Giữ mãi tiếng khèn Mông ở vùng cao Pác Nặm (bài 3): Múa khèn từ đời sống lên sân khấu

Chiến Hoàng Thứ bảy, ngày 14/08/2021 06:00 AM (GMT+7)
Khèn Mông vốn là nhạc cụ thuộc bộ hơi, dùng để thổi, kết hợp với những động tác hình thể, thường được thực hành trong các ngày lễ, ngày hội, đám cưới, đám ma. Không gian diễn xướng nghệ thuật múa khèn của đồng bào Mông chủ yếu ở ngoài trời.
Bình luận 0

Kể chuyện bằng khèn

Trò chuyện cùng "cao nhân" khèn Mông Lý Hồng Quân (huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn), anh cho biết, những bài khèn thường chuyển tải những câu chuyện, liên quan đến sinh hoạt, lao động sản xuất trên nương rẫy việc hoặc đưa người đã mất về với mẹ núi. Các động tác khèn mô phỏng gần như hầu hết các hoạt động thường nhật của con người. Theo "giảo" Quân, khi múa khèn chính là lúc người trai Mông thể hiện sức mạnh, sự cường tráng, dẻo dai và linh hoạt của mình trước các cô gái. Khi đó, ngoài sức mạnh, người múa khèn còn thể hiện sự khéo léo và chất nghệ sĩ.

Lý Hồng Quân lấy bài múa khèn trên cọc cao để minh chứng cho những gì mình nói.

Theo đó, cọc mà người khèn đứng trên để múa vốn là cọc mà người Mông dùng để mổ trâu bò.

Giữ mãi tiếng khèn Mông ở vùng cao Pác Nặm (bài 3): Múa khèn từ đời sống lên sân khấu  - Ảnh 1.

Một màn trồng chuối thổi khèn của anh Lý Hồng Quân tại Mù Là (huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) năm 2016. Ảnh: La Bảo Duy

Theo "giảo" Quân, khi múa khèn chính là lúc người trai Mông thể hiện sức mạnh, sự cường tráng, dẻo dai và linh hoạt của mình trước các cô gái. Khi đó, ngoài sức mạnh, người múa khèn còn thể hiện sự khéo léo và chất nghệ sĩ.

Khi người Mông mổ trâu bò thường sử dụng ba cột đóng chắc xuống nền đất. Trong đó có hai cột chéo nhau và một cột để tụt về phía sau.

Vị trí cột chéo nhau là nơi trâu, bò đặt cổ vào đó trước khi bị hạ gục. Cột phía sau chính là nơi buộc trâu, bò.

"Người con trai múa khèn trên cọc cao chính là thể hiện sự cường tráng, linh hoạt của mình. Bài múa khèn trên cột cao cần sự chính xác đến điêu luyện, động tác múa được mô phỏng từ ngay chính hoạt động mổ trâu, bò trong các ngày hội, các đám cưới, đám tang của đồng bào Mông"- Lý Hồng Quân cho biết thêm.

Còn thầy khèn Hoàng Văn Tân - Chủ nhiệm câu lạc bộ khèn Mông bản Nghè (xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm) cho biết, những bài khèn giống như những trang sách, ghi chép lại cuộc sống của người Mông. Ở đó, có những câu chuyện tình, có những nỗi niềm suy tư, những thăng trầm người Mông đã gặp, và đặc biệt còn bộc lộ cả ý chí, tính cách của người chơi khèn.

Người trầm tính, ngón khèn cũng thư thái, chậm rãi, người mau mắn thì linh hoạt trong từng bước đi. Nói chung, khi múa khèn, ngoài câu chuyện được chuyển tải trong đó, người chơi khèn cũng phải khẳng định được tính cách của mình trong những bước khèn.

"Chính vì vậy, tuy cùng một bài nhưng khi tiếng khèn cất lên, người nghe lại có thể nhận biết được tiếng khèn đó là của ai, người khèn là người thế nào. Qua đó, các cô gái cũng sẽ chọn được cho mình người đàn ông ưng ý"- thầy khèn Hoàng Văn Tân chia sẻ.

Sân khấu hóa khèn Mông

Hiện nay, nghệ thuật múa khèn của người Mông tại Bắc Kạn được nhiều văn nghệ sĩ tiếp nhận, khai thác, làm chất liệu để đưa vào các sáng tác của mình.

Biên đạo múa La Bảo Duy - hội viên Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Kạn cho biết, để đưa nghệ thuật múa khèn của người Mông ở Bắc Kạn lên sân khấu, phải dày công sưu tầm, tìm hiểu và chắt lọc những gì đặc trưng, tinh túy nhất.

"Tôi cũng có dàn dựng một số tác phẩm múa trên cơ sở nghệ thuật múa khèn của đồng bào Mông. Việc xử lý tư liệu rất công phu, làm sao phải đảm bảo không bị sai về văn hóa, từ tiết tấu khèn đến nhịp bước, động tác khèn khi biểu diễn" - biên đạo múa La Bảo Duy cho hay. Cũng theo Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Kạn, tuy tư liệu về nghệ thuật múa khèn nhiều, nhưng để dùng được cần rất nhiều thời gian. Phải nhờ đến các "cao nhân" khèn Mông thực thụ chỉ bảo thêm mới có thể hiểu được những tinh túy của khèn Mông.

Nét riêng, độc đáo trong nghệ thuật múa khèn của người Mông tại Bắc Kạn ở chỗ, âm khèn có sự trầm, bổng, lên, xuống, được quyện vào động tác. Nhất là khi quay, ngồi, đi, lết, lộn và trồng cây chuối, tiếng khèn vẫn không bị ngắt quãng mà trộn lẫn, hòa vào làm một. "Động tác múa khèn của người Mông ở Bắc Kạn thường quay bằng mũi chân, hất gót cao bằng đầu gối quay 3 vòng, người giỏi có thể quay 5 vòng, tổ hợp đông người, đều và đẹp"- ông Duy cho biết.

Từ những nét riêng trong nghệ thuật khèn của người Mông ở Bắc Kạn, ông Duy đã dàn dựng những tác phẩm múa như: Hoa núi, Tiếng khèn trên núi, Xuống chợ, Tìm bạn, Nhịp điệu lưng chừng núi, Tiếng khèn gọi bạn… Trong đó, đã có một số tác phẩm đạt huy chương tại các cuộc liên hoan, hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quốc.

Còn nhạc sĩ Quan Anh Tuấn - Phó Trưởng đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Bắc Kạn chia sẻ, về âm vực, khèn Mông Bắc Kạn cũng không có nhiều sự khác biệt với khèn của các vùng Tây Bắc. Thanh âm của tiếng khèn rất đặc trưng, chỉ cần đưa được âm hưởng đó vào trong sáng tác là đã có thể có được một bản nhạc đậm chất núi rừng và mang tính dân gian trong đó.

"Là một nhạc sĩ, tôi thường tìm hiểu rất kỹ về âm vực của khèn cùng những bản khèn của người Mông tại Bắc Kạn. Trên cơ sở đó, tôi đã sáng tác một số tác phẩm mang âm hưởng của khèn và sáo Mông, trong đó có tác phẩm "Chợ tình" đã đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Ca - Múa - Nhạc toàn quốc đợt 1 năm 2018 tổ chức tại tỉnh Cao Bằng"- nhạc sĩ Quan Anh Tuấn cho biết thêm. 

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem