Hà Nội thông tin "nóng" về các giải pháp chống dịch sau khi giãn cách xã hội

T.A Thứ bảy, ngày 24/07/2021 14:37 PM (GMT+7)
Ngày 24/7, TP.Hà Nội tổ chức cuộc họp thông tin về các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP sau khi thực hiện giãn cách xã hội toàn TP theo Chỉ thị số 17/CT-UBND do Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành.
Bình luận 0
Hà Nội thông tin "nóng" về các giải pháp chống dịch sau khi giãn cách xã hội - Ảnh 1.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: HNCC).

Đảm bảo không thiếu hàng hoá

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng khẳng định, TP sẽ thực hiện các nội dung Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt nhất; đồng thời sẽ sẽ tiếp tục bổ sung các giải pháp sát với thực tiễn, diễn biến tình hình dịch.

Về vấn đề đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, hiện TP đang triển khai phương án 5 với mức hàng dự trữ tăng 3 lần so với các tháng bình thường với tổng giá trị 194.000 tỷ đồng của 17 mặt hàng thiết yếu.

Bên cạnh đó, lượng dự trữ đang tăng từ 30-50% được bố trí trong kho hàng của TP và một số tỉnh lân cận. Từ khi có Công điện 15 các đơn vị phân phối tiếp tục đưa hàng về với lượng dự trữ hàng ngày tăng 30% ngay tại hệ thống quầy kệ và kho hàng trung tâm; bố trí nhân lực triển khai bán hàng hoặc bán hàng online.

"Hiện nay Hà Nội vẫn bảo đảm đầy đủ nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu của nhân dân. Ngay sáng nay, thực hiện Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, hàng hóa và sức mua vẫn bình thường; các chợ dân sinh chấp hành nghiêm quy định của TP chỉ bán mặt hàng thiết yếu phục vụ dân sinh; nguồn hàng cũng được tiểu thương bảo đảm, không có hiện tượng găm hàng, tăng giá", bà Lan cho hay.

Hà Nội thông tin "nóng" về các giải pháp chống dịch sau khi giãn cách xã hội - Ảnh 2.

Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: HNCC).

An toàn tính mạng, sức khoẻ người dân là trên hết

Phát biểu kết thúc cuộc họp, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng, việc áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại thời điểm này là hết sức cần thiết. 

Bởi căn cứ vào diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP trong thời gian vừa qua, chỉ từ 27/4 đến nay có 675 ca, nhưng có tới 257 ca trong cộng đồng, nhiều ca F0 không có dấu, nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất cao, nếu không áp dụng biện pháp mạnh hơn thì nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Hơn nữa, với vị trí Thủ đô là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, là đầu mối giao thông trọng điểm của quốc gia, nếu không đảm bảo phòng chống dịch tốt thì sẽ tác động rất lớn đến cả nước.

Trong cuộc làm việc của Thủ tướng với TP.Hà Nội, Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm thành trì của Thủ đô và bảo vệ được thành quả chống dịch trong thời gian qua. "Vì thế cần thiết phải áp dụng Chỉ thị 16 trên địa bàn Hà Nội", ông Phong nhấn mạnh.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, các phương án, kịch bản theo từng cấp độ chống dịch đã được TP chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ động thực hiện. Trong đó, ngành Y tế Thủ đô đảm bảo được công tác điều trị, chữa trị trong các tình huống, đảm bảo nhân lực, trang thiết bị, vật tư để chống dịch, cách ly, tiêm chủng.

Hà Nội thông tin "nóng" về các giải pháp chống dịch sau khi giãn cách xã hội - Ảnh 4.

Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: HNCC).

Theo ông Phong, với kinh nghiệm từ thực hiện cách ly xã hội của năm 2020 và kinh nghiệm từ các địa phương khác, TP.Hà Nội đã rất chủ động chuẩn bị nguồn hàng, tính toán kế hoạch để lưu thông, phân phối hàng hóa, cùng với kiểm tra, giám sát để đảm bảo không tăng giá.

"Đâu đó có hiện tượng người dân đi mua tích trữ hàng hoá nhưng về cơ bản trên địa bàn Hà Nội không có. Sáng nay, tại các siêu thị, cửa hàng thì hàng hoá dồi dào phục vụ nhân dân. TP cũng đã tính đến các phương án dài hơn chứ không chỉ cho giai đoạn ngắn", ông Phong khẳng định.

Liên quan đến công tác vận tải, phân luồng giao thông, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng,  có thời điểm xảy ra ùn tắc nhưng dựa vào tình hình thực tế, TP thường xuyên bám sát để có giải pháp xử lý ngay, đảm bảo không để ách tắc hàng hoá không chỉ của Hà Nội, mà còn của các tỉnh, thành. 

Đồng thời, đảm bảo yêu cầu kiểm soát kỹ người và phương tiện ra, vào Hà Nội; đảm bảo hoạt động công vụ được thông suốt.

Hỗ trợ người khó khăn bị ảnh hưởng giãn cách xã hội theo chế độ riêng

Nhấn mạnh việc thực hiện Chỉ thị 16 ít nhiều tác động tới sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước, nhóm lao động, yếu thế, người khuyết tật, hộ nghèo... Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, TP đã có kế hoạch đảm bảo mọi nhu cầu tối thiểu của người dân. Từng xã, thôn đã có phương án cụ thể, song TP sẽ tiếp tục rà soát để có chính sách riêng ngoài chính sách của Trung ương quy định, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch.

Khẳng định "Tinh thần chống dịch như chống giặc và sức khỏe, an toàn của người dân là mục tiêu số 1", Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội kêu gọi người dân nghiêm túc chấp hành nội dung trong Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội… Ông Phong cũng chia sẻ, tình hình dịch mỗi đơn vị, địa phương, ở mỗi thười điểm sẽ phát sinh nhiều vấn đề, vì vậy, rất cần sự chủ động, sáng tạo với nhiều mô hình hiệu quả ở các địa phương.

Kết lại cuộc họp, vì mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn tính mạng, sức khoẻ của người dân, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đề nghị lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát diễn biến tình hình, trên tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Xây dựng 4 tầng điều trị

Thông tin tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết, trong đợt dịch thứ 4 này, trung bình 1 ngày Hà Nội phát hiện thêm 50-60 trường hợp, dự kiến thời gian tới diễn biến tăng vì có nhiều trường hợp phát hiện qua cộng đồng... Hơn nữa, đợt dịch này chủ yếu là biến chủng virut Delta và Delta+, lây lan nhanh, chu kỳ lây lan ngắn, từ 2-3 ngày.

Hiện Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng phương án, kịch bản chi tiết cho từng giai đoạn. Hiện nay, đang là phương án, kịch bảo 1.000 giường đã được thực hiện; sắp tới, Sở xây dựng kịch bản cho 5.000, 10.000, 200000 giường và 50.000 giường... và chia 4 tầng điều trị.

Tầng 1 bao gồm là 80% bệnh nhân không có triệu chứng hoặc biểu hiện nhẹ, các bệnh nhân này sẽ vào bệnh viện dã chiến (trên cơ sở thành lập tại trường Quân sự Thủ đô; Khu nhà ở sinh viên Tứ Hiệp có 3 toàn nhà, mỗi tòa 700 giường bệnh).

Tầng thứ 2 sẽ điều trị các bệnh nhân có triệu chứng trung bình và có bệnh lý nền, Sở sẽ kích hoạt các bệnh viện đa khoa tuyến quận, huyện để thu dung, điều trị. Dự kiến, mỗi bệnh viện đa khoa tuyến quận, huyện có thể đáp ứng 250 giường bệnh.

Tầng 3 và 4 gồm 5% bệnh nhân nặng, trong đó, có 1% bệnh nhân rất nặng phải thở máy hoặc lọc máu, nguy cơ tử vong cao thì kích hoạt ngay Bệnh đa khoa Đức Giang thành bệnh viện hồi sức tuyến cuối, trước mắt sẽ bố trí 250 giường.

"Với những kịch bản như vậy, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND TP, trong thời gian tới, hoàn toàn đáp ứng được với từng tình huống cụ thể", Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định và cho biết thêm, hiện tại, năng lực của riêng ngành Y tế Thủ đô có 412 giường hồi sức, 222 bác sĩ và trên 400 điều dưỡng có khả năng sử dụng máy thở.

Ngoài ra, năng lực xét nghiệm của TP hiện tại là 48 nghìn mẫu/ngày với 20 máy PCR và sắp tới bổ sung thêm 5 máy nữa...

Về công tác tiêm phòng dịch Covid-19, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đình Hưng cho biết, tính đến ngày 23/7, Hà Nội đã tiêm được 211.460 mũi, trong đó, có 201.965 người tiêm 1 mũi và 9.443 người tiêm đủ 2 mũi, đặc biệt cho các lực lượng tuyến đầu.

Hiện tại, Sở Y tế có 3 loại vắc xin. Với nguồn vắc xin về trong đợt tới, Sở sẽ triển khai tiêm chủng đạt được mục tiêu đề ra, hướng tới đến tháng 3/2022 sẽ tiêm được cho 70% người dân Hà Nội, tương ứng từ 5-6 triệu người.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem