Giá lợn hơi đã chững lại, biến động khó đoán

22/07/2022 15:49 GMT+7
Giá lợn hơi hôm nay 22/07/2022, thị trường bắt đầu chững lại, ít biến động. Người dân lo sợ giá lợn tăng quá nhanh khó bền vững...

Giá lợn hơi hôm nay 22/07/2022, thị trường bắt đầu chững lại - ít biến động. Miền Nam có một số tỉnh tăng nhẹ như: Bình Thuận, Đồng Nai, Lâm Đồng, Tây Ninh,... mức giá dao động trong khoảng 65.000-73.000 đồng/kg. Tại miền Bắc: Tỉnh Tuyên Quang giảm 2.000 đồng/kg về mức giá 69.000 đồng/kg, các tỉnh còn lại đứng giá. Cà Mau, Trà Vinh có giá lợn hôm nay giảm nhẹ từ mức 68.000 đồng/kg về 65.000-66.000 đồng/kg. Người dân lo sợ giá heo tăng quá nhanh khó bền vững.

Giá lợn hơi hôm nay 22/7: Tuột mốc 75.000 đồng/kg 

Giá lợn hơi đã chững lại, biến động khó đoán - Ảnh 1.

Giá lợn hơi hôm nay 22/7.

Giá lợn hơi đã chững lại, biến động khó đoán - Ảnh 2.

Giá lợn hơi hôm nay 22/7: Tuột mốc 75.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi tại miền Bắc đang dẫn dắt thị trường và tăng trong thời gian qua. Tuy nhiên, đà giảm giá của khu vực này hôm nay đang cho thấy giá lợn hơi khó vượt được ngưỡng 75.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay tiếp tục giảm rải rác ở một số nơi. Trong đó, TP.Hà Nội giảm 3.000 đồng/kg, hiện giao dịch ở mức 69.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực.

Sau khi điều chỉnh giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg, Bắc Giang, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc và Ninh Bình thu mua lợn hơi trong khoảng 70.000 - 72.000 đồng/kg. Các tỉnh còn lại không ghi nhận biến động mới so với hôm qua. Giá lợn hơi tại miền Bắc dao động trong khoảng 69.000 - 72.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi khu vực miền Trung, Tây nguyên tăng - giảm rải rác tại nhiều nơi. Theo đó, các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Quảng Ngãi và Thừa Thiên-Huế tăng 1.000 - 3.000 đồng/kg lên khoảng 69.000 - 71.000 đồng/kg.

Sau khi tăng 2.000 đồng/kg, tỉnh Ninh Thuận hiện giao dịch tại mốc 66.000 đồng/kg. Thanh Hóa và Nghệ An lần lượt giảm 2.000 đồng/kg và 3.000 đồng/kg, thu mua lợn hơi với giá 70.000 đồng/kg và 72.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại miền Trung, Tây Nguyên dao động trong khoảng 66.000 - 72.000 đồng/kg.

Thị trường lợn hơi khu vực miền Nam nhích nhẹ ở một số địa phương, dao động trong khoảng 65.000 - 71.000 đồng/kg. Cụ thể, TP.HCM và Tây Ninh cùng tăng 1.000 đồng/kg, thu mua lợn hơi ở mốc 66.000 đồng/kg. Thương lái 2 tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng giao dịch với giá 68.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với hôm qua. Mốc giá cao nhất khu vực hiện là 71.000 đồng/kg, đó là giá lợn tại 2 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và An Giang.

Trên thị trường thế giới, cập nhật đến ngày 22/7, giá lợn hơi Trung Quốc cũng giảm xuống, đứng ở mức 78.500 đồng/kg, so với mức mức trung bình 79.100-80.000 đồng/kg trước đó; giá lợn tại Thái Lan là 67.000 đồng/kg, tại Lào là 45.000 đồng/kg, tại Myanmar là 53.000 đồng/kg. 

Trước đó, giá lợn Trung Quốc và Thái lan tăng cao khiến thịt lợn Việt Nam bị ảnh hưởng. Giá lợn hơi tại 2 quốc gia này có thời điểm chạm mốc 80.000 đồng/kg do thiếu nguồn cung, chi phí đầu vào tăng, tác động làm giá thịt lợn của Việt Nam cũng tăng.

Với vị thế chiếm 56% tổng sản lượng và 45% tiêu thụ thịt lợn toàn cầu, giá thịt lợn ở Trung Quốc đang tăng nhanh gây lo ngại sẽ tác động lan truyền đến các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã phải khai thác nguồn thịt lợn dự trữ chiến lược quốc gia để ngăn chặn giá tăng nhanh chóng, đồng thời ngăn chặn các hành vi trục lợi giá cả của các trang trại chăn nuôi lợn. Kết quả, giá lợn hơi Trung Quốc hôm nay đã giảm mạnh.

Giá lợn hơi Trung Quốc giảm mạnh đương nhiên tác động ngay lập tức tới giá lợn hơi trong nước, giá đã giảm mạnh, tuột khỏi mốc 75.000 đồng/kg một cách nhanh chóng.

Trước đó, từ đầu năm đến nay, thức ăn chăn nuôi của ta tăng khoảng 35% sau 6 lần điều chỉnh tăng giá bán. Thêm các chi phí phòng chống dịch, cước vận tải, giá con giống tăng... đẩy chi phí đầu vào của các trại chăn nuôi lợn nhỏ lẻ lên cao, khiến giá lợn hơi trong nước bật tăng mạnh những ngày qua. 

Từ cuối tháng 6/2022 và đầu tháng 7 này, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mới có xu hướng giảm nhẹ. Song xu hướng này được cho là không bền vững do gần đây một số nước đang thực hiện chính sách an ninh lương thực trong nước cấm xuất khẩu, làm ảnh hưởng đến giá ngô, khô đậu tương, lúa mỳ làm thức ăn chăn nuôi. Do đó, các cơ quan chức năng vẫn nhận định, dù giá lợn hơi hôm nay giảm trở lại song biến động của thị trường vẫn rất khó đoán xu hướng, cần phải có giải pháp để ổn định giá thịt lợn trong nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu thực hiện ngay biện pháp bình ổn giá thịt lợn 

Trước diễn biến giá thịt lợn và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có xu hướng tăng cao thời gian gần đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa chỉ đạo cơ quan chức năng theo dõi sát diễn biến, tình hình giá cả, cung cầu thịt lợn trên thị trường và có biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nguồn cung thịt lợn, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá theo quy định; không để thiếu hụt thịt lợn, giá thịt lợn tăng ảnh hưởng đến đời sống người dân và gây áp lực lên lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Giá lợn hơi đã chững lại, biến động khó đoán - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu bảo đảm cân đối cung cầu, nguồn cung thịt lợn, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá để không gây áp lực lên lạm phát.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu kiểm soát chặt tình hình xuất khẩu thịt lợn qua biên giới; quyết liệt thực hiện giải pháp chống đầu cơ, trục lợi, thao túng và nâng giá bất hợp lý. Trường hợp phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm.

Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chủ trì, hướng dẫn địa phương, lực lượng chức năng, tổ chức và cá nhân sản xuất chăn nuôi lợn tiếp tục tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến, điều hòa và bảo đảm nguồn cung để bình ổn giá thịt lợn. 

Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các cơ quan kiểm tra, kiểm soát chợ đầu mối và khâu giết mổ, không để đầu cơ trục lợi đẩy giá.

Bộ Công Thương còn phải chủ trì việc kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối, cung ứng, lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn tính từ cửa trại, cửa chuồng của doanh nghiệp, người chăn nuôi đến doanh nghiệp, siêu thị, người bán cuối cùng trực tiếp cung ứng cho người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu làm rõ những bất cập, hạn chế (nếu có) và xuất giải pháp giảm thiểu các khâu trung gian đẩy chi phí lưu thông, tăng giá bán, tiến tới hoàn thiện hệ thống phân phối, bán buôn bán lẻ tinh gọn hiệu quả; có chi phí lưu thông hợp lý trong cơ cấu giá bán hàng.

Bộ Tài chính chủ trì việc tổng hợp tình hình giả cả thị trường để kịp thời báo cáo Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá những diễn biến mặt bằng giá khi có biến động, phát sinh và đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát, theo mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao

Ngoài ra, Tổng cục Thống kê được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá tác động của giá thịt lợn đến chỉ số giá tiêu dùng; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan để có giải pháp bảo đảm mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng năm nay.

Theo báo cáo của VCBS, tính đến tháng 6, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 16 lần kể từ tháng 10/2020, tăng hơn 20% so với đầu năm 2022. Chi phí chăn nuôi heo ước tính khoảng 57.000 đồng/kg trong khi giá lợn duy trì ở mức thấp (50.000 – 55.000 đồng/kg) khiến nhiều hộ chăn nuôi nhỏ thua lỗ. Áp lực chi phí đầu vào khiến hiện tượng bán chạy đàn diễn ra ở cả nông hộ và doanh nghiệp trong quý đầu năm 2022, hoạt động tái đàn trở nên dè dặt, ảnh hưởng đến nguồn cung lợn.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, sản lượng thịt lợn xuất chuồng tuy vẫn ở mức cao, nhưng có chiều hướng giảm kể từ quý IV/2021 sau một thời gian bán chạy đàn. Tại các chợ đầu mối, giao dịch lợn trong tháng 6 miền Bắc đã giảm hơn 40% so với mức đỉnh tháng 3/2022 cùng với sự điều tiết tốt hơn của nguồn lợn công ty nhằm cân bằng cung cầu.

Theo quan điểm của VCBS, nếu việc giảm đàn tiếp tục xảy ra do lo ngại về giá thức ăn chăn nuôi cao, quy mô đàn lợn có thể thu hẹp dẫn tới nguồn cung lợn thiếu hụt trong cuối năm và cả sang năm 2023.

VBCS cho biết vaccine dịch tả châu Phi bắt đầu được thương mại hóa từ ngày 3/6 và được kỳ vọng là yếu tố hỗ trợ giảm nguy cơ dịch bệnh cho đàn lợn trong thời gian tới.

Trong khi thị trường thịt lợn đứng trước nguy cơ nguồn cung đi xuống thì nhu cầu có dấu hiệu tăng. Theo đó, mức bán lẻ dịch vụ hàng hóa lưu trú và ăn uống tăng mạnh 44,2% tính tới quý II/2022 thể hiện nhu cầu hồi phục rõ rệt đối với hoạt động ăn uống tại chỗ khi du lịch trở lại, trong đó có cầu thịt lợn nội địa.

Với mức giá hiện tại, người nông dân đang hòa vốn hoặc có lãi nhẹ. Thời gian tới, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, giá lợn hơi Việt Nam có thể bằng giá khu vực.

Được biết, 6 tháng cuối năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu giá trị sản xuất chăn nuôi tăng trên 5,5%; sản lượng thịt lợn cả năm ước đạt trên 4,2 triệu tấn. 6 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng thịt các loại đã đạt 3,4 triệu tấn, trong đó, đàn lợn tăng 3,8% và sản lượng thịt hơi khoảng 2,12 triệu tấn, tăng 5,7%.

Để ổn định nguồn cung, giá cả, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng cao vào những tháng cuối năm, các cơ quan chức năng nhận định, tình hình phát triển đàn lợn hiện tại hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Việc cần làm là đảm bảo an toàn sinh học để tăng đàn với lợn và gia cầm, bên cạnh đó là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như đối phó với nguy cơ dịch bệnh.

Từ đầu năm 2022 đến nay, nhập khẩu thịt lợn liên tục giảm do tiêu thụ thịt lợn trong nước chậm, trong khi nguồn cung dồi dào. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 36,78 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, với trị giá 77,5 triệu USD, giảm 42,1% về lượng và giảm 47,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục