Đường Vành đai 3 TP.HCM khởi công đồng bộ vào tháng 6/2023: Giải phóng mặt bằng là mấu chốt

Hồng Trâm Thứ bảy, ngày 03/12/2022 10:47 AM (GMT+7)
Dự án Vành đai 3 TP.HCM đi qua 4 tỉnh, thành gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Hiện, các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ, giải phóng mặt bằng để đồng bộ khởi công vào tháng 6/2023.
Bình luận 0

Đồng bộ khởi công đường Vành đai 3 TP.HCM vào tháng 6/2023

Dự án Vành đai 3 TP.HCM có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng với sự phát triển của TP.HCM và vùng Đông Nam bộ. Đây cũng là dự án nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và lãnh đạo các địa phương.

Tại Hội thảo "Thúc đẩy dự án Vành đai 3 - Động lực mới cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam" diễn ra tại TP.HCM ngày 2/12, ông Phan Công Bằng - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM, cho biết việc hoàn thành dự án đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ mang đến sự thay đổi đột phá về cục diện giao thông. 

Giải phóng mặt bằng là "mấu chốt" để đường Vành đai 3 TP.HCM khởi công vào tháng 6/2023 - Ảnh 1.

Dự án Vành đai 3 TP.HCM đi qua 4 tỉnh, thành gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Ảnh: H.T

Từ đó, góp phần tháo gỡ ba điểm nghẽn đã tồn tại hàng chục năm qua trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ba điểm nghẽn đó bao gồm: điểm nghẽn về giao thông; điểm nghẽn về không gian phát triển và điểm nghẽn về động lực, nguồn lực phát triển. Ông Bằng cho rằng dự án đường Vành đai 3 cần được đầu tư sớm và đây là nhiệm vụ trọng tâm của TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An trong thời gian tới.

Phó Giám đốc Sở GTVT cũng thông tin dự án đường Vành đai 3 TP.HCM có khối lượng công việc rất lớn, hiện chủ đầu tư, tư vấn đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để sớm phê duyệt dự án đầu tư vào đầu tháng 12/2022. Sau khi được phê duyệt, dự án sẽ triển khai ba nhóm công việc chính gồm chuẩn bị thiết kế, dự toán; bản vẽ thi công, lựa chọn nhà thầu và khởi công gói thầu đầu tiên vào tháng 6/2023.

Dự án đường Vành đai 3 là dự án trọng điểm, đi qua nhiều địa phương, công tác giải phóng mặt bằng, công tác xây dựng với khối lượng rất lớn. Do đó, để đảm bảo tiến độ đề ra cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ nói chung và của TP.HCM nói riêng. Ông Bằng cũng cho biết hiện Sở GTVT TP cũng đang khẩn trương hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi với chất lượng tốt nhất, trình UBND TP phê duyệt trong tuần tới.

Giải phóng mặt bằng là "mấu chốt" để đường Vành đai 3 TP.HCM khởi công vào tháng 6/2023 - Ảnh 3.

Các địa phương đặt mục tiêu khởi công đồng bộ vào tháng 6/2023. Ảnh: H.T

Trong khi đó, ông Trần Thiện Trúc - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An, cho biết dự án đường Vành đai 3 có vai trò và ý nghĩa quan trọng với Long An. Tỉnh Long An luôn nỗ lực, đảm bảo tiến độ theo đúng mục tiêu chung của các địa phương. Hiện tỉnh Long An đang đảm bảo tiến độ chung để có thể khởi công dự án trong tháng 6/2023. Hiện, Sở GTVT tỉnh đang khẩn trương hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi với chất lượng tốt nhất, trình UBND TP phê duyệt trong tuần tới.

Đại diện tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Bôn - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh cho hay đối với dự án đường Vành đai 3, tỉnh Đồng Nai đã giao ranh mốc khoảng 80%. Dự kiến tới ngày 30/6 cũng sẽ đồng loạt khởi công dự án.

Mặt bằng là vấn đề trọng yếu 

Đánh giá tầm quan trọng của dự án, ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh, dự án Vành đai 3 TP.HCM có tầm quan trọng đặc biệt trong việc kết nối hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng, tạo không gian và động lực phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ông Bùi Xuân Cường đề nghị tập trung thảo luận một số nội dung chính về vai trò, sứ mệnh của đường Vành đai 3, cũng như giải pháp, phương án để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành tuyến đường này đúng kế hoạch đã đề ra; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ công trình.

Các chuyên gia giao thông cho rằng cơ chế giải phóng mặt bằng được đánh giá là yếu tố quan trọng nhất để dự án Vành đai 3 TP.HCM hoàn thành đúng tiến độ. TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, triển khai dự án đường Vành đai 3 TP.HCM là cần kíp. Vấn đề đặc biệt lưu ý là làm thế nào để dự án được triển khai và hoàn thành đúng tiến độ.

Giải phóng mặt bằng là "mấu chốt" để đường Vành đai 3 TP.HCM khởi công vào tháng 6/2023 - Ảnh 4.

Cắm mốc giải phóng mặt bằng dự án. Ảnh: H.T

Trước hết và quan trọng nhất, theo ông Dũng, là cơ chế để giải phóng mặt bằng. Nghị quyết số 57/2022/QH15 của Quốc hội đã cho phép "người đứng đầu của cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu… các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư". Tuy nhiên, chỉ định thầu cho bất kỳ ai, mức giá đền bù phải như thế nào, hỗ trợ tái định cư cần ra sao vẫn là những vấn đề còn phải mất nhiều công sức mới có thể giải quyết được. 

Kinh nghiệm của việc thực hiện dự án Vành đai 2 TP.HCM cho thấy, đây là những vấn đề có khi phải mất đến hàng chục năm trời chưa chắc đã giải quyết xong. Dự án Vành đai 3 lên kế hoạch "đến tháng 6/2023 giải phóng 70% mặt bằng quả thực là một kỷ lục về tiến độ thời gian", ông Dũng nhậ định.

Vị chuyên gia cũng đề xuất nếu không vì những lý do bất khả kháng, thì cần cho phép các địa phương được điều chỉnh quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho việc tái định cư tại chỗ để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng cho dự án Vành đai 3.

Được biết, công tác xác định ranh giới tại các địa phương có đường Vành đai 3 đi qua là TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An cơ bản đã hoàn thành. Dự kiến từ tháng 1-3/2023, sẽ thuê tư vấn thẩm định giá, áp giá và công bố đơn giá cho người dân. Theo kế hoạch, tháng 4/2023 có thể chi trả tiền giải phóng mặt bằng cho người dân. Đảm bảo đến tháng 6/2023 bàn giao mặt bằng trên 70% cho dự án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem