Hà Nội gỡ khó trong xây dựng chuỗi nông sản an toàn

21/05/2019 09:56 GMT+7
Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội, đến nay, thành phố đã xây dựng được 121 chuỗi nông sản an toàn và hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm trong chuỗi. Tuy vậy, việc xây dựng chuỗi nông sản an toàn ở Thủ đô còn gặp nhiều khó khăn.

Còn nhiều khó khăn

Để thuận lợi trong tiêu thụ, từ đầu năm đến nay, Hà Nội hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tại nhiều hội chợ. Bên cạnh đó, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội phối hợp với Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển IDE triển khai lựa chọn cơ sở để hỗ trợ xây dựng và áp dụng tem điện tử thông minh QRcode truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng chuỗi nông sản an toàn của Thủ đô còn gặp nhiều khó khăn. Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát thừa nhận, công tác kết nối các khâu của chuỗi giữa cơ sở sản xuất với cơ sở kinh doanh còn lỏng lẻo, chưa ký kết được các hợp đồng ổn định lâu dài, chưa có kế hoạch, chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp...

 

 Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm an toàn tại các gian hàng bày bán nông sản an toàn trên đường Hoàng Quốc Việt (Hà Nội). ảnh: Hải Đăng

"Hiện nay, cơ chế, chính sách trong xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn chưa rõ ràng và cụ thể; lợi nhuận phân phối chưa công bằng giữa các tác nhân trong chuỗi. Trong đó, người kinh doanh bán buôn, bán lẻ nhận được nhiều lợi nhuận hơn so với người sản xuất; kinh phí đầu tư phát triển sản xuất rau, quả, thịt cá an toàn còn ít, khó mở rộng, khó duy trì mô hình sản xuất an toàn. Sản phẩm chuỗi được xác nhận còn ít; công tác quảng bá sản phẩm chuỗi chưa thường xuyên do thiếu kinh phí" - ông Loát khẳng định.

Theo bà Trương Kim Hoa - Giám đốc Công ty TNHH Khai thác tiềm năng sinh thái Hòa Lạc (xã Yên Bình, huyện Thạch Thất), hiện nay doanh nghiệp của bà đang tham gia xây dựng chuỗi rau với thương hiệu rau sạch Đại Ngàn, mỗi ngày cung cấp cho thị trường 4-5 tấn. Tuy nhiên, để mở rộng, phát triển chuỗi còn khó khăn do tâm lý người tiêu dùng vẫn quen mua thực phẩm tại chợ truyền thống, chưa quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ mặt hàng có tem nhãn...

Để tháo gỡ khó khăn trong phát triển chuỗi nông sản an toàn, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho rằng, cần có sự vào cuộc của doanh nghiệp và hợp tác xã, theo đó, 2 đơn vị này phải đóng vai trò then chốt trong khâu tiêu thụ nông sản an toàn cho nông dân.

Theo ông Mỹ, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Hà Nội cần tiếp tục tham mưu cho thành phố hỗ trợ các đơn vị này đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm kiểm soát chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, điều tiết lợi ích giữa các khâu trong chuỗi liên kết. Cùng với đó, tuyên truyền phổ biến các quy định về an toàn thực phẩm, đào tạo kiến thức an toàn thực phẩm cho người tham gia sản xuất; vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại chủ động liên kết, hỗ trợ nông dân trong khâu sản xuất. 

Cần có chính sách hỗ trợ cụ thể

Được biết, hiện thành phố Hà Nội có hơn 1.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản do thành phố quản lý; 4.699 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản được cấp phép do các quận, huyện, xã, phường quản lý. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm, nông sản có quy mô nhỏ lẻ, phân tán, phân phối qua nhiều khâu trung gian, nguồn lực phát triển, trình độ quản lý còn hạn chế.

Ông Nguyễn Đức Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Dũng Hà (Hà Nội) - một công ty phân phối, cung ứng rất nhiều loại nông sản an toàn, đặc sản từ các tỉnh, thành phố  cho biết, đến nay, công ty mới mở được 2 cửa hàng kinh doanh tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Công ty đang nghiên cứu để tiếp tục xây dựng các chuỗi cửa hàng nên mong muốn có chính sách hỗ trợ cụ thể về mặt bằng, giá cả, giao thương, kết nối...

Trước những kiến nghị trên, ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, Sở và các đơn vị chức năng đang tiến hành nhiều giải pháp để mô hình này phát triển bền vững. Cụ thể, đối với nguồn cung, Hà Nội đã cấp mã tài khoản quản trị cho gần 2.000 doanh nghiệp, cơ sở truy xuất nguồn gốc nông sản nhằm đẩy mạnh ứng dụng mã QR trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa; cấp mã QR truy xuất minh bạch thông tin cho hơn 3.000 dòng sản phẩm nông sản, thực phẩm; cấp mã QR cho 200 dòng sản phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản của 21 tỉnh, thành phố đang tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.

"Đặc biệt, Hà Nội tập trung mở rộng các chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm và duy trì hiệu quả 121 chuỗi đang có. Đồng thời, Hà Nội triển khai các chính sách của Nhà nước, thành phố hỗ trợ liên kết sản xuất, đặc biệt thực hiện tốt Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp" - ông Tường cho hay.

(Dân Việt)
Cùng chuyên mục