1. Nhiễm giun sán có phải bệnh nguy hiểm?
Theo PGS. TS Bùi Vũ Huy, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, giun sán là bệnh không nguy hiểm, nguyên nhân chủ yếu do thói quen vệ sinh, ăn uống không khoa học. Nhiễm ký sinh trùng thường không có biểu hiện rõ ràng như các bệnh cấp tính cần đến ngay bệnh viện cấp cứu. Song, bệnh để lâu dài có thể dẫn đến còi cọc, thiếu dinh dưỡng, chậm lớn ở trẻ em hoặc tắc ruột, thiếu chất ở người trưởng thành.
Ở thể nặng hơn, ấu trùng luân chuyển trong máu có thể làm giảm thị lực, co giật chứ không như lời đồn " ăn mắt, ăn não". Tuy nhiên, nó chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ và có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm.
2. Biểu hiện nhiễm giun, sán?
Khi bị nhiễm giun sán, cơ thể thường có biểu hiện như đau bụng, tiêu chảy, ngứa hậu môn, nôn và buồn nôn... Một số trường hợp ấu trùng giun sán lạc chỗ, có thể chui lên mắt, não gây các biến chứng nặng nề hoặc tử vong nếu không được phát hiện sớm.
Trẻ bị giun sán thường biếng ăn, còi cọc, kém phát triển, thiếu máu, chậm lớn, tóc thưa rụng, dẫn đến "bụng ỏng, đít teo". Thai phụ có thể suy dinh dưỡng, thiếu sắt, các bệnh lý về gan, phổi... Những người cao tuổi sức khỏe yếu, nếu nhiễm giun còn có thể gây nên tình trạng suy nhược nghiêm trọng.
3. Con đường lây lan giun sán như thế nào?
Các loài giun sán lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa. Trẻ nhỏ thường xuyên mút tay, bò lê trên sàn nhà hoặc cầm nắm đồ vật. Ngoài ra, thói quen ăn thực phẩm chưa nấu chín kỹ, uống nước chưa đun sôi khiến cho giun, sán dễ xâm nhập vào cơ thể.
Khi một thành viên trong gia đình mắc bệnh, những người khác cũng rất bị lây nhiễm.
4. Khi nào cần đi xét nghiệm giun sán?
Khác với những bệnh cấp tính, nhiễm giun sán là bệnh mãn tính, có thể đi xét nghiệm khi xuất hiện những biểu hiện ban đầu như chóng mặt, buồn nôn hoặc đi xét nghiệm để kiểm tra sức khoẻ thông thường. Đây là bước đầu sàng lọc phát hiện những trường hợp âm tính hoặc dương tính.
Theo bác sĩ, trẻ có kết quả dương tính sẽ được chỉ định làm thêm các xét nghiệm sâu hơn để xác định bị nhiễm sán gì hoặc đang mắc bệnh lý nào khác hay không. Tùy theo mức độ bệnh, trẻ sẽ được điều trị tại nhà hoặc nhập viện. Riêng những trường hợp biến chứng dẫn đến tắc ruột, giảm thị lực, mệt mỏi, do sán lên não sẽ có phác đồ điều trị riêng.
5. Điều trị giun sán như thế nào?
Hiện có 2 loại xét nghiệm để xác định nhiễm sán lợn là tìm kháng thể và kháng nguyên. Tuy nhiên, cả hai loại xét nghiệm này không xác định được thời điểm nhiễm sán.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, hiện phác đồ điều trị sán có thể diệt sán trưởng thành sau một ngày uống thuốc. Điều trị ấu trùng sán cần dài ngày hơn, thường hai tuần, cũng có thể kéo dài 4-5 đợt, mỗi đợt 21 ngày. Người nhiễm ấu trùng sán lợn phải chụp CT, chụp cộng hưởng từ để phát hiện tổn thương.
Sau khi tẩy giun, cần áp dụng các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống và vệ sinh môi trường sống để phòng chống sự tái nhiễm. Ở nước ta, môi trường ngoại cảnh thường bị ô nhiễm nặng nề với các mầm bệnh giun sán và đây là cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho sự tái nhiễm giun sán trở lại. Ngoài ra, mỗi người cần phải điều trị tẩy giun sán định kỳ.
6. Nguyên tắc lựa chọn và dùng thuốc tẩy giun sán?
Đối với trẻ em, việc tẩy giun định kỳ chỉ nên bắt đầu thực hiện khi trẻ được 24 tháng tuổi trở lên, không dùng thuốc tẩy giun cho trẻ dưới 2 tuổi. Thuốc không được dùng cho phụ nữ có thai và đang cho con bú. Nếu thấy thật cần thiết, các bác sĩ có thể kê đơn an toàn cho thai phụ tẩy giun. Đối với các loại giun sán cần dùng thuốc điều trị dài ngày thì phải hỏi ý kiến của bác sĩ, không nên tự mua thuốc về uống.
Thuốc tẩy giun có thể gây ra một số phản ứng phụ như đau đầu, chóng mặt, rối loạn tiêu hóa, đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy thoáng qua, những triệu chứng này thường nhẹ và sẽ tự khỏi. Trong một số ít trường hợp, trẻ có thể có phản ứng với thuốc bằng các triệu chứng dị ứng, phát ban, ngứa, nổi mề đay. Khi đó, cha mẹ nên đưa bé đi khám để được bác sĩ tư vấn cách xử lý phù hợp.
Hiện nay thuốc có thể được uống trong hoặc ngay sau bữa ăn, không cần nhịn đói hay ăn kiêng, cũng không phải dùng thuốc xổ. Các gia đình nên có kế hoạch điều trị định kỳ tối thiểu từ 6 tháng đến 12 tháng một lần để phòng chống tái nhiễm và tránh các biến chứng có thể xảy ra. Thuốc chữa giun sán không đắt tiền và không hiếm có nên chủ động mua và tẩy giun định kỳ, đúng hạn.
7. Tại sao nhiễm sán trưởng thành chỉ cần điều trị một lần còn ấu trùng phải điều trị thành nhiều đợt?
Theo phác đồ của Bộ Y tế ban hành, giun và sán có điều trị khác nhau. Riêng điều trị sán, đối với sán trưởng thành sau khi vào bụng sẽ phát triển trong ruột và đào thải ra phân nên chỉ cần dùng một liều duy nhất để tiêu diệt. Riêng bệnh ấu trùng sán lợn, người ăn phải trứng sán lợn nhiễm trong thức ăn, nuốt vào dạ dày trứng sán nở ra ấu trùng và di chuyển đến ruột non. Ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và theo máu đến các cơ, mắt hay não rồi hóa nang, ký sinh ở đó. Việc điều trị vì vậy lâu hơn.
Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán, người bệnh có những triệu chứng khác nhau. Sán trên cơ, trứng sán đi vào mắt gây giảm thị lực hoặc mệt mỏi, co giật. Song, tỷ lệ ấu trùng đi vào máu thấp và có thể điều trị khỏi khi phát hiện sớm.
8. Điều trị giun sán ở trẻ nhỏ và người trưởng thành khác nhau như thế nào?
Khả năng gây biến chứng ở trẻ em và người lớn như nhau. Song, người trưởng thành có sức đề kháng hơn, khả năng tự bảo vệ tốt hơn ở trẻ nhỏ. Do đó, người nhà nên tăng cường chăm sóc và để ý đến con nhỏ, hạn chế tiếp xúc với đồ vật bẩn và thức ăn không đảm bảo.
9. Vô tình ăn thịt lợn gạo đã nấu chín có nguy hiểm?
Theo bác sĩ, thực phẩm kể cả thịt lợn gạo đã nấu chín không nguy hại cho sức khoẻ. Hầu hết các thực phẩm nấu kỹ từ 5 đến 10 phút thì các loại giun sán trưởng thành, ấu trùng hay trứng đều bị luộc chết trong nước sôi. Kể cả thức ăn nấu chín càng nhanh giết chết vi khuẩn bởi nhiệt độ trong nồi khi nấu thức ăn cao hơn nhiệt độ sôi của nước.
Như vậy, thịt lợn hay bất kỳ thịt gì khi nấu chín kỹ đều an toàn, không thể gây ra bệnh giun sán kể cả khi thịt đó là thịt lợn gạo, tức là lợn bị nhiễm sán.
10. Phòng tránh nhiễm giun sán bằng cách nào?
Theo bác sĩ, sử dụng thuốc điều trị chỉ tiêu diệt giun sán chứ không có tác dụng phòng tránh nhiễm. Do đó, mỗi người dân cần có ý thức phòng bệnh nhất là đối với trẻ nhỏ, trong việc thực hiện chế độ vệ sinh, ăn uống và thói quen sinh hoạt.
Trẻ nhỏ nên cắt ngắn móng tay, không chơi nghịch đất cát, ngậm mút ngón tay, rửa tay sau khi đi vệ, trước khi ăn giúp giảm lây truyền các bệnh truyền nhiễm. Không nên ăn thịt cá tái, gỏi, chưa nấu chín kỹ. Vệ sinh môi trường: thường xuyên lau quét sàn nhà, rửa sạch đồ chơi trẻ em đặc biệt ở môi trường công cộng như trường học. Không dùng phân tươi bón cho hoa màu.
Cần tẩy xổ giun định kỳ 6 tháng một lần đối với cả người lớn và trẻ nhỏ. Nếu có kế hoạch mang thai, bạn càng nên tẩy giun an toàn trước đó.
Ngoài ra, nên tự trang bị kiến thức và chọn lọc thông tin khoa học, không hoang mang gây rối loạn tâm lý. Nếu sức khỏe có vấn đề bất thường cần đến bệnh viện để điều trị.