Giữ mãi tiếng khèn Mông trên vùng cao Pác Nặm (kỳ cuối): Sớm tôn vinh những người tâm huyết

Chiến Hoàng Thứ ba, ngày 17/08/2021 06:02 AM (GMT+7)
Nghệ thuật múa khèn của người Mông tỉnh Bắc Kạn đã được công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” từ năm 2015. Các “cao nhân” khèn cũng đang nỗ lực truyền dạy, bảo tồn nghệ thuật múa khèn của người Mông tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên, đến nay, tại tỉnh này vẫn chưa có ai chính thức được phong nghệ nhân múa khèn.
Bình luận 0

Tâm tư người trong cuộc

Trước đó, trong suốt câu chuyện giữa chúng tôi và thầy khèn Hoàng Văn Tân - Chủ nhiệm Câu lạc bộ khèn Mông bản Nghè, thầy nói rất nhiều về việc truyền dạy và các hoạt động liên quan đến nghệ thuật múa khèn của người Mông tại huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn.

Thầy cho biết, từ khi câu lạc bộ được thành lập đến nay, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn luôn thăm hỏi, động viên và còn tặng cả khèn cho câu lạc bộ.

Tuy nhiên, đến nay, tại tỉnh Bắc Kạn vẫn chưa có ai chính thức được phong nghệ nhân múa khèn.

Giữ mãi tiếng khèn Mông trên vùng cao Pác Nặm (kỳ cuối): Sớm tôn vinh những người tâm huyết - Ảnh 1.

Biên đạo múa La Bảo Duy (người ở giữa hàng trên cùng) - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Kạn tập huấn múa khèn tại xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể năm 2020. Ảnh: N.V.C.C

"Tỉnh Bắc Kạn có khá nhiều người khèn giỏi, sưu tầm, lưu giữ rất nhiều bản khèn hay. Có người tuổi đã gần 80 rồi vẫn tâm huyết, nỗ lực truyền dạy, quảng bá nghệ thuật múa khèn, tôi nghĩ, những người này đủ tiêu chuẩn để phong nghệ nhân".

Ông Lý Hồng Quân

Theo thầy Tân, nếu có người được phong nghệ nhân trong thời điểm này sẽ là nguồn động viên rất lớn cho phong trào học và trình diễn nghệ thuật múa khèn của người Mông tỉnh Bắc Kạn.

Giống như thầy Tân, ông Lý Hồng Quân (thôn Pác Liển, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) cũng cho biết, việc phong nghệ nhân là việc nên làm.

Các loại hình nghệ thuật khác đều đã có người được phong nghệ nhân, do đó nên có nghệ nhân đối với loại hình nghệ thuật độc đáo của người Mông tỉnh Bắc Kạn là múa khèn.

"Tìm hiểu được biết, như tôi còn đang công tác trong cơ quan Nhà nước thì sẽ không thuộc diện được làm hồ sơ. Tuy nhiên, tỉnh Bắc Kạn có khá nhiều người khèn giỏi, sưu tầm, lưu giữ và thuộc rất nhiều bản khèn hay.

Có người tuổi cũng đã gần 80 rồi, bằng vào kinh nghiệm hoạt động, sự tâm huyết cùng những nỗ lực truyền dạy, quảng bá nghệ thuật múa khèn, tôi nghĩ những người này về tiêu chuẩn để phong nghệ nhân chắc không phải là chưa đủ" - ông Lý Hồng Quân bộc bạch.

Ông Lý Hồng Quân cũng chia sẻ, trong những lần đi liên hoan nghệ thuật quần chúng hay hội diễn, từ cấp huyện, tỉnh, đến Trung ương, nhiều người vẫn gọi các ông là những nghệ nhân.

Nhưng chính việc gọi như vậy lại đôi khi khiến ông thấy khó nghĩ và có chút chạnh lòng.

Bao giờ có nghệ nhân múa khèn?

Giữ mãi tiếng khèn Mông trên vùng cao Pác Nặm (kỳ cuối): Sớm tôn vinh những người tâm huyết - Ảnh 3.

Khèn của người Mông có thể được thổi ở bất cứ đâu, dù là leo dốc hay đi rừng. Trong ảnh, ông Lý Hồng Quân vừa đi núi vừa khèn tại bản Pác Liển, xã Nghiên Loan, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng

Chúng tôi đã trao đổi với bà Hoàng Thị Hiền - Phó Trưởng Phòng di sản và du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn để hiểu thêm về công tác bảo tồn, phát triển nghệ thuật múa khèn của người Mông tỉnh Bắc Kạn.

Bà Hiền xác nhận, nghệ thuật múa khèn của người Mông tỉnh Bắc Kạn đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2015.

"Sở đã có kế hoạch bảo tồn và phát huy di sản "nghệ thuật múa khèn của người Mông" trong dự án "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2018-2020"-bà Hiền nói.

Theo đó, Sở đã mở 3 lớp truyền dạy dân ca, bí quyết thực hành di sản nghệ thuật múa khèn của người Mông tại xã Lương Thượng (huyện Na Rì), xã Cổ Linh (huyện Pác Nặm) và xã Nam Mẫu (huyện Ba Bể).

Sở cũng đã mời những người đang nắm giữ di sản nghệ thuật múa khèn của người Mông và mời một số những người dân tộc Mông có khả năng tiếp thu bí quyết thực hành di sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Cùng với đó, xây dựng phim tư liệu để quảng bá, giới thiệu về di sản "nghệ thuật múa khèn của người Mông" tỉnh Bắc Kạn; sưu tầm tư liệu, hiện vật phục vụ trưng bày, giới thiệu, quảng bá về di sản tại Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn.

Bà Hiền cho biết thêm, thông thường, khoảng hai hoặc hai năm rưỡi sẽ có một đợt làm hồ sơ để xét phong danh hiệu nghệ nhân.

Tuy nhiên, trong quá trình thông báo đưa về các huyện, xã để các đối tượng nằm trong diện biết và làm hồ sơ, chưa thấy có ai làm. Do đó đến nay, tỉnh Bắc Kạn chưa có người được phong nghệ nhân liên quan đến di sản này,

Có thể thấy, không chỉ những người Mông tâm huyết với khèn đang nỗ lực bảo tồn, phát huy di sản nghệ thuật múa khèn của người Mông tỉnh Bắc Kạn, mà còn có sự tích cực vào cuộc của ngành văn hóa tỉnh này.

Hy vọng trong những năm tới, tỉnh Bắc Kạn sẽ có người được xét phong nghệ nhân đối với di sản nghệ thuật múa khèn của người Mông.

Có vậy, rễ khèn mới không còn ngắn như nỗi lo của thầy khèn Hoàng Văn Tân trước đó đã rút ruột chia sẻ cùng chúng tôi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem