doanh nghiệp đến đầu tư tại Hậu Giang mà vùng khóm Cầu Đúc (hơn 2.800ha) của người dân Vị Thanh nói riêng và của tỉnh nói chung không chỉ tiêu thụ bằng trái mà còn chế biến ra nhiều sản phẩm đặc trưng khác và hiện đạt chuẩn OCOP 3, 4 sao cấp tỉnh như kẹo khóm, rượu khóm, nước màu khóm, sirô khóm… Nhờ đa dạng sản phẩm nên đầu ra của trái khóm trong những năm gần đây rất thuận lợi, giá bán ổn định ở mức cao nên bà con có được nguồn lợi nhuận hấp dẫn".

Đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người ở các xã đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh là hơn 59 triệu đồng/người/năm, có 42/51 xã đạt tiêu chí số 10 về thu nhập; tổng số hộ nghèo của tỉnh hiện tại là 12.989 hộ, chiếm tỷ lệ 6,45% và có 7.840 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,89%. Từ những thay đổi mạnh mẽ trên các mặt ở nông thôn như hiện nay nên không ít người dân vùng nông thôn trong tỉnh cho rằng, nhờ chương trình xây dựng NTM mà tỉnh đang đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống và dần thu hẹp khoảng cách giữa thành thị với nông thôn. 

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết: Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự nỗ lực quyết tâm của các ngành, địa phương và toàn thể Nhân dân trong tỉnh nên hiện chương trình xây dựng NTM của Hậu Giang đã đạt được nhiều điểm sáng quan trọng. Đặc biệt, thông qua việc xin ý kiến thì người dân hài lòng rất cao đối với các xã được công nhận đạt chuẩn NTM hay NTM nâng cao, nhờ đời sống vật chất và tinh thần của bà con ngày càng phát triển trên các mặt.

Những quyết tâm mới

Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 37/51 xã đạt chuẩn NTM và 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, tiêu chí bình quân là 17,7/19 tiêu chí/xã. Nhằm phát huy những kết quả đạt được, đồng thời thực hiện quyết tâm đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống cho người dân nên Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia (Ban chỉ đạo) tỉnh tiếp tục đề ra mục tiêu và giải pháp quan trọng cho công tác xây dựng NTM từ nay đến cuối năm.

Hậu Giang: Xây dựng nông thôn thành nơi đáng sống - Ảnh 2.

Sản phẩm OCOP được trưng bày tại "Tuần lễ chuyển đổi số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2023" (tháng 5/2023). Ảnh: Huỳnh Xây

Ông Huỳnh Thành Hữu, Chánh văn phòng điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, cho hay: Bên cạnh việc duy trì và nâng chất các đơn vị xã đã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao và các huyện đã đạt chuẩn NTM; thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM thì từ nay đến cuối năm, Ban chỉ đạo tỉnh cùng với các địa phương quyết tâm thực hiện đạt một số mục tiêu quan trọng mới nhằm làm cơ sở cho những định hướng lớn trong việc lập thành tích chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh vào đầu năm 2024. Cụ thể, dự kiến tỉnh sẽ phấn đấu công nhận thêm 3 xã đạt chuẩn NTM, đồng thời tập trung chỉ đạo bổ sung thêm 3 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. Bên cạnh đó, công nhận thêm 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, cũng như bổ sung thêm 2 xã cố gắng đạt 19/19 tiêu chí xã NTM nâng cao. Đặc biệt, phấn đấu công nhận 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Về giải pháp thực hiện, Ban chỉ đạo tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ vấn đề khó khăn lớn hiện nay tại các địa phương trong xây dựng NTM là nguồn vốn. Theo đó, tỉnh sẽ thực hiện lồng ghép tốt các nguồn vốn từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là về nông nghiệp, nông thôn; cũng như nguồn vốn Trung ương phân bổ cho chương trình và ngân sách địa phương để tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn theo chuẩn NTM, NTM nâng cao ở các xã. Trong đó ưu tiên hoàn thiện hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh như: đường giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống công trình cung cấp điện, nước sinh hoạt…

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo tỉnh và các địa phương sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát nhằm đẩy nhanh tiến độ, chất lượng thực hiện chương trình. Đặc biệt, thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các xã nằm trong kế hoạch phấn đấu đạt chuẩn cấp độ NTM trong năm nay. Thông qua công tác kiểm tra nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện; trong đó, tập trung triển khai thực hiện hiệu quả 6 chương trình chuyên đề trọng tâm để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề bức xúc trong xây dựng NTM đã và đang đặt ra của tỉnh.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết thêm: Ngoài những giải pháp trên thì Ban chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân và tổ chức có hiệu quả phong trào thi đua "Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hậu Giang chung sức xây dựng nông thôn mới"; đồng thời nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị trong xây dựng NTM, nhất là vai trò của người đứng đầu. Ngoài ra, các ngành có liên quan của tỉnh cần tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách, văn bản về quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn theo quy định...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem