Gian nan xử lý lượng chất thải khổng lồ từ chăn nuôi

Thiên Ngân Chủ nhật, ngày 16/04/2023 16:09 PM (GMT+7)
Xử lý chất thải chăn nuôi phải là một chi phí sản xuất bắt buộc của các cơ sở chăn nuôi nhằm hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững theo chuỗi giá trị, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bình luận 0

Lượng chất thải từ chăn nuôi hơn 81,8 triệu tấn/năm

Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, hiện cả nước có khoảng 13.752 trang trại chăn nuôi quy mô lớn (từ 1.000 con lợn, bò, dê… trở lên) và khoảng 35.000 cơ sở chăn nuôi quy mô vừa. Năm 2022, tổng lượng chất thải chăn nuôi lên đến 81,8 triệu tấn/năm, trong đó chăn nuôi lợn chiếm 44,9%, bò thịt chiếm 26,7%, trâu chiếm 15,3%, gia cầm chiếm 8,1%, bò sữa chiếm 4,9% trong tổng lượng chất thải chăn nuôi.

Trong Luật Môi trường, quy định trang trại chăn nuôi từ 1.000 đơn vị vật nuôi trở lên thì phải có đánh giá tác động môi trường; trang trại quy mô từ 100 đến dưới 1.000 đơn vị vật nuôi phải có Giấy phép môi trường. Cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ từ 10 đến dưới 100 đơn vị vật nuôi thì phải Đăng ký môi trường. Tuy nhiên, hiện nay việc xử lí chất thải chăn nuôi vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Gian nan xử lý lượng chất thải khổng lồ từ chăn nuôi  - Ảnh 1.

Đệm lót sinh học dễ làm và có chi phí đầu tư thấp, với thành phần nguyên liệu như trấu, mùn cưa… Ảnh: T.L

Đơn cử như tại Quảng Ninh, với đàn trâu 29.101 con, đàn bò 32.532 con, đàn lợn 275.242 con, đàn gia cầm 4,7 triệu con..., chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ vẫn chiếm phần lớn (98,94% tổng số cơ sở), chiếm 83,68% tổng đàn gia súc, gia cầm. Phương thức nuôi chủ yếu là phân tán, tập quán chăn thả, nhốt vật nuôi gần khu sinh hoạt gia đình. Nhiều cơ sở chăn nuôi còn nằm xen kẽ trong các khu dân cư.

"Hiện nay trong tổng số 48.622 cơ sở chăn nuôi quy mô vừa và lớn, mới chỉ 1.623 trang trại có báo cáo đánh giá tác động môi trường; 3.806 trang trại có giấy phép môi trường; 40.775 cơ sở có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi và 2.418 cơ sở không có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi" - ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho hay.

Mặc dù các trang trại có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi, như sử dụng đệm lót sinh học, xây dựng công trình khí sinh học, ủ/bón phân, thu gom và rọn rửa vệ sinh hằng ngày..., nhưng hầu hết các biện pháp này đều chưa xử lý triệt để các thành phần ô nhiễm. 

Ước tính còn khoảng 6,76% lượng chất thải chăn nuôi không được xử lý mà xả thẳng ra môi trường, chủ yếu ở các cơ sở chăn nuôi nông hộ có gia súc thả rông, không có chuồng cố định. Phần lớn, các cơ sở chăn nuôi nông hộ chưa chú trọng đến việc xử lý mùi hôi…

Người dân tổ 7, khu 5 (phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả) cho biết: Tổ có 5 hộ chăn nuôi. Mỗi hộ nuôi khoảng 20 con lợn, có lúc đến 40 con. Dù có hầm biogas, nhưng do nuôi quá công suất, hầm không được hút, xử lý thường xuyên, nên lượng nước thải vẫn tràn ra đất hoặc hòa vào hệ thống thoát nước chung của phường, bốc mùi hôi. Các hộ chăn nuôi này phần lớn là làm công nhân, chăn nuôi để tăng thêm thu nhập.

Việc xử lý triệt để chất thải sau giết mổ càng khó khăn hơn, bởi cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh quá ít; tiến độ xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung còn chậm. Bố trí quỹ đất xây dựng dự án giết mổ gia súc, gia cầm tại các địa phương còn gặp khó khăn; một số địa điểm đã quy hoạch xa trung tâm, chợ nên không thu hút được nhà đầu tư.

Tái sử dụng hiệu quả chất thải chăn nuôi

Năm 2018, Luật Chăn nuôi ra đời, trong đó xử lý chất thải chăn nuôi được quy định rất rõ. Đơn cử như đối với chăn nuôi nông hộ, Điều 60 Luật Chăn nuôi quy định chủ chăn nuôi nông hộ phải thực hiện các yêu cầu: Có biện pháp xử lý phân, nước thải, khí thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và không gây ảnh hưởng đến người xung quanh; Vật nuôi chết vì dịch bệnh và chất thải nguy hại khác phải được xử lý theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.

Để cụ thể hoá các quy định của pháp luật về chăn nuôi, trong đó có quản lý chất thải chăn nuôi, Chính phủ cũng ban hành nghị định 13/2020/NĐ-CP về Hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi trong đó chương 6 quy định chi tiết về xử lý chất thải chăn nuôi.

Mặc dù, hệ thống văn bản chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường đối với quản lý chất thải chăn nuôi ngày càng cải thiện, tuy nhiên, việc triển khai từ trung ương xuống địa phương còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ. 

Cụ thể, một số văn bản được ban hành nhưng việc quán triệt trong triển khai thực tế ở các địa phương chưa triệt để dẫn đến chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, không rõ về vai trò quản lý chuyên ngành như phê duyệt, thẩm định các báo cáo đánh giá tác động môi trường, kiểm soát việc thực hiện các cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi.

Gian nan xử lý lượng chất thải khổng lồ từ chăn nuôi  - Ảnh 4.

Nông dân xã Dực Yên, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh áp dụng đệm lót sinh học vào xử lí chất thải chăn nuôi. Ảnh: Phạm Hoạch

Về chi phí xử lý chất thải chăn nuôi, ông Tống Xuân Chinh nêu quan điểm của Cục Chăn nuôi, đây phải là một chi phí sản xuất bắt buộc của các cơ sở chăn nuôi hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững theo chuỗi giá trị để bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

"Chất thải chăn nuôi được coi là nguồn nguyên liệu đầu vào của nhiều chu trình sinh học khác, trong đó sản xuất phân bón hữu cơ, chăn nuôi côn trùng và nuôi trồng thủy sản hướng tới nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn là những ưu tiên trong những thập kỷ tới. Vì vậy các trang trại, cơ sở chăn nuôi phải nâng cao năng lực quản lý, xử lý chất thải chăn nuôi và sử dụng có hiệu quả nguồn chất thải chăn nuôi cho các mục đích khác nhau", lãnh đạo Cục Chăn nuôi nhấn mạnh.

Theo tính toán, nếu có phương pháp xử lý và tận dụng tốt chất thải chăn nuôi, có thể đáp ứng thay thế tới 70 - 80% lượng phân bón hóa học, cũng như làm thức ăn chăn nuôi, giúp giảm thiểu chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.

Hiện tại, chất thải chăn nuôi được quản lý bằng nhiều cách, bao gồm ủ phân compost, sử dụng cho hầm khí đốt sinh học và sử dụng trực tiếp phân tươi làm phân bón. Trong ủ phân compost, chất thải rắn được thu lại và trộn để sản xuất phân bón hữu cơ trong khi phần chất lỏng được rửa trôi khỏi sàn chuồng và xả vào môi trường xung quanh hoặc ao cá. Trong khí đốt sinh học, chất thải được thu lại và xử lý trong hầm khí sinh học, khí gas tạo ra sẽ được sử dụng cho việc nấu và chất thải sau biogas được sử dụng làm phân bón hoặc xả vào các ao chăn nuôi cá…



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem