Hạ tầng giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ là thách thức trong phát triển kinh tế vùng

Nha Mẫn Thứ tư, ngày 30/11/2022 15:27 PM (GMT+7)
Đông Nam bộ có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng hiện nay vẫn chưa phát triển xứng tầm, nguyên nhân là chưa tạo được liên kết, kết nối bền vững, nhất là trong lĩnh vực giao thông.
Bình luận 0

Phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ

Liên quan đến giao thông thuộc vùng Đông Nam bộ trong giai đoạn tới đến thời điểm này, Bộ GTVT cho biết đã có nhiều kế hoạch để phát triển hạ tầng giao thông liên kết vùng và các vùng phụ cận.

Hạ tầng giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ là thách thức trong phát triển kinh tế vùng - Ảnh 1.

Hệ thống giao thông đang là thách thức lớn trong vùng Đông Nam bộ. Ảnh: Nha Mẫn

Trong đó dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho giao thông kết nối các tỉnh thành trong vùng và các vùng phụ cận lên đến trên 400.000 tỷ đồng.

Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2026, tập trung đầu tư hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc quan trọng có tính chất liên vùng và kết nối với sân bay Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải như: Đường Vành đai 3 TP.HCM (92km); các tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (52km thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai), Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 (54km), Bến Lức - Long Thành (58km); mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Nâng tổng số km đường bộ cao tốc trong vùng Đông Nam Bộ lên khoảng 348km.

Bên cạnh đó, hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư để kêu gọi, thu hút đầu tư và khởi công một số tuyến cao tốc như: Mở rộng tuyến TP.HCM- Trung Lương, xây dựng cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành, Chơn Thành - Gia Nghĩa, Dầu Giây - Tân Phú...

Hạ tầng giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ là thách thức trong phát triển kinh tế vùng - Ảnh 2.

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đang được tăng tốc thi công. Ảnh: Nha Mẫn

Tổng nhu cầu vốn đầu tư để triển khai các dự án đường bộ cao tốc giai đoạn này khoảng 167.746 tỷ đồng. Trong đó ngân sách nhà nước dự kiến bố trí 93.215 tỷ đồng, vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 74.531 tỷ đồng.

Đến năm 2030, phấn đấu hoàn thành đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc, vành đai trong vùng theo quy hoạch được duyệt, cụ thể: Đường vành đai 4 TP.HCM; các tuyến cao tốc: TP.HCM - Mộc Bài (50km), TP.HCM - Chơn Thành (60km), Chơn Thành - Gia Nghĩa (qua địa phận Bình Phước khoảng 102km), Chơn Thành - Đức Hòa (84km), Dầu Giây - Tân Phú (60km) thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; Gò Dầu - Xa Mát (65km). Nâng tổng số km đường bộ cao tốc trong vùng Đông Nam bộ lên khoảng 772km. Tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn này khoảng 250.165 tỷ đồng.

Đặc biệt mới đây, tại hội nghị chương trình hành động phát triển kinh tế vùng Đông Nam bộ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt vấn đề: “Suốt 10 năm qua, vì sao cả vùng Đông Nam bộ chỉ có 50km đường cao tốc, trong khi có những tỉnh đã xây dựng gần 200km đường cao tốc”. 

Đột phá mới, theo Thủ tướng phân tích, đó là phải hình thành trung tâm tài chính quốc tế huy động nguồn lực; cùng với đó, cần thiết phải có quỹ phát triển hạ tầng giao thông chiến lược của vùng Đông Nam bộ.

Hạ tầng giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ là thách thức trong phát triển kinh tế vùng - Ảnh 3.

Giai đoạn này ưu tiên đầu tư các dự án giao thông. Ảnh: Nha Mẫn

Đặc biệt trong Nghị quyết số 24-NQ/TW và nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của vùng Đông Nam bộ nhanh, bền vững, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế vùng, đẩy mạnh kết nối Đông Nam bộ với các vùng lân cận, cảng biển, sân bay thì nhiệm vụ đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc là hết sức cấp bách.

Ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án giao thông vùng Đông Nam bộ

Đặc biệt giai đoạn này Bộ Kế hoạch Đầu tư ưu tiên kêu gọi đầu tư 6 dự án vào vùng Đông Nam bộ, trong đó đa số là dự án đường giao thông kết nối các tỉnh thành trong vùng Đông Nam bộ. Các dự án khi được đầu tư sẽ tạo nên hành lang kết nối, đưa vùng Đông Nam bộ phát triển nhanh, bền vững.

Hạ tầng giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ là thách thức trong phát triển kinh tế vùng - Ảnh 4.

Bản đồ giao thông kết nối nhiều tỉnh thành trong vùng Đông Nam bộ. Ảnh: Nha Mẫn

Bao gồm dự án đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn) có tổng mức đầu tư dự kiến giai đoạn 1 hơn 17.791 tỷ đồng; tổng mức đầu tư giai đoạn hoàn thiện khoảng hơn 26.000 tỷ đồng. 

Đây là dự án được chủ trương đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với mục tiêu từng bước khép kín đường Vành đai 4 TP.HCM. Dự án kết nối với các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Long An; kết nối với các tuyến giao thông khu vực gồm cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Quốc lộ 22, Tỉnh lộ 15…và kết nối với tuyến đường sắt quốc gia. 

Song song đó đường Vành đai 4 đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng thuộc diện được ưu tiên kêu gọi đầu tư với mục tiêu kết nối vùng, liên vùng cảng Cái Mép - Thị Vải với các khu vực sản xuất tại Đồng Nai – Bình Dương – TP.HCM – Long An, thúc đẩy phát triển đô thị hoá. 

Đây là dự án có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và vùng Đông Nam bộ nói chung. 

Dự án dự kiến vốn đầu tư khoảng 7.772 tỷ đồng với 18,3km có điểm đầu tại cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, điểm cuối tại Bàu Cạn (Đồng Nai), hiện hoàn thiện các thủ tục dự án tiền khả thi trình Chính phủ.

Tỉnh Bình Phước có dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành. Quy mô đầu tư dự kiến hơn 30.000 tỷ đồng, mục tiêu hình thành trục dọc kết nối Tây Nguyên với Đông Nam bộ, tạo dư địa, động lực phát triển không gian vùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, kết nối các trung tâm kinh tế cảng biển…

Dự án này được hưởng các chính sách về ưu đãi thuế, tiền thuê đất và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật hiện hành khi đang triển khai thực hiện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem