Gia Lai: Tổ khuyến nông cộng đồng giúp nông dân làm giàu với cây "triệu đô"

Thiên Ngân Thứ bảy, ngày 03/06/2023 12:42 PM (GMT+7)
Những năm gần đây, cà phê, chanh dây, chuối, sầu riêng được xem là những cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao cho tỉnh Gia Lai. Đặc biệt, nhiều vườn cà phê, chanh dây ở đây đã xây dựng được mối liên kết khá bền chặt giữa nông dân - doanh nghiệp, trong đó có sự đồng hành của cán bộ khuyến nông.
Bình luận 0

Mới đây, Sở NNPTNT Gia Lai đã tổ chức hội thảo về hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh trong 30 năm (1993-2023).

Khuyến nông góp phần giúp chuyển đổi cây trồng đúng hướng

Báo cáo tại hội thảo, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hoàng Thi Thơ cho biết, các chương trình khuyến nông triển khai trên địa bàn Gia Lai đã góp phần giúp các địa phương chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu mùa vụ, phát triển cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, sản xuất nông nghiệp gắn với truy xuất nguồn gốc, phục vụ xuất khẩu. Từ sự thành công của các mô hình khuyến nông đã dần hình thành các chuỗi liên kết do doanh nghiệp làm đầu mối, gắn với sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Gia Lai: Tổ khuyến nông cộng đồng giúp nông dân làm giàu với cây "triệu đô" - Ảnh 1.

Chị Đỗ Thị Mỹ Thơm - Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm, thôn Nhơn Tân, xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai chia sẻ về kỹ thuật trồng, chăm sóc chanh dây với hộ dân. Ảnh: Hoàng Lộc

Điển hình phải kể tới chương trình tái canh cà phê với các giống mới TR4, TR9, TR11, TRS1 và sản xuất cà phê có chứng nhận 4C; các mô hình trồng hồ tiêu sạch, hình thành các hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp để sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, bền vững; xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp cho rằng: Công tác khuyến nông đã đóng góp quan trọng cho ngành nông nghiệp của tỉnh. Năm 2022, giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp, thủy sản của Gia Lai ước đạt 33.823,3 tỷ đồng. Toàn tỉnh có khoảng 233.522 ha cây trồng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO (chiếm 41,5% tổng diện tích gieo trồng); có 146 mã số vùng trồng với tổng diện tích 7.769,1 ha và 32 mã số cơ sở đóng gói với tổng công suất khoảng 1.245-1.395 tấn quả tươi/ngày phục vụ xuất khẩu. 

Sản xuất nông nghiệp có sự chuyển biến tích cực gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến, hình thành các chuỗi liên kết do doanh nghiệp làm đầu chuỗi...

Thực tế ở lĩnh vực cà phê - loại cây chủ lực được ví là cây "triệu đô", thời gian qua ở Gia Lai đã hình thành một số chuỗi liên kết sản xuất cà phê bền vững, hướng tới xuất khẩu và đem lại giá trị cao cho người trồng. Trong đó, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp Gia Lai là đơn vị tiên phong trong xây dựng mô hình khuyến nông cộng đồng cho cây cà phê. Từ đây, những vườn cà phê hữu cơ "kiểu mẫu" bắt đầu được hình thành, Vĩnh Hiệp đã hướng dẫn trồng và tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

Ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp Gia Lai cho biết, hiện nay Việt Nam chỉ có duy nhất Vĩnh Hiệp sản xuất cà phê đạt chuẩn Organic của các nhà nhập khẩu, trong đó có tổ chức của Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trồng cà phê hữu cơ đang là vấn đề '"hot" cho từng vùng sản xuất để hướng tới nền nông nghiệp bền vững. Muốn vậy, các doanh nghiệp làm cà phê phải quay về thực hiện từ cái gốc, giúp cho tổ hợp tác, tổ khuyến nông cộng đồng liên kết với nhau thực hiện ước mơ chuyển dần sản phẩm vô cơ sang hữu cơ.

Chanh dây cũng đang dần trở thành cây "triệu đô" bền vững. Đặc biệt, sự có mặt của lực lượng khuyến nông trong các vườn chanh dây đã giúp người dân tự tin hơn nhờ trồng đúng kỹ thuật, được hỗ trợ kết nối đầu ra với doanh nghiệp. 

Anh Phạm Tuấn Bình (xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) cho biết, gia đình đang trồng hơn 2ha chanh dây. Nếu như trước kia anh tự làm với kỹ thuật của mình thì năng suất rất thấp. Bây giờ, có hội khuyến nông cùng Công ty Nafoods hỗ trợ về kỹ thuật nên chanh dây cho chất lượng tốt hơn, ít sâu bệnh, nhất là được doanh nghiệp thu mua với giá ổn định. 

Gia Lai: Tổ khuyến nông cộng đồng giúp nông dân làm giàu với cây "triệu đô" - Ảnh 2.

Vườn trồng chanh dây ở xã Ia Dêr, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai). Ảnh: Nguyễn Diệp/baogialai

Theo Trung tâm Khuyến nông Gia Lai, thực hiện Quyết định số 1094/QĐ-BNN-KN ngày 25/3/2022 của Bộ NNPTNT về việc phê duyệt đề án "Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình Tổ khuyến nông cộng đồng"; Văn bản số 1234/VP-NL ngày 25/4/2022 của UBND tỉnh Gia Lai về việc nghiên cứu, đề xuất triển khai Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình Tổ khuyến nông cộng đồng, đến nay Trung tâm Khuyến nông Gia Lai đã phối hợp với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cùng các địa phương thành lập 2 tổ khuyến nông cộng đồng tại xã Ia Băng, huyện Đak Đoa và xã Ia Hrung, huyện Ia Grai.

Trên địa bàn cũng đã có 2 huyện ngoài đề án ra quyết định thành lập các tổ khuyến nông cộng đồng là huyện Phú Thiện (8 tổ ở 8 xã bao gồm: Ia Sol, Ia Piar, Ia Peng, Ia Hiao, Ia Ake, Chrôh Pơnan, Ayun Hạ, Ia Yeng) và huyện Chư Prông (01 tổ ở xã Thăng Hưng). Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Gia Lai dự kiến thành lập thêm 8 tổ khuyến nông cộng đồng ở các huyện Chư Păh, Chư Sê, Đức Cơ và TP Pleiku.

Tuy nhiên, theo ông Tiệp, công tác khuyến nông hiện nay vẫn còn một số hạn chế như: Mô hình khuyến nông ở vùng đặc biệt khó khăn và cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn ít; mạng lưới khuyến nông viên cấp xã hiện nay không còn, gây khó khăn cho việc triển khai các hoạt động khuyến nông ở cơ sở; kinh phí cho hoạt động khuyến nông còn ít; nguồn vốn bố trí cho các chương trình khuyến nông thường chậm hơn so với thời vụ một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Lê Sỹ Quý - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Sê cho biết, chương trình khuyến nông đã góp phần đưa giống bắp lai vào sản xuất đại trà trên địa bàn huyện từ 500 ha lên 3.000 ha, năng suất bình quân tăng từ 2,5 tấn/ha lên 8 tấn/ha, góp phần tăng thu nhập đáng kể cho người dân. Huyện cũng triển khai hiệu quả chương trình phát triển cà phê bền vững, sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, tái canh cà phê; mô hình trồng cây ăn quả... 

Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã thực hiện 25 mô hình nhân rộng cánh đồng lúa liên kết, 3 mô hình trình diễn giống lúa mới ở các xã, qua đó giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi cơ cấu giống lúa, quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và quản lý sâu bệnh hại, tăng hiệu quả kinh tế...

"Để các mô hình khuyến nông phát huy hiệu quả hơn nữa, cần triển khai từ nhu cầu của nông dân và tiếp cận theo chương trình, dự án khuyến nông trọng điểm phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng, từng địa phương. Đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào hoạt động tuyên truyền, đào tạo khuyến nông để tăng khả năng tiếp cận của nông dân với các kênh thông tin khuyến nông"-ông Quý nêu giải pháp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem