Hàn Quốc, Trung Quốc đang cung cấp nhiều nhất những loại máy móc gì cho Việt Nam?

P.V Thứ tư, ngày 12/10/2022 19:30 PM (GMT+7)
Tổng nhu cầu thị trường cơ khí của Việt Nam từ nay đến năm 2030 có thể đạt hơn 300 tỷ USD. Tuy nhiên, ngành cơ khí Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng gần 1/3 nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước, nhất là mảng cơ khí phục vụ nông nghiệp.
Bình luận 0

Theo dự báo sơ bộ, tổng nhu cầu thị trường cơ khí của Việt Nam từ nay đến năm 2030 có thể đạt hơn 300 tỷ USD. Hiện có hoảng 25.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam. Tuy nhiên, ngành cơ khí Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng gần 1/3 nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước.

Tại buổi Họp báo khai mạc MTA Hà Nội 2022 - Triển lãm và Hội thảo quốc tế lần thứ 8 về máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại ngày 12/10, tại Hà Nội, ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho biết: suốt 15 năm qua, ngành cơ khí Việt Nam chậm phát triển hơn so với rất nhiều nước trong khu vực.

Trong khi đó, thị trường máy phục vụ nông nghiệp nội địa bao gồm cả chế tạo và lắp ráp chỉ chiếm trên 20% thị phần.

Phần lớn các loại máy móc phục vụ nông nghiệp hiện nay vẫn là máy nhập khẩu là chính. Các thương hiệu máy nông nghiệp nước ngoài đang chiếm ưu thế tại thị trường Việt Nam là Yamar, Kubota, John Deere, Daedoong, Belarut và các loại máy kéo của Trung Quốc.

Hàn Quốc, Trung Quốc đang cung cấp nhiều nhất những loại máy móc gì cho Việt Nam? - Ảnh 1.

Một robot phân loại hàng hóa được giới thiệu tại MTA Hanoi 2022. Ảnh: P.V

Thế hệ máy công cụ dùng để gia công sản xuất ở các xí nghiệp cơ khí nội địa Việt Nam còn thua kém so với các nước trong khu vực. Đáng chú ý, tương tự nhiều ngành hàng khác, cơ khí cũng là ngành đang phụ thuộc rất lớn vào việc nhập khẩu vật tư, trang thiết bị.

Hiện nay, ngành công nghiệp cơ khí có 2 khối doanh nghiệp. Thứ nhất là khối doanh nghiệp cơ khí nội địa do người Việt Nam làm chủ. Thứ hai là khối doanh nghiệp FDI 100% vốn nước ngoài hoặc theo hình thức liên doanh.

“Muốn xây dựng đất nước trở thành nước công nghiệp không thể thiếu sự phát triển của công nghiệp cơ khí. Tuy nhiên, việc thúc đẩy phát triển ngành cơ khí, giúp doanh nghiệp trong ngành đổi mới trang thiết bị công nghệ không phải chuyện có thể giải quyết “một sớm một chiều”. Đầu tư cho lĩnh vực cơ khí cần lượng vốn lớn, thời gian quay vòng vốn chậm… Doanh nghiệp phải có đủ tiền, công nghệ cũng như chính sách hỗ trợ đi kèm”, ông Long nói.

Theo ông Long, đã đến lúc Nhà nước phải có quy hoạch lộ trình rõ ràng để phát triển ngành công nghiệp cơ khí. Việc hình thành các trung tâm sản xuất công nghiệp nói chung, cơ khí nói riêng rất cần thiết.

Ngành cơ khí Việt Nam cũng cần thay đổi nhiều về tư duy sản phẩm. Việt Nam nên lựa chọn các sản phẩm cơ chí có thể có dư địa thị trường cũng như sức cạnh tranh; tập trung quan tâm phát triển các sản phẩm cơ khí nhất định, ưu tiên cho ngành chế biến nông sản.

“Chính sách phát triển cơ khí nói riêng nằm trong tổng hòa chính sách phát triển công nghiệp và nền kinh tế nói chung. Bên cạnh đó, cần có những chính sách ưu đãi cụ thể rõ ràng như chính sách thuế ra sao, chính sách đất đai thế nào, chính sách về đào tạo nguồn nhân lực cho cơ khí… Hệ thống chính sách này cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ “bàn tay” nhà nước”, ông Long nhấn mạnh.

Hàn Quốc, Trung Quốc đang cung cấp nhiều nhất những loại máy móc gì cho Việt Nam? - Ảnh 2.

Chính thức khai mạc Triển lãm và Hội thảo quốc tế lần thứ 8 về máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại (MTA Hanoi 2022). Ảnh: P.V

Đánh giá về Triển lãm và Hội thảo quốc tế lần thứ 8 về máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại (MTA Hanoi 2022), theo ông Long, các hoạt động này khá cần thiết, hữu ích.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay tiến rất nhanh. Nếu không chủ động bắt kịp công nghệ mới tiên tiến của các nước, ngành cơ khí Việt Nam sẽ rất khó khăn, thậm chí rơi vào tình trạng "rước" về nước những công nghệ thải loại từ các nước khác. “Sự kiện như triển lãm rất cần để các doanh nghiệp Việt Nam có thể chủ động tiếp cận công nghệ, trang thiết bị mới cho sản xuất cơ khí”.

Tiếp nối thành công của triển lãm quốc tế MTA Việt Nam vào tháng 07/2022 với 12,500 khách tham quan,hàng trăm đơn vị trưng bày đến từ 11 quốc gia, MTA Hanoi 2022 sẽ giới thiệu đến cộng đồng sản xuất - chế tạo hàng loạt các công nghệ và giải pháp tiên tiến phục vụ nhu cầu đầu tư thiết bị và máy móc, tiếp tục tăng cao của doanh nghiệp ngay cả sau đại dịch. 

Triển lãm quy tụ hơn 180 đơn vị trưng bày đến từ 15 quốc gia/vùng lãnh thổ như Đức, Anh, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Israel, Malaysia, Thái Lan cùng diện tích  trưng bày 5.000m2.

Khối gian hàng quốc tế Hàn Quốc, Đài Loan chiếm ưu thế tại MTA Hanoi 2022. Khách tham quan chuyên ngành sẽ được gặp gỡ những thương hiệu hàng đầu trong ngành như Sodick, Mitsubishi, Hiwin, Tinh Ha, Hwacheon,... ngoài ra còn có các thương hiệu mới như Kamogawa, Cominix, Durma, Jinan Bodor,WPP,Yueming, Van Su Loi,Ns Tool,... và các đơn vị tiêu biểu khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem