Giá mít Thái nhiều lúc rẻ như cho, nhưng "chốt lại" trồng mít tiền lời nhiều hơn trồng lúa ở vùng ngập lũ Tiền Giang

Kim Nữ (Cổng TTĐT Tiền Giang) Thứ tư, ngày 21/12/2022 13:40 PM (GMT+7)
Thời gian qua, mặc dù giá bán mít không ổn định, có lúc rớt xuống thấp, thế nhưng nếu so với cây lúa ở các xã vùng ngập lũ phía Bắc Quốc lộ 1 tỉnh Tiền Giang thì lợi nhuận của loại trái cây đặc sản này vẫn cao hơn.
Bình luận 0

Đặc biệt là trồng mít Thái giải quyết được khó khăn về lịch thời vụ sản xuất 3 vụ lúa ăn chắc mỗi năm do tình hình lũ lụt, triều cường ngày càng diễn biến phức tạp, bất thường.

Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 14.450 ha trồng mít, đạt tổng sản lượng hơn 242.000 tấn/năm. Trong đó, có hơn 70% diện tích trồng mít được trồng ở các xã vùng ngập lũ thuộc các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước và thị xã Cai Lậy. 

Giá mít Thái nhiều lúc rẻ như cho, nhưng "chốt lại" trồng mít tiền lời nhiều hơn trồng lúa ở vùng ngập lũ Tiền Giang - Ảnh 1.

Hai năm trở lại đây giá mít Thái có lúc giảm sâu, thậm chí có thời điểm ùn ứ, nhưng tính toán cho thấy, lợi nhuận từ cây mít đem lại vẫn cao hơn trồng lúa ở vùng ngập lũ của tỉnh Tiền Giang.

Hầu hết các vườn mít ở vùng ngập lũ được nông dân chuyển đổi từ đất sản xuất lúa năng suất thấp, thường gặp rủi ro do biến đổi khí hậu. 

Do có sự định hướng của chính quyền, sự chuyển giao khoa học - kỹ thuật của ngành nông nghiệp nên các vườn mít trồng trên đất lúa được thiết kế đúng kỹ thuật, có hệ thống mương liếp tiêu thoát nước tốt nên sinh trưởng, phát triển tốt.

Bình quân mỗi cây mít cho thu hoạch 40 kg/năm và với giá mít bán dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, sau khi trừ đi chi phí, nông dân trồng mít Thái vẫn thu được lợi nhuận cao hơn so với cây lúa từ 3-4 lần.

Tuy nhiên, nếu so với 5 năm trước thì hiệu quả kinh tế từ cây mít có giảm do thị trường tiêu thụ không ổn định, nhất là thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc siết chặt kiểm dịch Covid 19 nên có lúc giá mức rớt xuống thấp.

Mặt khác giá phân bón hóa học tăng cao và kéo dài như 2 năm qua cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận của cây mít. Nhưng, do khi chuyển ruộng lúa sang trồng mít thì khó chuyển đổi trở lại trồng lúa nên hiện phần lớn nông dân trồng mít đang nỗ lực tiếp cận khoa học - kỹ thuật.

Nhiều hộ trồng mít Thái đã áp dụng giải pháp canh tác giảm phân bón, chủ động phòng trừ dịch hại nên đã giảm được phần nào chi phí sản xuất, bù cho giá mít bán không ổn định.

Để cây mít phát triển ổn định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đề nghị các ngành, các cấp quản lý chặt chẽ quá trình chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng mít.

Theo đó chỉ chuyển đổi sang trồng mít đối với những vùng sản xuất lúa khó khăn, thường xuyên bị ảnh hưởng của lũ lụt, đồng thời tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật, cấp mã số vùng trồng, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ.

Và đặc biệt các cấp, các ngành cần kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư chế biến các sản phẩm có nguyên liệu từ mít, nhằm mở thêm triển vọng về tiêu thụ trái mít tươi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem