Nữ giám đốc người Chăm ở Ninh Thuận phủ xanh cát trắng bằng "rau vua", giúp đổi thay một vùng quê vốn nghèo khó

Đức Cường Thứ tư, ngày 17/08/2022 16:19 PM (GMT+7)
Là đồng bào dân tộc Chăm, giữa miền cát trắng khô cằn ở Ninh Thuận, bà Châu Thị Xéo ở xã Phước Hải, huyện Ninh Phước đã vươn lên làm giàu với mô hình trồng măng tây xanh ví như "rau vua”. Bà Xéo là một trong 100 nhà nông của cả nước sắp tới được tôn vinh, trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022".
Bình luận 0

Một ngày trung tuần tháng 8/2022, phóng viên Báo điện tử Dân Việt tìm về với cánh đồng măng tây xanh rộng lớn hơn 20ha ở Hợp tác xã (HTX) Châu Rế của bà con người Chăm làng Thành Tín xã Phước Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận).

Về đây, chúng tôi lắng nghe câu chuyện về "nữ thủ lĩnh" người Chăm Châu Thị Xéo, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế đã dẫn dắt và hướng dẫn dân làng mang màu xanh phủ kín đồi cát trắng, vươn lên làm giàu...

Nghị lực, khát vọng làm giàu trên miền cát trắng

Nữ thủ lĩnh người Chăm ở Ninh Thuận phủ xanh đồi cát trắng, trở thành nông dân sản xuất giỏi năm 2022 - Ảnh 1.

Chân dung nữ thủ lĩnh người Chăm Châu Thị Xéo, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế. xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Đức Cường)

Tiếp chúng tôi bên ruộng măng tây đang xanh mượt, bà Châu Thị Xéo (60 tuổi) kể lại: "Nhìn thảm xanh ngắt trải dài vô tận với hàng hàng, lớp lớp cây măng tây xanh như bây giờ ít ai biết được rằng chưa đầy 5 năm trước khu vực này toàn một màu nắng, cát bay mù trời...".

Cũng chính thời tiết quá khắc nghiệt, thiếu mưa thừa nắng nên người dân quanh năm chỉ trồng được vài ba cây đậu, vụ dưa…nên đời sống hết sức khó khăn. Nhưng ngày ấy qua rồi và giờ đây toàn một màu xanh như hôm nay mà ai cũng thấy đó....

Theo bà Xéo, khu vực này được gọi là Bàu Rế, trong tiếng Chăm được hiểu là môm na là Hồ Sen. Gọi là hồ nhưng khu vực này hầu như khô cạn quanh năm, chỉ ngập nước khi có lũ về vài ba ngày rồi trở lại khô cằn, khiến việc sản xuất nông nghiệp lúc bây giờ gặp nhiều khó khăn.

"Nhiều năm trước, bà con trong làng đã trồng nhiều loại cây trồng nhưng không hợp thổ nhưỡng nên năng suất thấp. Vì thế đời sống người dân khó khăn, trong đó có gia đình tôi." Bà Xéo cho biết.

Quyết không cam chịu, đầu năm 2018 bà Châu Thị Xéo bắt đầu "cắp sách" tìm hiểu về các giống cây trồng mới ở khắp các nông trại từ thành thị đến nông thôn để học tập kinh nghiệm. Và rồi bà vô tình học được "bí kíp" về một loại cây măng tây xanh, được mệnh danh là "vua của các loài rau" ở làng Chăm Tuấn Tú lân cận nên mang về làng mình áp dụng.

Nữ thủ lĩnh người Chăm ở Ninh Thuận phủ xanh đồi cát trắng, trở thành nông dân sản xuất giỏi năm 2022 - Ảnh 3.

Khác xa hình ảnh của đồi cát khô căn, giờ đây xã viên HTX Châu Rế đã nở nụ cười tươi bên những luống măng xanh mướt trải dài vô tận. (Ảnh: Đức Cường)

"Lúc tôi quyết định đem về trồng thử thì ai nấy đều nghi ngờ, nói tôi khùng, điên vì cho rằng đất cát vùng này nắng nóng nên sẽ không thu được gì. Nhưng tôi vẫn quyết tâm vì xét thấy điều kiện thổ nhưỡng làng bên có nhiều điểm tương đồng với đồi cát Bàu Rế quê mình. Chỉ thiếu nước sản xuất nên tôi quyết định đầu tư trồng thử 1 sào (1.000 mét vuông) và lắp ống tưới cho cây. Sau hơn nữa năm chăm sóc, bà Xéo thu hoạch lứa măng tây xanh đầu tiên được gần 10kg măng tươi/ngày. Giá bán thời điểm đó rất cao 70.000 đồng/kg, tôi thu về gần 700.000 đồng/ngày...", bà Xéo nhớ lại.

Nữ thủ lĩnh người Chăm ở Ninh Thuận phủ xanh đồi cát trắng, trở thành nông dân sản xuất giỏi năm 2022 - Ảnh 4.

Xã viên hợp tác xã Châu Rế đã vươn lên làm giàu từ cây măng tây xanh. (Ảnh: Đức Cường)

Bất ngờ với kết quả "làm chơi nhưng ăn thật" với cây măng tây xanh, ngay trong năm 2018 bà Châu Thị Xéo quyết định mở rộng lên 5 sào (5.000 mét vuông). Nhờ áp dụng các bước chăm sóc kỹ càng mà lứa măng tây của bà thời điểm đó đã cho thu nhập 40 – 50 triệu mỗi tháng.

Thành công ngoài mong đợi với loài "rau vua" trồng trên cát, ngày càng có nhiều nông hộ tìm đến bà Xéo để học tập kinh nghiệm trồng măng tây. Để rồi sau nhiều đêm đau đáu phải làm sao để nâng tầm cuộc sống, giúp nông dân địa phương có thêm thu nhập, bà Châu Thị Xéo đã đề xuất với chính quyền địa phương thành lập hợp tác xã( HTX).

Bà Xéo đã khăn gói đi học các khóa về luật HTX rồi vận động người thân, bạn bè, làng xóm phát triển măng tây xanh và thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế do chính bà làm chủ tịch HĐQT, kiêm giám đốc.

Nữ thủ lĩnh người Chăm ở Ninh Thuận phủ xanh đồi cát trắng, trở thành nông dân sản xuất giỏi năm 2022 - Ảnh 5.

HTX Châu Rế đã trở thành điểm đến không hẹn mà gặp của nhiều nông hộ trồng măng tây xanh trong vùng. (Ảnh: Đức Cường)

Giải thích lý do lấy tên HTX Châu Rế, bà Xéo minh chứng: "Tôi họ Châu, đồi cát quê tôi tên là Bàu Rế, nên tôi ghép họ tôi và Rế để đặt tên cho HTX Châu Rế..." 

Nhận thấy hiệu quả mang lại từ cây mang tây xanh, hàng chục nông dân làng Chăm Thành Tín nộp đơn gia nhập HTX, thời điểm mới thành lập đã có năm 2018 đã có 37 xã viên tham gia với tổng diện tích trồng măng tây trên 15ha.

Đến nay, ngày càng nhiều gia đình người Chăm chuyển đổi hoàn toàn diện tích các cây trồng khác để chuyển sang trồng măng tây xanh, trong đó có có hàng chục hộ nộp đơn xin gia nhập HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế nâng tổng số xã viên HTX lên trên 70 xã viên với 100% xã viên là người Chăm, đồng thời nâng tổng diện tích cánh đồng lớn măng tây xanh lên trên 20ha trồng măng tây xanh.

Nữ thủ lĩnh người Chăm ở Ninh Thuận phủ xanh đồi cát trắng, trở thành nông dân sản xuất giỏi năm 2022 - Ảnh 6.

Nông dân Bầu Rế ở làng Chăm Thành Tín giờ đây đã coi cây măng tây xanh là cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế mỗi ngày. (Ảnh: Đức Cường)

Hiện nay, HTX Châu Rế nhận thu mua toàn bộ sản lượng măng tây xanh mỗi ngày của xã viên ở làng Chăm Thành Tín và các làng Chăm lân cận với giá bao tiêu sản phẩm ổn định từ 40.000 – 43.000 đồng/kg, tổng sản lượng măng tây xanh mà HTX Châu Rế xuất bán mỗi này từ 300 – 500kg/ngày đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người trồng măng tây và duy trì hoạt động thường xuyên của 10 lao động người Chăm ở HTX.

Chỉ tay về những luống măng tây xanh mướt của gia đình đang độ thu hoạt, lão nông Bá Điểm, người Chăm làng Thành Tín cho biết, cách đây chừng 3 năm gia đình ông vẫn còn chạy ăn từng bữa với cây đậu xanh, đậu phộng nhưng từ khi chuyển sang trồng 4 sào (4.000 mét vuông) măng tây thì mỗi ngày gia đình ông đã có của ăn của để hơn trước.

"Với 4 sào (4.000 mét vuông) thì mỗi ngày tôi thu hoạch trên dưới 50kg măng tây xanh, và với giá bán 40.000 đồng/kg thì mỗi ngày tôi thu về 2 triệu đồng. Nhừo đó con cái được đến trường đầy đủ, có thêm điều kiện để vươn lên làm giàu." Ông Điểm cười nói.

Nữ nông dân người Chăm ở Ninh Thuận phủ xanh đồi cát trắng, trở thành nông dân sản xuất giỏi năm 2022 - Ảnh 8.

Cũng như ông Điểm, chị Huê thfì các nông dân người Chăm khác ở làng Thành Tín như anh Kiều Lệ cũng chuyển sang trồng 3 sào măng tây xanh được hơn 3 năm nay và cho thu nhập 15kg/sào/ngày. (Ảnh: Đức Cường)

Cũng là người Chăm làng Thành Tín và cũng phấn khởi với lợi nhuận từ cây măng tây xanh đem lại như ông Điểm, chị Não Thị Kim Huê, thành viên HTX Châu Rế cho biết, so với trồng hoa màu như trước đây thì trồng măng tây cho thu nhập cao gấp nhiều lần và liên tục hằng ngày nên gia đình đã theo trồng được 3 năm nay.

"Bà con chúng tôi nhiều người đùa với nhau, mỗi sáng đều đi hái tiền vì cứ mỗi sáng thu hái măng tây xanh xong là có tiền liền nên bà con rất phấn khởi. Mỗi ngày hái một lần và liên tục trong cả tháng, như gia đình tôi trồng 3 sào thì mùa hè này cũng được trên dưới 20kg mỗi ngày. Với giá 40 nghìn/kg thì mỗi ngày cũng kiếm được gần 1 triệu đồng...", chị Huê phấn khởi nói.

Giờ đây, trên khắp cánh đồng ở HXT dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế đã phủ kín một màu xanh vô tận, thể hiện ước mơ đã hóa thành hiện thức của bao thế hệ người Chăm làng Thành Tín khát khao vươn lên làm giàu trên mãnh đất quê hương.

Clip: Mô hình trồng măng tây xanh của HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế. xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận do bà Châu Thị Xéo làm giám đốc . Thực hiện: Đức Cường

Khẳng định sản phẩm măng tây xanh Châu Rế

Để giúp xã viên phát triển kinh tế từ cây măng tây, HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế do bà Châu Thị Xáo làm giám đốc đã trở thành điểm tựa cho nhiều nông dân nghèo không có vốn sản xuất thông qua các cách hỗ trợ tiền giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc măng tây xanh.

Nữ thủ lĩnh người Chăm ở Ninh Thuận phủ xanh đồi cát trắng, trở thành nông dân sản xuất giỏi năm 2022 - Ảnh 8.

Nụ cười đôn hậu của nữ thủ lĩnh người Chăm khi thành công với cây măng tây xanh. (Ảnh: Đức Cường)

Giám đốc HTX Châu Thị Xéo cũng đã chủ động phối hợp liên kết với các doanh nghiệp ở địa phương trong việc trồng và thu mua toàn bộ sản phẩm đầu ra cho xã viên và nhiều nông hộ lân cận. 

Từ đó, nhiều gia đình xã viên người Chăm làng trên xóm dưới từng bước vươn lên làm giàu, nhiều hộ nghèo đã không còn nghèo như thời điểm trước đó. HTX Châu Rế hiện nay không còn xã viên thuộc diện hộ nghèo.

"Bà con xã viên rất biết ơn chị Xéo, nhờ chị Xéo mạnh dạn đem về trồng rồi tận tình hướng dẫn lại cho bà con kỹ thuật trồng măng tây xanh nên giờ đây bà con chúng tôi có cuộc sống khá giải hơn. Với vai trò là của mình, chị Xéo cũng luôn vận động bà con xã viên chúng tôi đoàn kết và biết chia sẻ để nâng cao thu nhập mỗi ngày và HTX ngày một phát triển hơn...", ông Bá Điểm, thành viên HTX Châu Rế cho biết.

Theo bà Châu Thị Xéo, giám đốc HTX dịch vụ nông nông nghiệp tổng hợp Châu Rế thì để sản phẩm măng tây xanh của HTX có chỗ đứng và tiêu thụ ổn định trên thị trường thì yếu tố chất lượng luôn được nông dân và HTX đặt lên hàng đầu.

Nữ thủ lĩnh người Chăm ở Ninh Thuận phủ xanh đồi cát trắng, trở thành nông dân sản xuất giỏi năm 2022 - Ảnh 9.

Những đọt măng tây xanh mướt được trồng ở đồi cát của HTX Châu Rế. (Ảnh: Đức Cường)

Đến nay, 100% diện tích cánh đồng lớn măng tây xanh của HTX đều được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời áp dụng 100% mô hình tưới nước tiết kiệm, giúp giảm chi phí và công chăm sóc, tiết kiệm nước tưới nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình.

Hiện nay, măng tây xanh được xem là cây trồng chủ lực trên vùng cát trắng Bàu Rế. Sau gần 4 năm đi vào hoạt động dưới sự chèo lái của nữ thủ lĩnh Châu Thị Xéo, thương hiệu măng tay xanh của HTX Châu Rế đã khẳng định uy tín trên thị trường. 

HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế cũng đã liên kết với Dự án" Nâng cao vai trò phụ nữ trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp" tổ chức phát triển Hà Lan SNV. Dự án này hiện có nhiều đối tác tham gia nên đầu ra của sản phẩm măng tây xanh của HTX Châu Rế ngày càng rộng mở...sản phẩm măng tây xanh của HTX cũng đã có mặt ở hầu hết các chuổi cửa hàng thực phẩm và siêu thị trong cũng như ngoài tỉnh Ninh Thuận, Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng…

Nữ thủ lĩnh người Chăm ở Ninh Thuận phủ xanh đồi cát trắng, trở thành nông dân sản xuất giỏi năm 2022 - Ảnh 10.

Nhìn từ trên cao, cánh đồng mẫu lớn trồng măng tây xanh như một dãi lụa xanh tận chân trời. (Ảnh: Đức Cường)

Minh chứng rõ ràng là dù trải qua thời gian khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo theo giá cả măng tây ngày càng sụt giảm so với trước, nhưng trong 3 năm gần nhất, doanh thu của HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế vẫn ở mức gần 10 tỷ đồng. Bình quân mỗi năm sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng 1,2 tỷ đồng. Nhờ đó góp phần tạo công ăn việc làm thường xuyên cho trên 10 lao động địa phương (4-5 triệu đồng/người/tháng), đời sống xã viên nông dân ngày càng được nâng lên.

Riêng gia đình bà Châu Thị Xéo với việc trồng 1,7ha măng tây xanh kết hợp chăn nuôi dê bò mỗi tháng thu về trên dưới 50 triệu đồng, bình quân mỗi năm thu về 600 triệu đồng.

Cầm trên tay những ngọn măng tươi xanh mướt còn đọng hạt sương mai, nữ giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế, Châu Thị Xéo cho biết, qua thời gian trồng và chăm sóc bà biết được cây măng tây rất dễ trồng. Tuy mức đầu tư ban đầu cao (30-50 triệu/1000 mét vuông) nhưng đổi lại bà con trồng 1 lần có thể cắt măng bán trong nhiều năm về sau nếu được chăm sóc tốt. Ngoài ra, cây măng tây ít sâu bệnh, dễ chăm sóc mà giá bán lại ổn định ở mức cao nên bà con rất yên tâm sản xuất.

Nữ nông dân người Chăm ở Ninh Thuận phủ xanh đồi cát trắng, trở thành nông dân sản xuất giỏi năm 2022 - Ảnh 14.

Xã viên giao măng tây đến bán tại HTX mỗi sáng và được HTX thanh toán 10 ngày 1 lần. (Ảnh: Đức Cường)

"Nhờ trồng trên cát nên nước thấm hút nhanh không bị úng khi gặp mưa dài ngày, ngoài ra cũng vì được trồng trên nền cát mịn nên sản phẩm măng tây xanh Châu Rế rất mềm so với măng tây trồng ở nhiều nơi khác có đất thịt pha cát. Nhờ đó, măng tây của HTX Châu Rế giá trị dinh dưỡng được giữ ổn định sau khi cắt nên thị trường rất ưa chuộng...", bà Xéo tự tin nói.

Bà Xéo khoe, hiện nay, ngoài sản phẩm măng tây xanh tươi, bà Châu Thị Xéo và HTX của bà cũng đã cho ra đời sản phẩm trà măng tây xanh phơi khô, sử dụng uống như các loại trà thông thường giúp bổ sung dưỡng chất và các chất chống lão hóa rất được thị trường ưa dùng.

Đóng góp vào xây dựng nông thôn mới

Đến nay, toàn HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế do bà Châu Thị Xéo làm giám đốc vẫn không ngừng nâng tầm về chất lượng sản phẩm và số lượng xã viên, đóng góp không nhỏ vào việc tạo nguồn lợi phát triển kinh tế cho địa phương xã Phước Hải nói chung.

Nữ thủ lĩnh người Chăm ở Ninh Thuận phủ xanh đồi cát trắng, trở thành nông dân sản xuất giỏi năm 2022 - Ảnh 11.

HTX Châu Rế góp phần vào xây dựng xã nông thôn mới Phước Hải, huyện Ninh Phước. (Ảnh: Đức Cường)

Tự tin "ăn nên làm ra" từ cây măng tây xanh, sắp tới đây HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế sẽ kỷ niệm 4 năm thành lập (ngày 30/8/2018 -30/8/2022). HTX nói chung và cá nhân nữ giám đốc Châu Thị Xéo nói riêng cũng luôn tích cực đóng góp vào sự phát trinh chung của đia phương. 

Tham gia vận động Quỹ Vì người nghèo, góp công sức và vật chất xây dựng 2 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, tham gia ủng hộ xây dựng mô hình Camera an ninh, mô hình tổ an ninh xung kích, tổ nhân dân tự quản... Những đóng góp này, phần nào bảo đảm tình hình an ninh trật tự, cùng địa phương xã Phước Hải (huyện Ninh Phước) hoàn thành và nâng cao các tiêu chí xât dựng nông thôn mới tại địa phương.

Nữ nông dân người Chăm ở Ninh Thuận phủ xanh đồi cát trắng, trở thành nông dân sản xuất giỏi năm 2022 - Ảnh 16.

Diện mạo Nông thôn mới với những con đường bê tông thẳng tắp rẻ sóng đôi bờ xanh thẳm cánh đồng lúa ở xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Đức Cường)

Đặc biệt bà con người Chăm làng Thành tín với trên 6.000 nhân khẩu nói chung và 73 xã viên người Chăm của HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế nói riêng luôn phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau trong cuộc sống, đồng bào Chăm nơi đây còn tích cực tham gia các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; đồng thuận hiến đất làm đường giao thông nông thôn nhờ có công vận động của bà Châu Thị Xéo. Đến nay, xã Phước Hải cũng đã hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới.

"Phải nói là trong thời gian qua thì HTX Châu Rế đã tạo điều kiện cho các xã viên phát triển kinh tế góp phần vào sự phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động ở địa phương. Đi đôi với việc đoàn kết, phát triển sản xuất nông nghiệp cho người dân đồng bào dân tộc Chăm, HTX Châu rế nói chung và cá nhân bà Châu Thị Xéo nói riêng, luôn phát huy truyền thống tương thân tương ái, giúp đỡ hộ nông dân nghèo vượt qua khó khăn, hợ trợ giảm nghèo bền vững ở địa phương...", ông Nguyễn An Hòa, chủ tịch UBND xã Phước Hải cho biết.

Nữ thủ lĩnh người Chăm ở Ninh Thuận phủ xanh đồi cát trắng, trở thành nông dân sản xuất giỏi năm 2022 - Ảnh 12.

Bà Châu Thị Xéo hướng dẫn xã viên kỹ thuật chăm sóc măng tây xanh tại vườn. (Ảnh: Đức Cường)

Được biết, gần đây nhất, bà Châu Thị Xéo đã tích cực đóng góp và vận động Quỹ Vì người nghèo, góp công sức và vật chất xây dựng 2 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, tham gia ủng hộ xây dựng mô hình Camera an ninh, mô hình tổ an ninh xung kích, tổ nhân dân tự quản... Những đóng góp này, phần nào bảo đảm tình hình an ninh trật tự tại địa phương…

Ngoài ra, bà Xéo còn tham gia giới thiệu tạo việc hàng ngày cho 60 lao động địa phương và vận động 11 hộ hiến trên 3.000 mét đất để làm đường nội đồng cánh đồng lớn măng tây xanh, giúp bộ mặt nông thôn Thành Tín nói riêng và xã Phước Hại (huyện Ninh Phước) nói chung ngày càng thay da đổi thịt.

Với những thành công trong sản xuất nông nghiệp, đóng góp cho sự phát triển của địa phương, bà Châu Thị Xéo đã vinh dự nhận được nhiều Bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương trao tặng.

Nữ nông dân người Chăm ở Ninh Thuận phủ xanh đồi cát trắng, trở thành nông dân sản xuất giỏi năm 2022 - Ảnh 18.

Bà Châu Thị Xéo, giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế chuẩn bị các buóc cuối cùng để đưa sản phẩm măng tây xanh ra thị trường. (Ảnh: Đức Cường)

Tiêu biểu như: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước của Hội giai đoạn 2015 – 2020. Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận tặng Bằng khen cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua nông dân Ninh Thuận đoàn kết giúp nhau sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020. UBND tỉnh Ninh Thuận tặng Bằng khen cho cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong triển khai xây dựng huyện Ninh Phước đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2019.

Và sắp tới đây, nữ giám đốc HTX Châu Thị Xéo cũng sẽ là đại diện duy nhất của Ninh Thuận được Trung ương Hội nông dân Việt Nam tiêu dương 100 nông dân sản xuất giỏi năm 2022.

Bên cạnh việc phát triển diện tích măng tây xanh trên cát, HTX Châu Rế do thủ lĩnh Châu Thị Xéo dẫn dắt cũng đang ngày một nhân rộng cánh đồng lớn trồng lúa ở địa phương với diện tích 30ha.

Theo và theo kế hoạch của HTX, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trồng lúa này lên 70ha nhằm đáp ứng tiêu chí cánh đồng lớn trồng lúa ở địa phương, qua đó góp phần giúp nông dân nói chung và xã viên HTX Châu Rế nói riêng yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Bà Châu Thị Xéo là 1 trong 100 nông dân tiêu biểu nhất cả nước được Hội đồng Chung khảo Trung ương Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam bình chọn xứng đáng nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022". Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022" sẽ diễn ra trọng thể tại thủ đô Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2022); kỷ niệm 10 năm Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam (2013-2022).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem