Giảm giá dịch vụ chứng khoán, nhà đầu tư than... hẻo

30/04/2020 06:54 GMT+7
Trong khi cơ chế mới về giãn thuế cho các đối tượng bị tác động bởi dịch Covid-19 không có tên nhà đầu tư chứng khoán, thì chính sách giảm giá dịch vụ chứng khoán hỗ trợ họ lại quá nhỏ.

“Chi phí giao dịch không giảm là bao...”

Đó là chia sẻ của nhà đầu tư Trần Tiến Dũng (Hà Nội) với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, khi trả lời câu hỏi đến nay nhà đầu tư cảm nhận được sự hỗ trợ từ cơ chế giảm giá dịch vụ chứng khoán như thế nào sau hơn 1 tháng triển khai Thông tư 14/2020/TT-BTC sửa đổi Thông tư 127/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (có hiệu lực từ 18/3/2020).

Ông Dũng cho biết, với các nhà đầu tư giao dịch cổ phiếu trên thị trường cơ sở thì 2 khoản chi phí nặng nhất mà nhà đầu tư đang phải nộp mỗi khi giao dịch là phí giao dịch chứng khoán và thuế thu nhập cá nhân từ giao dịch chứng khoán.

Giảm giá dịch vụ chứng khoán, nhà đầu tư than... hẻo - Ảnh 1.

Giảm giá dịch vụ chứng khoán, nhà đầu tư than... hẻo

Trước và sau khi áp dụng cơ chế giảm giá dịch vụ lĩnh vực chứng khoán theo Thông tư 14, ông thấy chi phí giao dịch không giảm là bao.

Thực tế, bên cạnh một số công ty chứng khoán không thu phí giao dịch thì tùy từng công ty mà mức thu phí giao dịch chứng khoán dao động từ khoảng 0,15 - 0,35%/giá trị giao dịch từng lần.

Trong đó, đa phần là công ty chứng khoán thu để nộp cho các Sở giao dịch chứng khoán với mức 0,027%/giá trị giao dịch, giảm không đáng kể so với mức thu 0,03% trước khi Thông tư 14 có hiệu lực.

“Mức giảm thu mà Sở giao dịch chứng khoán, Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư không đáng kể, trong khi lẽ ra các chủ thể này cần hỗ trợ nhà đầu tư cá nhân nhiều hơn trong lúc TTCK khó khăn kéo dài do dịch Covid-19”, ông Dũng nói.

Không chỉ nhà đầu tư cá nhân với giá trị giao dịch thấp nên khó cảm nhận được lợi ích của cơ chế giảm giá lĩnh vực chứng khoán, mà cả nhà đầu tư tổ chức giao dịch với giá trị lớn cũng chưa thấy được sự hỗ trợ rõ nét.

“Chúng tôi không cảm nhận được mình được thụ hưởng cơ chế giảm giá lĩnh vực chứng khoán, vì mức thu phí giao dịch không khác đáng kể so với trước khi giảm”, lãnh đạo một công ty quản lý quỹ chia sẻ.

Chính sách vẫn trọng cung, nhẹ cầu

Nhìn ở góc độ quan hệ cung - cầu trên thị trường, một số chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán cho rằng, không phải lúc dịch bệnh này, mà ngay cả trong trạng thái thị trường phát triển bình thường, trong hệ thống cơ chế điều hành, quản lý thị trường đang cho thấy sự mất cân đối giữa các giải pháp phát triển cung và cầu.

Trong đó, không khó nhận ra tình trạng “trọng cung”, “nhẹ cầu”. Sự “trọng cung” thể hiện qua số lượng các doanh nghiệp lên sàn cho đến lượng cổ phần mà Nhà nước thoái vốn ở các doanh nghiệp tăng cao trong nhiều năm qua, bên cạnh các sản phẩm mới như phái sinh, chứng quyền có đảm bảo..., nhưng lại chưa có các giải pháp tương ứng đủ mạnh và bài bản cho phát triển sức cầu nhằm hấp thụ tốt lượng cung liên tục được đẩy ra thị trường.

Đó là chưa kể một lượng vốn không nhỏ các doanh nghiệp huy động từ nhà đầu tư sau khi lên sàn chứng khoán. Các nguồn cung này đè nặng lên sức cầu vừa hạn chế, vừa thiếu các biện pháp khuyến khích để có sự cải thiện.

Nhìn một cách khách quan, nhà quản lý cũng có nhiều nỗ lực cải thiện sức cầu, nhưng trước tình trạng nguồn cung nhanh chóng bung mạnh, các giải pháp tăng cầu rơi vào trạng thái hoặc là chưa ban hành được chính sách như nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, phát hành chứng chỉ không có quyền biểu quyết..., hoặc cơ chế đã ban hành, nhưng không đi vào thực tế như bán chứng khoán chờ về, giao dịch T+0...

Ở tuổi 20, thị trường đã lớn về quy mô, nhưng sức cầu còn nhỏ và không vững chắc. Nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần xây dựng một chiến lược về phát triển sức cầu cho TTCK.

Không chỉ đơn thuần là ưu đãi, khuyến khích về thuế, phí, mà bao gồm cả hệ thống giải pháp tạo sự thông thoáng cho nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường, bảo vệ sự minh bạch và liêm chính trên TTCK.

HNX dự kiến giảm nhẹ hiệu quả năm 2020 so với 2019

Trong báo cáo Bộ Tài chính cuối tháng 3 và công bố thông tin theo Nghị định 81/2015/NĐ-CP, Sở GDCK Hà Nội (HNX) cho biết, kế hoạch doanh thu năm 2020 là 621,94 tỷ đồng, thấp hơn mức thực hiện năm 2019 là 654,67 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2020 tại HNX dự kiến là 334,33 tỷ đồng, thấp hơn mức thực hiện năm 2019 là 389,09 tỷ đồng.

Tại sàn HOSE, số liệu thực tế về hiệu quả năm 2019 và kế hoạch 2020 chưa được Sở công bố. Số liệu HOSE công bố gần nhất là kế hoạch năm 2019 với doanh thu 1.015 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 650 tỷ đồng, nộp Ngân sách Nhà nước 476 tỷ đồng.

(Dân Việt)
Cùng chuyên mục