Giá lợn hơi Việt Nam "neo" ở đỉnh, đã tiệm cận với giá lợn Trung Quốc

20/07/2022 16:42 GMT+7
Giá lợn hơi của Việt Nam hôm nay đã "neo" ở đỉnh 75.000 đồng/kg-được ghi nhận ở tỉnh Nghệ An, tăng 5 giá. Đây là mốc được dự báo là "khó vượt qua" khi giá lợn hơi của ta đã tiệm cận với giá lợn của Trung Quốc, hiện đứng ở mức 77.900 đồng/kg.

Giá lợn hơi hôm nay 20/7: Neo ở đỉnh 75.000 đồng/kg

Theo Anova Feed, giá lợn hơi hôm nay (20/7) tại các tỉnh phía Nam tiếp tục tăng từ 1.000-5.000 đồng/kg, mức giá dao động trong khoảng 65.000-71.000 đồng/kg. Ngược chiều tăng, miền Bắc nay đã có nhiều tỉnh rớt giá 3.000 đồng/kg, điển hình tại Tuyên Quang, Vĩnh Phúc về lại giá 71.000 đồng/kg. 

Giá lợn hơi Việt Nam "neo" ở đỉnh, đã tiệm cận với giá lợn Trung Quốc - Ảnh 1.

Giá lợn hơi Việt Nam "neo" ở đỉnh, đã tiệm cận với giá lợn Trung Quốc - Ảnh 2.

Giá lợn hơi hôm nay 20/7: Neo ở đỉnh 75.000 đồng/kg

Cụ thể theo Anova Feed, giá lợn hơi hôm nay tại miền Bắc dao động trong khoảng 71.000 - 74.000 đồng/kg. Trong đó, thương lái tại Yên Bái, Lào Cai, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Ninh Bình và Tuyên Quang hiện giao dịch lợn hơi trong khoảng 71.000 - 74.000 đồng/kg, lần lượt tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg. Mức giá được ghi nhận tại các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Thái Bình và Hưng Yên là 73.000 - 74.000 đồng/kg sau khi tăng thêm 3.000 - 4.000 đồng/kg. Tại Hà Nội giá lợn hơi có mức giảm nhẹ 1.000 đồng/kg, đứng ở mức 72.000 đồng/kg.

Tại miền Trung, Tây nguyên, giá lợn hơi tăng tại nhiều tỉnh thành. Hiện tại, Thừa Thiên-Huế và Ninh Thuận đang lần lượt thu mua lợn hơi với giá 63.000 đồng/kg và 64.000 đồng/kg, tăng nhẹ 1.000 đồng/kg. Sau khi tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg, thương lái tại Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa và Bình Thuận đang giao dịch với giá 63.000 và 70.000 đồng/kg. Tương tự, các tỉnh Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Nghệ An và Lâm Đồng tăng 4.000 - 5.000 đồng/kg lên 66.000 đồng/kg và 75.000 đồng/kg. Với mức giá này, các hộ chăn nuôi miền Trung đã có lãi và đang có ý định tái đàn sau một thời gian dài treo chuồng vì thua lỗ.

Thị trường lợn hơi miền Nam hôm nay cũng tăng ở nhiều tỉnh thành. Cụ thể, các tỉnh thành gồm Bà Rịa-Vũng Tàu, An Giang, Đồng Nai, Trà Vinh và Sóc Trăng lần lượt tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg lên khoảng 62.000 - 68.000 đồng/kg. Sau khi tăng 3.000 - 4.000 đồng/kg, thương lái tại Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Cà Mau, Bến Tre và Bạc Liêu đang cùng thu mua lợn hơi trong khoảng 62.000 - 68.000 đồng/kg. Tương tự, mức giá được ghi nhận tại các tỉnh Long An, Kiên Giang và Tiền Giang lần lượt là 66.000 đồng/kg, 65.000 đồng/kg và 68.000 đồng/kg. Dự báo giá lợn hơi tại miền Nam sẽ còn tiếp tục tăng để bám sát giá lợn miền Bắc.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, không còn địa phương nào ghi nhận mức giá lợn hơi dưới 65.000 đồng/kg. Các chuyên gia cho rằng, giá lợn hơi trong nước những ngày qua liên tục "neo" ngưỡng 75.000 đồng/kg, và đây là mốc khó vượt qua được khi giá lợn hơi của ta đã tiệm cận với giá lợn của Trung Quốc, hiện đứng ở mức 77.900 đồng/kg.

Giá lợn hơi trung bình tại Trung Quốc đa tăng vọt từ tháng 6. Theo đó, giá lợn Trung Quốc đã tăng tới 28,1% trong giai đoạn này lên khoảng 20,5 nhân dân tệ/kg (NDT/kg).

Giá thịt lợn của Trung Quốc đã tăng nhanh trong những tuần gần đây. Giá thịt lợn bán buôn Trung Quốc đạt mức 28,51 NDT/kg hôm 6/7, tăng 6,8% so với tuần trước đó và tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Nguyên nhân của sự tăng giá là do một số nhà sản xuất không muốn bán ra những đàn lợn đã đủ tuổi xuất chuồng, thông tin tại Viện Phát triển Thực phẩm và Dinh dưỡng thuộc Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, cho hay.

Trong quý II, giá lợn hơi tại nhà sản xuất và tiêu thụ thịt hàng đầu thế giới này đã ghi nhận xu hướng tăng giá, với mức tăng lên tới 64% so với cuối tháng 3.

Tại Việt Nam, trong quý II, giá lợn hơi nhìn chung đi theo xu hướng tăng, với miền Bắc là khu vực ghi nhận đà tăng mạnh nhất. Cụ thể, giá lợn đã tăng khoảng 1,1 - 7% so với cuối tháng 3.

Giá lợn tăng một phần cũng vì giá thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam neo cao sau khi tăng 6 lần kể từ đầu năm, do giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi có chiều hướng biến động trong thời gian vừa qua.

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, tính đến cuối tháng 6, tổng số lợn của ta ước tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước đó, nhờ dịch bệnh được kiểm soát. Chăn nuôi lợn hồi phục do dịch bệnh kiểm soát tốt, người chăn nuôi chủ động được nguồn giống và nhu cầu thị trường tăng cao. 

Sản lượng lợn hơi 6 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 2,1 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trên toàn cầu do khủng hoảng thị trường ngũ cốc, nguồn cung cấp ngũ cốc không ổn định, chi phí vận chuyển tăng cao... gây khó khăn cho các trang trại nuôi lợn. 

Về tình hình dịch ASF, thời gian gần đây, dịch ASF xuất hiện và lây lan nhanh trên địa bàn một số địa phương khiến việc chăn nuôi của người dân cũng gặp khó khăn. Với việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) công bố sản xuất thành công vaccine phòng bệnh dịch ASF, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới lưu hành thương mại loại vaccine này. Thành công trên có thể sẽ mở ra nhiều cơ hội cho chăn nuôi Việt Nam, đặc biệt là kiểm soát bệnh dịch gây chết gần như 100% ở lợn, qua đó ổn định nguồn cung thịt lợn trên thị trường.

Theo bộ phận phân tích của Chứng khoán SSI, mặc dù các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa kiểm soát được hoàn toàn dịch ASF, nhưng việc này không ảnh hưởng đến nguồn cung lợn hơi. Việc triển khai tiêm chủng được dự tính bắt đầu vào năm tới sau khi hoàn thành thử nghiệm.

Đà tăng giá lợn đã đến "ngưỡng"?

Về những yếu tố tác động tới chăn nuôi lợn và giá lợn tới đây, các chuyên gia cho rằng thị trường nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục biến động mạnh vì giá logistics tăng cao, căng thẳng Nga – Ukraine, hai nước xuất khẩu ngũ cốc lớn, còn phức tạp. 

Thực tế, giá thức ăn chăn nuôi có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới nhưng giá đầu ra sản phẩm có thể sẽ không thiết lập một mặt bằng giá mới. Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn không muốn tăng giá lợn, bởi việc tăng giá khiến người chăn nuôi nhỏ sẽ chăn nuôi ồ ạt trở lại và cạnh tranh trực tiếp với họ. 

Trong khi đó, Cục Chăn nuôi dự báo trong thời gian tới giá một số nguyên liệu chính có thể giảm. Tuy nhiên, mức giảm được cho là không nhiều do gần đây một số nước đang thực hiện chính sách an ninh lương thực trong nước cấm xuất khẩu, ảnh hưởng đến giá ngô, khô đậu tương, lúa mỳ làm thức ăn chăn nuôi.

Giá lợn hơi Việt Nam "neo" ở đỉnh, đã tiệm cận với giá lợn Trung Quốc - Ảnh 3.

5 tháng đầu năm, nhập khẩu thịt lợn liên tục giảm do tiêu thụ thịt lợn trong nước chậm, trong khi nguồn cung dồi dào.

Đánh giá về triển vọng ngành, trong báo cáo mới nhất, SSI Research kỳ vọng các công ty chăn nuôi sẽ bắt đầu phục hồi trong nửa cuối năm 2022 khi chi phí chăn nuôi sẽ đi ngang và giảm trong quý IV còn giá lợn hơi dự kiến sẽ tăng chậm lại đến cuối năm, đạt 65.000 đồng đến 75.000 đồng/kg. Đánh giá này cho thấy mức giá 75.000 đồng/kg của lợn hơi hiện nay có thể đã đến ngưỡng, khó có thể tăng cao hơn.

Dù giá lợn hơi bắt đầu khởi sắc, nhưng những người nông dân vẫn chưa thể yên tâm vì ngành chăn nuôi luôn bấp bênh. Kể từ đầu năm 2021 đến nay, chăn nuôi lợn gần như không có lãi vì dịch bệnh Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi, kèm theo đó là gánh nặng chi phí, thức ăn chăn nuôi ngày càng nhiều.

Nuôi cầm chừng, thu hẹp quy mô trang trại là cách nhiều nông dân lựa chọn để đối phó với cơn bão giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, chờ giá lợn hơi lên. Và ngay cả khi giá lợn bắt đầu khởi sắc, nhiều người chăn nuôi vẫn hoài nghi về sự bền vững của đà tăng và thăm dò tình hình trước khi quyết định có tăng đàn cho quý IV này.

Đúng là giá lợn hơi tăng, người dân đang có tâm lí mong muốn tái đàn. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ vẫn ở mức cao nên đối với người chăn nuôi nhỏ, sẽ còn rất nhiều khó khăn.

Hiện đối với doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi, giá thành nuôi lợn vào khoảng 55.000 đồng/kg hơi đã khiến họ có lãi; còn người chăn nuôi nhỏ, giá thành nuôi lợn phải hơn 60.000 đồng/kg hơi mới có lãi. Do đó nông hộ nhỏ sẽ phải tìm cách giảm chi phí và nếu muốn tiếp tục chăn nuôi...

Cục Xuất nhập khẩu cho biết trong tháng 5, nhập khẩu thịt lợn vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2021. 5 tháng đầu năm, nhập khẩu thịt lợn liên tục giảm do tiêu thụ thịt lợn trong nước chậm, trong khi nguồn cung dồi dào. Trong tháng 5, Việt Nam nhập khẩu 7.180 tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, với trị giá 13,89 triệu USD, giảm 50,9% về lượng và giảm 58,6% về trị giá so với tháng 5/2021. Giá nhập khẩu trung bình đạt 1.934 USD/tấn, giảm 15,6%. Trong giai đoạn này, thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh được nhập khẩu từ 14 thị trường, trong đó chủ yếu được nhập khẩu từ Brazil chiếm 39,38%; Đức chiếm 21,62%; Nga chiếm 16,82%; và Canada chiếm 11,12%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 36.780 tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, với trị giá 77,5 triệu USD, giảm 42,1% về lượng và giảm 47,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 5 tháng đầu năm, cơ cấu thị trường cung cấp thịt lợn cho Việt Nam có sự thay đổi, khi tỷ trọng nhập khẩu từ Nga, Canada, Ba Lan giảm mạnh; trong khi nhập khẩu từ Brazil, Đức và Hà Lan lại tăng mạnh.

Báo cáo từ Tổng cục Hải quan cho biết trong tháng 6/2022, Việt Nam nhập khẩu gần 576 triệu USD giá trị thức ăn gia súc và nguyên liệu, tăng gần 56,7% so với cùng kì năm 2021. Về các nguyên liệu sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, khối lượng nhập khẩu lúa mì giảm 26,3% so với năm ngoái xuống 307.350 tấn, với giá trị nhập khẩu cũng giảm 8,4% xuống 114,45 triệu USD. Trong khi đó, khối lượng nhập khẩu ngô tăng 16,4 lên 1.000.769 tấn, với giá trị nhập khẩu tăng 47,7% lên hơn 384,1triệu USD. Khối lượng nhập khẩu đậu nành cũng giảm 12% xuống 115.810 tấn, nhưng giá trị nhập khẩu tăng 7,8% lên lên gần 85,5 triệu USD. Nhập khẩu dầu mỡ động thực vật tăng 37% lên hơn 167,4 triệu USD. Bất ổn giữa Nga – Ukraine dẫn tới gián đoạn về nguồn cung là nguyên chính dẫn tới sự leo thang về giá thức ăn chăn nuôi trong những tháng gần đây.




Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục