Hai nhà bảo vệ môi trường Honduras bị bắn chết giữa ban ngày

Thứ năm, ngày 12/01/2023 17:20 PM (GMT+7)
Vụ việc hai nhà bảo vệ môi trường bị bắn chết ở Honduras làm dấy lên lời kêu gọi điều tra độc lập về bạo lực đối với cộng đồng đang đấu tranh ngăn chặn mỏ khai thác bất hợp pháp.
Bình luận 0

 

Hai nhà bảo vệ môi trường Honduras bị bắn chết giữa ban ngày - Ảnh 1.

Một trại phản đối khai thác mỏ được dựng lên ở Guapinol vào cuối năm 2018. Ảnh: Cộng đồng Guapinol.

Aly Domínguez (38 tuổi) và Jairo Bonilla (28 tuổi), đến từ Guapinol ở phía bắc Honduras, đã bị sát hại vào chiều 7/1 khi họ trở về nhà trên một chiếc xe máy, Guardian đưa tin.

Họ đã bị những kẻ tấn công có vũ trang chặn lại và thiệt mạng tại hiện trường, theo thông tin từ phía thân nhân.

Domínguez và Bonilla là những người đồng sáng lập cuộc đấu tranh tại Guapinol nhằm chống lại mỏ quặng sắt thuộc quyền sở hữu của một trong những cặp đôi quyền lực nhất nước này.

Sau vụ việc, cảnh sát và công tố viên địa phương ngay lập tức cho rằng cái chết của họ là do một vụ cướp bất thành, mặc dù những kẻ tấn công bỏ chạy mà không lấy xe máy, điện thoại di động hay tiền của nạn nhân.

Tuy nhiên, người thân nạn nhân và luật sư đã đặt câu hỏi về vụ việc, chỉ ra những mối đe dọa và quấy rối đang diễn ra mà cộng đồng phải đối mặt.

“Chúng tôi bác bỏ giả thuyết chính thức. Hai thanh niên này là những người khởi xướng cuộc đấu tranh, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của chúng ta khỏi nạn khai thác mỏ bất hợp pháp đang hủy hoại các dòng sông trong vườn quốc gia”, Rey Domínguez (58 tuổi), lãnh đạo cộng đồng và là anh trai của Aly, cho biết.

“Trong 5 năm qua, chúng tôi đã bị đe dọa, kết tội và bỏ tù oan, điều duy nhất còn lại là giết người”, ông nói.

Cơ quan của Liên Hợp Quốc, nhóm nhân quyền và đại sứ quán Mỹ cũng lên án vụ giết người.

Michael Phoenix từ Văn phòng báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tình hình của người bảo vệ nhân quyền nhận định: “Điều quan trọng là phải tiến hành cuộc điều tra độc lập, khách quan và phải tính đến khả năng Aly cùng Jairo bị trả thù vì công việc của họ”.

Theo các chuyên gia quốc tế, vấn đề gây tranh cãi ở Guapinol bắt nguồn từ một mỏ lộ thiên khổng lồ gần Tocoa được cấp phép bên trong công viên quốc gia.

Một số người, bao gồm cả Domínguez và Bonilla, đã dựng trại phản đối sau khi khu mỏ gây ô nhiễm những dòng sông mà hàng nghìn người sinh sống.

Theo Al Jazeera, Honduras là một trong những quốc gia nguy hiểm nhất thế giới đối với các nhà hoạt động.

 

 

Minh An (zingnews.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem