Giáo viên Đắk Lắk xuyên đêm vận động học sinh quay lại trường

Ngọc Giàu Chủ nhật, ngày 20/11/2022 19:00 PM (GMT+7)
Khó khăn lớn nhất của các thầy cô giáo vùng sâu, vùng xa Đắk Lắk chính là việc duy trì sĩ số lớp học. Mỗi khi có học sinh nghỉ học nhiều ngày, các thầy cô giáo lại trèo đèo, vượt suối đến từng nhà vận động các em trở lại trường. Do phụ huynh đi làm nương rẫy, các thầy cô giáo phải đến nhà vào ban đêm.
Bình luận 0

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk xuất hiện tình trạng học sinh bỏ học. Theo thống kê, riêng năm học 2021-2022, toàn tỉnh Đắk Lắk có hơn 3.800 học sinh nghỉ học, chủ yếu ở cấp THCS, THPT và đa số là học sinh dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc các em bỏ học như: Hoàn cảnh khó khăn, có em không thích đi học, nhiều trường hợp thiếu sự quan tâm của gia đình, học sinh bỏ học đi làm công nhân, nghỉ học để lập gia đình…

Nhiều giáo viên chia sẻ, khó khăn lớn nhất khi dạy học ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chính là việc duy trì sĩ số lớp học. Có học sinh nào nghỉ học mà không rõ lý do, giáo viên sẽ báo cáo nhà trường để tổ chức vận động.

Theo chân các thầy cô Trường THCS Trần Quốc Toản (xã Ea R’bin, huyện Lắk, Đắk Lắk), chúng tôi mới hiểu rõ nỗi vất vả của giáo viên. Thầy Y Thắng Rơ Yam - Phó Hiệu trưởng trường cho biết, thời điểm này đang vào mùa thu hoạch nên thường có một số học sinh nghỉ học, nếu không đi vận động thì nguy cơ các em bỏ học rất cao.

Giáo viên Đắk Lắk xuyên đêm vận động học sinh quay lại trường - Ảnh 1.

Giáo viên tại Đắk Lắk trực tiếp đến nhà các học sinh để vận động các em quay trở lại trường học. Ảnh: GVCC

Nói rồi, thầy Y Thắng cùng hai giáo viên khác là cô Phạm Thị Hồng và thầy Lữ Tuấn Anh Kiệt bắt đầu hành trình vận động trẻ đến trường. Điểm đến đầu tiên của các thầy cô là làng Mông, thuộc buôn Plao Siêng, xã Ea R’bin. Địa điểm này cách trường hơn 8 cây số. Sau khi di chuyển hơn 6 cây số đường bê tông, các thầy cô tiếp tục hành trình cuốc bộ khoảng 1 cây số đường đất nhỏ hẹp, xuyên qua cánh đồng. 

Lúc này trời bắt đầu tắt nắng, làng Mông dần chìm vào bóng tối. Giữa cánh đồng, chúng tôi bắt gặp những em nhỏ lội dưới bùn mò cua bắt ốc, người lấm lem. Có em nhỏ tí thấy người lạ liền dùng thau nhựa che người lại. Phía bên kia, những em nhỏ chừng 9-10 tuổi đang cắt cỏ bỏ vào gùi.

Cô Hồng cho biết, người dân làng Mông đang dùng pin năng lượng mặt trời để thắp sáng. Do nguồn điện yếu nên chỉ đủ để thắp 1 bóng đèn, buổi tối họ đi ngủ sớm, còn học sinh muốn học bài thì chỉ học vào ban ngày. 

Đi vòng quanh quả đồi, các thầy cô mới đến được nhà hai anh em Trương Văn Đại và Trương Thị Dung- học sinh do cô Hồng chủ nhiệm. Lúc này, Đại vừa đi đá bóng về, thấy thầy cô đến nhà, em bẽn lẽn đứng vào một góc. Được cô giáo động viên, em mới ra tiếp chuyện. 

Giáo viên Đắk Lắk xuyên đêm vận động học sinh quay lại trường - Ảnh 2.

Cô Hồng đến nhà các học sinh vào buổi tối để vận động các em đến trường trở lại. Ảnh: GVCC

Anh trai của Đại là Trương Văn Cẩu cho hay, bố mẹ đã về quê. Anh cũng biết Đại nghỉ học và có khuyên ngăn nhưng không được. Anh Cẩu giải thích thêm, nhà có 1 chiếc xe đạp, thường ngày anh đèo em đi học. Nhưng nay vào mùa thu hoạch, Cẩu bận, Đại đi bộ mỏi chân nên không muốn đi học nữa. Biết được lý do học trò nghỉ học, các thầy cô khuyên em Đại cố gắng vượt qua hoàn cảnh, đồng thời vận động anh trai Đại tiếp tục tạo điều kiện cho Đại đến trường.

Tiếp đến, các thầy cô đến nhà em Y Khuyết H’long (buôn Plao Siêng). Em này đang học lớp 6 nhưng đã bỏ học nhiều tuần nay. Nhà trường cũng tổ chức các đợt vận động song em Y Khuyết chưa trở lại trường. Mẹ em Y Khuyết cho biết, không bắt em nghỉ học vì Y Khuyết còn quá nhỏ. Ở nhà, em Y Khuyết cũng không phụ việc gì nhiều, chỉ phụ gia đình dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn… Mẹ Y Khuyết mong con học hết lớp 9, sẽ cho đi học nghề. 

Giáo viên Đắk Lắk xuyên đêm vận động học sinh quay lại trường - Ảnh 3.

Các thầy cô giáo phải đi qua các con đường nhỏ hẹp, qua các cánh đồng để đến được nhà học sinh. Ảnh: GVCC

Thầy Y Thắng dẫn câu chuyện từ chính thầy Lữ Tuấn Anh Kiệt để động viên phụ huynh. Thầy Kiệt cũng là học trò cũ của thầy Y Thắng. Hoàn cảnh của thầy Kiệt hết sức khó khăn. Tuy nhiên, thầy giáo đã biết nỗ lực, theo đuổi ước mơ và đã trở thành giáo viên dạy âm nhạc, trở về trường cũ cống hiến. Thầy Y Thắng nói thêm, Đảng và nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ con em đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn. Học xong lớp 9, học sinh có thể học nghề, sau này có cơ hội tìm việc tốt hơn.

Chia tay gia đình em Y khuyết lúc 20 giờ, thầy Y Thắng nói, buổi vận động tạm kết thúc, ngày mai sẽ tiếp tục vào buôn khác. Nhìn các thầy cô cần mẫn xuyên đêm vận động học trò quay lại trường, chúng tôi chỉ biết thầm trân trọng, khâm phục tình yêu nghề, yêu học sinh của các thầy cô giáo. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem