Giá lợn hơi tăng đột biến: Sếp công ty C.P lên tiếng lý giải

Minh Huệ (thực hiện) Thứ tư, ngày 12/06/2019 14:15 PM (GMT+7)
Khoảng 1 tuần gần đây, giá heo hơi (lợn hơi) tăng nhanh từng ngày, với mức tăng từ 5.000 – 10.000 đồng/kg tùy địa bàn. Trong lúc đó, dịch tả lợn châu Phi vẫn không ngừng lây lan, việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, làm thiệt hại lớn đến người chăn nuôi. Câu hỏi đang được nhiều người quan tâm hiện nay là vì sao giá lợn hơi lại tăng đột biến, phải chăng đây là "chiêu bài" của những "ông lớn" trong ngành chăn nuôi?
Bình luận 0

Để giải đáp những băn khoăn này, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với TS. Kiều Minh Lực, Phó Tổng Giám đốc phụ trách di truyền giống của Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam (Công ty C.P). 

img

Tiến sĩ Kiều Minh Lực, Phó Tổng Giám đốc phụ trách di truyền giống của Công ty cổ phần C.P Chăn nuôi C.P Việt Nam. Ảnh: NNVN

Chỉ trong khoảng 1 tuần qua, giá heo hơi tại nhiều địa phương đã tăng lên 5.000 – 10.000 đồng/kg, nhất là ở các tỉnh miền Bắc tăng rất nhanh, đang từ chỗ 28.000-30.000 đồng/kg "nhảy vọt" lên 40.000 đồng/kg. Có ý kiến cho rằng việc tăng giá đột biến trên là do "chiêu bài" của các doanh nghiệp lớn nhằm đẩy lượng heo tồn nặng trên 140kg ra thị trường, như Công ty C.P... Vậy  ông có thể cho biết thực hư thông tin này như thế nào?

- Thực tế thịt trường heo hơi Việt Nam trong nhiều năm qua đã trải qua nhiều giai đoạn biến động giá cả, và ở những thời điểm khó khăn nhất của thị trường đều cho thấy C.P không thể can thiệp vào giá cả thị trường heo hơi.

Đơn cử giá heo hơi năm 2017 có thời điểm chỉ còn 20.000 đồng/kg do cung vượt cầu từ việc ngừng xuất heo qua Trung Quốc. Việc giảm đàn do tác động giá năm 2017 và dịch bệnh đầu năm 2018 đã làm nguồn cung giảm, dẫn đến giá heo hơi trở lại mức có lời từ cuối năm 2018 và đầu năm 2019, và dự báo giá heo hơi sẽ duy trì tốt cho người chăn nuôi heo trong năm 2019.

Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh tả lợn châu Phi (ASF), thời gian qua đã làm cho giá heo hơi giảm xuống mức thấp dưới 30.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do người tiêu dùng giảm nhu cầu tiêu thụ thịt heo, trong khi lượng bán ra vẫn tăng do người chăn nuôi sợ dịch bệnh gây thiệt hại.

Như vậy, cung cầu là yếu tố quyết định giá cả thị trường heo hơi hiện nay mà không thể có một doanh nghiệp nào có thể can thiệp được. Hiện tại, giá heo hơi đang có chiều hướng tăng cũng là phản ánh hiện tượng bình thường của thị trường sau một thời gian dài giảm giá do cung vượt cầu.

img

Thương lái chọn mua heo hơi tại chợ đầu mối gia súc - gia cầm Hà Nam. Ảnh minh họa: Trần Quang

Là một doanh nghiệp chăn nuôi lớn, chiếm thị phần quan trọng tại thị trường Việt Nam, Công ty C.P có thể phân tích, dự báo thị trường giá heo hơi từ nay tới cuối năm sẽ biến động ra sao?

- Dịch bệnh ASF đã và đang gây thiệt hại cho chăn nuôi heo Việt Nam, tính đến nay theo thống kê của Bộ NNPTNT thì đã có khoảng 2,2 triệu con heo đã chết và phải tiêu hủy do nhiễm dịch bệnh trên tổng đàn 27 triệu con, tương đương 8% số heo có mặt và tương đương 4% sản lượng heo cả năm.

"Thực tế là hoạt động kinh doanh của C.P đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan nhà nước, mà cụ thể là Bộ NNPTNT trong việc thực hiện chỉ đạo của Bộ.

Theo đó, khi giá thị trường giảm sâu C.P không được giảm giá và kết quả là CP rất khó tiêu thụ hàng hóa, dẫn đến tồn heo nhiều. Ngược lại, khi giá tăng cao, C.P phải điều chỉnh tăng giá chậm hơn so với thị trường và kết quả là lượng khách hàng quá tải so với khả năng đáp ứng của C.P".

TS. Kiều Minh Lực

Diễn biến dịch bệnh từ nay đến cuối năm rất khó dự đoán, nếu dịch bệnh được khống chế thì mức thiếu hụt thịt heo sẽ không đến mức quá căng thẳng. Tuy nhiên, người dân nên duy trì xuất bán heo thịt bình thường, đúng trọng lượng, không nên bán heo ở trọng lượng quá thấp hay quá cao thường dẫn đến đảo lộn thị trường.

Nhiều nơi đã bị thiệt hại quá lớn bởi dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi phá sản, hiện không dám tái đàn, vậy doanh thu của C.P từ đầu năm tới nay có bị ảnh hưởng không? Kế hoạch của C.P trong năm 2019 là gì, thưa ông?

- Ảnh hưởng của dịch bệnh ASF và tâm lý bán chạy dịch đã làm thị trường thịt heo giảm giá sâu, tác động này đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của CP cả về doanh thu và tổ chức sản xuất, ví dụ như không xuất nhập được heo, hoặc phải hạn chế rất lớn việc vận chuyển heo đi qua những khu vực có dịch bệnh, ngừng nhập heo giống thay đàn vào các trại heo nái.

C.P sẽ không giảm đàn heo nhưng cũng không tăng đàn trong thời gian tới.

Đối với người chăn nuôi, trước khi tái đàn heo cần phải nghiêm túc đánh giá lại tất cả các yếu tố liên quan đến an toàn sinh học của trại, những vấn đề gì cần phải khác phục, thay đổi để đảm bảo chắc chắn trong phòng dịch bệnh, nếu không thì chưa nên tái đàn.

img

Một trang trại chăn nuôi heo của Công ty CP trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Ảnh: baotayninh

Cũng có ý kiến cho rằng, dịch tả lợn châu Phi đã khiến ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam rơi vào cảnh “vỡ trận”, lúc này người chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ bị đè bẹp, còn doanh nghiệp lớn thì lên ngôi, C.P có cho rằng đây là lúc nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún phải chấp nhận chịu thua, và ngành chăn nuôi Việt Nam phải cải tổ hay không?

- Tôi cho rằng người chăn nuôi không nên quá bi quan về dịch bệnh ASF, vì đây là loại dịch bệnh lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, chưa có thuốc chữa, vaccine phòng chống nên người chăn nuôi rất lo lắng do thiếu kinh nghiệm và hiểu biết về bệnh này.

Chăn nuôi an toàn sinh học là vấn đề cốt tử của ngành chăn nuôi nói chung. Tất cà các loại dịch bệnh và đặc biệt là bệnh ASF sẽ không trừ ai nếu không có biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học tốt. Chăn nuôi nhỏ lẻ nông hộ vẫn còn con đường nếu họ quan tâm đến an toàn sinh học và những phân khúc thị trường thịt heo mà chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn của DN có thể không làm được, hoặc làm không hiệu quả bằng chăn nuôi nông hộ.

Cách buôn bán truyền thống trong dân cũng cần phải thay đổi, ví dụ như việc tồn tại chợ heo giống truyền thống là một nguy cơ lan truyền dịch bệnh rất lớn mà hiện nay người dân vẫn duy trì. Tại chợ heo giống cả người mua heo và người bán heo đều có nguy cơ mang dịch bệnh về đàn heo của gia đình, chưa nói là khi đưa ra chợ bán không được lại phải mang về nhà nuôi tiếp.

img

Cơ quan liên ngành TP.Hồ Chí Minh kiểm tra các phương tiện vận chuyển thịt heo trên địa bàn từ huyện Củ Chi tới Bình Chánh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hiện nay, C.P đang áp dụng những biện pháp gì phòng chống dịch tả heo châu Phi đang lây lan mạnh?

- C.P hợp tác chăn nuôi heo với người dân Việt Nam theo nhiều quy mô khác nhau tùy thuộc vào đất đai và khả năng đầu tư của người dân, trên địa bàn cả nước và theo nguyên tắc xa khu dân cư, xa các trại chăn nuôi khác, ở những khu vực có khả năng cách ly và an toàn dịch bệnh tốt. C.P đang bảo vệ đàn heo giống sạch bệnh và sẵn sàng cung ứng cho người chăn nuôi tái đàn sau khi dịch bệnh ổn định.

Hiện Công ty C.P đang áp dụng các biện pháp sinh học tốt nhất để bảo vệ đàn heo và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với người chăn nuôi Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh heo nói chung và bệnh ASF nói riêng.

Trong lúc dịch bệnh đang lây lan thì người chăn nuôi cần lưu ý tăng cường gấp nhiều lần các hoạt động phòng chống dịch bệnh như số lần sát trùng chuồng trại phải thực hiện hàng ngày, kiểm soát chặt các nguồn có khả năng lây nhiễm virus vào trang trại như con người, xe vận chuyển, trang thiết bị chăn nuôi, nước thải từ bếp ăn, ruồi, muỗi, côn trùng, chuột, các động vật trung gian khác và nước uống cho heo, đồng thời tạm ngừng nhập heo giống hậu bị thay đàn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem