Hải Dương: Dạy nghề + hỗ trợ lập mô hình liên kết, xuất hiện nhiều nông dân giỏi

Thu Hà Thứ năm, ngày 13/08/2020 21:13 PM (GMT+7)
Song song với thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, các cấp Hội ND tỉnh Hải Dương đã chủ động đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ tìm kiếm việc làm, thành lập mô hình liên kết sản xuất, giúp nông dân tăng thu nhập.
Bình luận 0

Nhân rộng điển hình nông dân giỏi

Với đặc điểm vùng đất trũng trồng lúa không hiệu quả, năm 2004, bà con nông dân các xã trong huyện Gia Lộc đã chuyển đổi từ lúa sang nuôi trồng thủy sản. Từ đó, các câu lạc bộ (CLB) được thành lập và hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tạo điều kiện để hội viên giúp nhau phát triển kinh tế sau học nghề.

Vừa dạy nghề vừa hỗ trợ lập mô hình liên kết  - Ảnh 1.

Mô hình nuôi cá của gia đình anh Vũ Văn Bắc là điểm đến của các thành viên trong CLB và khu vực lân cận đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm. Ảnh: Thu Hà

Các cấp Hội ND tỉnh Hải Dương

(trong 5 năm)

* Tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 13.000 người.

* Hỗ trợ thủ tục pháp lý, dạy ngoại ngữ, đào tạo nghề, vay vốn cho gần 2.000 lao động.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Vũ Văn Bắc - thành viên CLB nuôi thủy sản thôn Côi Hạ, xã Phạm Trấn (Gia Lộc) phấn khởi cho biết: "Nhờ có kiến thức sau học nghề và sự giúp đỡ của cán bộ Hội ND, đến nay, chúng tôi đã tự tin làm ăn và mạnh dạn áp dụng các công nghệ mới vào nuôi cá và đạt hiệu quả kinh tế cao".

Theo chia sẻ của anh Bắc, sau khi học nghề và tìm hiểu thêm, anh Bắc và bà con ở trong huyện đã đầu tư máy sục khí, tăng nguồn ôxy và điều tiết giảm bớt lượng thức ăn giúp cho đàn vật nuôi của bà con luôn khỏe, đạt chất lượng cao...

Để nâng cao hiệu quả của công tác đào tạo nghề, nhiều năm qua, Hội ND tỉnh Hải Dương đã chủ động đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ tìm kiếm việc làm, mở rộng mô hình sản xuất sau dạy nghề, tạo điểm tựa vững chắc giúp người lao động.

Cụ thể, từ năm 2013 đến nay, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân, Hội ND tỉnh Hải Dương đã trực tiếp tổ chức hơn 200 lớp đào tạo nghề (thời gian từ 2 - 3 tháng/lớp) cho hơn 6.000 học viên là nông dân, hơn 1.000 lớp tập huấn, bồi dưỡng khoa học, kỹ thuật cho hơn 68.000 người, trong đó có 169 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Bà Phạm Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Hội ND tỉnh Hải Dương cho biết: Việc được đầu tư cơ sở vật chất theo Quyết định số 673 của Thủ tướng Chính phủ giúp Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh có điều kiện hoạt động chặt chẽ, bài bản theo đúng chức năng nhiệm vụ được giao.

Dạy đúng, dạy trúng gắn với hỗ trợ

Với phương châm "Dạy đúng, trúng cái thiếu, cái yếu và gắn liền với hỗ trợ nông dân", Hội ND tỉnh Hải Dương chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Điểm nhấn đáng chú ý của Hội ND Hải Dương là song song với thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, các cấp Hội đã chủ động đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ tìm kiếm việc làm, thành lập mô hình liên kết sản xuất...

Bà Phạm Thị Thanh Tâm nhấn mạnh: "Sự đầu tư thích đáng cho công tác dạy và học đã và đang mang lại những kết quả ấn tượng sau quá trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đến nay, các cấp Hội ND trong tỉnh xây dựng được 410 mô hình kinh tế tập thể. Các mô hình này đều mang lại hiệu quả kinh tế cao với thu nhập từ 200 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/mô hình/năm. Điển hình như mô hình HTX Thủy sản ở xã Đoàn Kết, huyện Thanh Miện, Tổ liên kết thâm canh ổi an toàn ở các xã Liên Mạc, Tân Việt (Thanh Hà)…

Bên cạnh đó, Hội ND tỉnh tiếp tục chỉ đạo thành lập các mô hình chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh đã có 46 mô hình chi hội nghề nghiệp được thành lập, với 1.815 hội viên nông dân tham gia và 65 mô hình tổ hội nghề nghiệp với 1.662 hội viên. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem