Giảm thiểu rác thải nhựa ở ven biển vịnh Hạ Long bằng mô hình cụ thể, điển hình

Bùi My Thứ tư, ngày 11/01/2023 07:46 AM (GMT+7)
Sau hơn 2 năm thực hiện, dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom, và xử lý rác thải nhựa vùng ven biển vịnh Hạ Long” đã hình thành nhiều mô hình điển, góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa.
Bình luận 0

Ngày 10/1, tại TP.Hạ Long, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị tổng kết dự án "Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven vịnh Hạ Long". 

Dự án được tài trợ bởi Chương trình tài trợ các dự án nhỏ - Quỹ môi trường toàn cầu (UNDP/GEF SGP) và chính phủ Na Uy.

Nhiều mô hình điển hình giúp giảm thiểu rác thải nhựa

Ông Nguyễn Văn Đường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh cho biết, dự án "Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven vịnh Hạ Long" được triển khai từ tháng 1/2020 tại 4 phường của TP.Hạ Long: Hồng Hà, Hồng Hải, Tuần Châu và Hà Phong. Sau đó dự án mở rộng thêm các phường Cao Thắng, Hà Khẩu, Hà Tu.

Nhiều mô hình điển hình giúp giảm thiểu rác thải nhựa ở ven biển vịnh Hạ Long - Ảnh 1.

Ban điều hành dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom, và xử lý rác thải nhựa vùng ven biển vịnh Hạ Long” và Quỹ Môi trường Toàn cầu ký kết bàn giao vốn vay. Ảnh: Bùi My

Dự án do Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh giữ vai trò tổ chức điều phối và thực hiện dự án, Hội Phụ nữ và Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ninh phối hợp thực hiện.

Mục tiêu của dự án là hướng tới toàn bộ cộng đồng ven biển vịnh Hạ Long tự nguyện và nỗ lực tham gia thu gom rác thải nhựa làm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa ven vịnh Hạ Long; góp phần bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái vịnh Hạ Long nói riêng và đại dương nói chung.

Nhiều mô hình điển hình giúp giảm thiểu rác thải nhựa ở ven biển vịnh Hạ Long - Ảnh 2.

Hội thảo "Chung tay vì một Hạ Long không rác thải nhựa" diễn ra vào tháng 8/2022, nằm trong dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom, và xử lý rác thải nhựa vùng ven biển vịnh Hạ Long”. Ảnh: Bùi My

Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai, dự án đã mang lại được một số kết quả cụ thể. Ban điều hành dự án đã phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức 35 lớp tập huấn, 3 hội thảo, 15 cuộc truyền thông lưu động về phòng chống rác thải nhựa, 2 chương trình phát động chiến dịch làm sạch biển, 2 chương trình phát động ngày môi trường thế giới, 5 cuộc kiểm toán rác, 1 cuộc thi giải pháp sáng tạo giảm thiểu rác thải nhựa…

Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức của người dân, cộng đồng về quản lý, phân loại, thu gom và xử lý rác rải nhựa; góp phần giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa tại hộ gia đình, cộng đồng và tại các cơ quan, đơn vị.

Nhiều mô hình điển hình giúp giảm thiểu rác thải nhựa ở ven biển vịnh Hạ Long - Ảnh 3.

Mô hình phân loại rác thải tại phường Hồng Hà, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Bùi My

Đặc biệt, dự án đã hình thành nhiều mô hình điển hình trong giảm thiểu rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng, góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa.

Đó là: Mô hình Phân loại rác thải tại nguồn và ủ rác hữu cơ làm phân compost; mô hình "Kinh tế tuần hoàn" trong trường học; mô hình gian hàng giới thiệu sản phẩm thay thế; mô hình phân loại, xử lý rác, nói "Không" với rác thải nhựa trên tàu cá, tàu du lịch tuyến và tàu du lịch nghỉ đêm; mô hình Tuyến đường không rác; mô hình phân loại, kiểm toán rác thải; mô hình Tuyên truyền viên ve chai và sinh kế cộng đồng.

Nhiều mô hình điển hình giúp giảm thiểu rác thải nhựa ở ven biển vịnh Hạ Long - Ảnh 4.

EPPIC shop (TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) bày bán các giải pháp, ý tưởng sáng tạo giảm thiểu rác thải nhựa, các sản phẩm được tái chế từ rác thải nhựa hoặc sản phẩm làm từ nguyên vật liệu thân thiện để thay thế sản phẩm làm từ nhựa được. Ảnh: Bùi My

Các chuỗi hoạt động của dự án đã góp phần giúp nhận thức và năng lực quản lý tổng hợp rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa đại dương của cán bộ chính quyền, các ngành liên quan, các tổ chức chính trị xã hội, người dân địa bàn dự án từng bước đã có sự thay đổi tích cực.

Mô hình cộng đồng quản lý, thu gom phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình, khu dân cư được dự án hỗ trợ thành lập và duy trì đã từng bước phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng, khu dân cư địa bàn dự án, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.

Dự án đã góp phần vận động chính sách đảm bảo cho việc phòng chống rác thải nhựa trên địa bàn đạt hiệu quả cao hơn, bền vững hơn.

Đồng thời, dự án đã góp phần nâng cao, cải thiện sinh kế, khẳng định vai trò, sự đóng góp của những lao động ve chai chuyên nghiệp đối với hoạt động bảo vệ môi trường tại địa phương.

Nhiều mô hình điển hình giúp giảm thiểu rác thải nhựa ở ven biển vịnh Hạ Long - Ảnh 5.

Mô hình xưởng tái chế của HTX Green life Hạ Long. Ảnh: Bùi My

Cần tiếp tục chung tay để giảm rác thải nhựa

Tuy nhiên trong quá trình triển khai dự án vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động đến tiến độ thực hiện dự án, một số hoạt động của dự án vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. 

Người lao động ve chai, nhất là người ngoại tỉnh còn có bộ phận mặc cảm về công việc và hoàn cảnh của mình, còn thói quen sinh hoạt tự do, thiếu tính kỷ luật. 

Mô hình "Kinh tế tuần hoàn" trong trường học mới được hình thành và triển khai trong thời gian chưa nhiều nên chưa thấy rõ được tính hiệu quả của mô hình…

Tại hội nghị tổng kết đã ghi nhận nhiều ý kiến tham luận của các đại biểu, thành viên nhằm đánh giá hiệu quả của dự án và đề xuất những giải pháp nhằm giảm thiểu rác thải nhựa cho vùng ven biển vịnh Hạ Long trong thời gian tới.

Nhiều mô hình điển hình giúp giảm thiểu rác thải nhựa ở ven biển vịnh Hạ Long - Ảnh 6.

Các đại biểu tham quan gian hàng sản phẩm được tái chế từ rác thải. Ảnh: Bùi My

Theo Tiến sĩ Lâm Ngọc Tuấn (trường Đại học Đà Lạt, chuyên gia đánh giá độc lập), dự án được xây dựng với sự tham gia của nhiều bên liên quan, phù hợp với tình hình địa phương, kinh nghiệm, năng lực của tổ chức điều hành và đội ngũ chuyên gia của địa phương.

Dự án đã đóng góp lớn trong việc tìm ra lời giải cho vấn đề quản lý rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng. Sự tham gia của cộng đồng là nhân tố then chốt. Phân loại rác là tiền đề để giảm thiểu lượng rác thải phải xử lý, thu hồi và tạo ra giá trị mới từ rác thải. Đội ngũ ve chai là lực lượng chủ lực, vừa làm giảm rác thải nhựa, vừa cung ứng nguyên liệu tái chế.

Từ chủ đề giảm thiểu rác thải nhựa dựa vào cộng đồng, dự án đã tạo ra hình mẫu trong việc vận dụng nguyên lý kinh tế tuần hoàn với rác thải.

Tiến sĩ cũng khuyến nghị, cần tiếp tục duy trì công tác truyền thông, mở rộng quy mô thực hiện phân loại rác thải kết hợp với tái chế rác thải hữu cơ và rác thải nhựa. Tổ chức tái chế rác thải hữu cơ tập trung để cung cấp cho sản xuất nông nghiệp; phát huy vai trò của lực lượng ve chai để thu gom triệt để rác thải nhựa.

Cần ban hành quy trình thu gom rác sao cho vừa duy trì thành quả của việc phân loại, vừa giảm thiểu lượng rác hỗn hợp tới các nhà máy xử lý rác mà không phát sinh thêm chi phí.

Phần rác thải khó phân hủy, không có khả năng tái chế cần được quản lý để không gây ô nhiễm môi trường và tận dụng được năng lượng chúng có thể sinh ra.

Nhiều mô hình điển hình giúp giảm thiểu rác thải nhựa ở ven biển vịnh Hạ Long - Ảnh 7.

Một số sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa được trưng bày tại hội nghị tổng kết. Ảnh: Bùi My

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên quốc gia Chương trình tài trợ các dự án nhỏ - Quỹ môi trường toàn cầu (UNDP/GEF SGP) chia sẻ, trong thời gian tới, mong Hội Nông dân tỉnh, Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục triển khai sâu rộng, lan tỏa những thực hành tốt của dự án đến phạm vi toàn tỉnh.

Đồng thời, mong đội ngũ ve chai chuyên nghiệp có thể trở thành những tuyên truyền viên giúp truyền đi những thông điệp về giảm rác thải nhựa.

Nhiều mô hình điển hình giúp giảm thiểu rác thải nhựa ở ven biển vịnh Hạ Long - Ảnh 8.

3 tập thể nhận giấy khen của Ban điều hành dự án "Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom, và xử lý rác thải nhựa vùng ven biển vịnh Hạ Long". Ảnh: Bùi My

Nhiều mô hình điển hình giúp giảm thiểu rác thải nhựa ở ven biển vịnh Hạ Long - Ảnh 9.

Các cá nhân tích cực được nhận giấy khen của Ban điều hành dự án "Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom, và xử lý rác thải nhựa vùng ven biển vịnh Hạ Long". Ảnh: Bùi My

Nhân dịp này, Ban điều hành dự án và Quỹ Môi trường Toàn cầu cũng đã ký kết bàn giao vốn vay nâng cao năng lực, cải thiện sinh kế cho các hộ dân; đồng thời, khen thưởng cho 3 tập thể và 10 cá nhân tích cực tham gia xây dựng dự án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem