Thu 350 - 400 triệu đồng/ha, Gia Lai tham vọng mở rộng diện tích một loại trái cây lên 20.000ha

K.Nguyên Thứ năm, ngày 09/06/2022 09:52 AM (GMT+7)
Với lợi nhuận lên đến 350 - 400 triệu đồng/ha, tỉnh Gia Lai đang đặt mục tiêu mở rộng diện tích trồng chanh leo lên 20.000ha, lớn nhất cả nước.
Bình luận 0

Gia Lai mở rộng diện tích chanh leo

Chia sẻ tại Diễn đàn trực tuyến với chủ đề “Tăng cường các giải pháp phát triển bền vững sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trái cây chủ lực phía Nam” do Diễn đàn kết nối nông sản 970 (Bộ NNPTNT) tổ chức ngày 8/6, ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Gia Lai cho biết, tỉnh hiện có khoảng 21.500 ha diện tích cây ăn quả, trong đó chanh leo khoảng 4.000ha. 

Điều đáng mừng nhất là hiện nay Gia Lai không gặp ách tắc nào trong vấn đề tiêu thụ nông sản, giúp nông dân có thu nhập khá.

Được đánh giá là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để mở rộng diện tích cây ăn trái, Gia Lai vừa ban hành đề án phát triển cây ăn quả định hướng năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. 

Trong đó, tỉnh dự kiến đưa diện tích cây ăn quả lên 55.000 ha vào năm 2025, và 100.000 ha vào năm 2030.

Để làm được điều này, ông Đoàn Ngọc Có cho biết, Gia Lai chủ trương chuyển các diện tích trồng sắn, mía, điều, cao su kém hiệu quả sang tập trung cây ăn quả. 4 loại cây được tỉnh quy hoạch vào nhóm xuất khẩu chủ lực gồm: chanh leo, chuối, bơ và sầu riêng. 

“Riêng đối với cây chanh leo, Gia Lai định hướng phát triển cây chanh leo từ 4.000 ha lên 20.000 ha, lớn nhất cả nước. Đây là loại cây trồng cho lợi nhuận đến 350 – 400 triệu đ/ha, giúp đảm bảo đời sống và sinh kế cho bà con nông dân”, ông Có khẳng định.

Thu 350 - 400 triệu đồng/ha, Gia Lai tham vọng mở rộng diện tích một loại trái cây lên 20.000ha - Ảnh 1.

Nông dân xã Ia Pếch, huyện Ia Grai (Gia Lai) chăm sóc chanh leo. Ảnh: Báo Gia Lai.

Bên cạnh chanh leo, chuối cũng được Gia Lai xác định là cây thế mạnh trong định hướng đến năm 2025. Trong đề án phát triển cây ăn quả, tỉnh dự kiến đưa diện tích trồng chuối từ 4.000 lên 10.000 ha. Hai loại cây còn lại, bơ sẽ tăng diện tích từ 2.600 lên 4.000 ha, sầu riêng tăng diện tích từ 2.800 lên 6.000 ha.

Ông Có cho biết thêm, vừa qua, nhờ sự kết nối, hỗ trợ của Bộ NNPTNT, Gia Lai tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh. Qua hội nghị, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành nông nghiệp cam kết đầu tư vào công nghệ chế biến nông sản của tỉnh thời gian tới.

Cụ thể, Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) cam kết hỗ trợ chế biến khoảng 52.000 tấn trái cây, Công ty Nafoods khoảng 28.000 tấn, Hoàng Anh Gia Lai khoảng 100.000 tấn.

Riêng Doveco có thêm liên kết với vùng cây ăn quả khoảng 3.000 ha trên địa bàn Gia Lai. “Với định hướng xuất khẩu, Gia Lai chủ trương áp dụng các tiêu chuẩn GlobalGAP trong công tác tổ chức sản xuất, với diện tích hiện tại khoảng 9.000 ha, tập trung vào hai loại cây chính là chanh leo và chuối. Hiện Gia Lai đã có 51 mã số vùng trồng, 21 cơ sở đóng gói”, ông Có nhấn mạnh.

Trung Quốc đã mở cửa tạm thời cho trái chanh leo

Theo ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), Trung Quốc đã đồng ý cho Việt Nam xuất khẩu chanh leo. 

Cụ thể, Trung Quốc chấp thuận nhập khẩu chanh leo vào tỉnh Quảng Đông (qua cửa khẩu 2 tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh) theo hình thức thí điểm.

Về điều kiện chung, chanh leo phải xuất phát từ vùng có mã số vùng trồng, có mã số đóng gói và bảo đảm không nhiễm dịch hại, đáp ứng an toàn thực phẩm. Doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu mặt hàng này cần liên hệ Cục Bảo vệ thực vật để đăng ký và được hướng dẫn. 

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), chanh leo nằm trong tốp 10 loại cây ăn quả có giá trị xuất khẩu cao nhất năm 2021. Năm 2022, sản lượng chanh leo ước tính 135.000 tấn, được trồng tập trung tại Gia Lai và Đắk Lắk.

Ông Lê Văn Thiệt cho biết hiện nay Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ 6 loại quả gồm thanh long, xoài, vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa. 

Hai bên đang trong quá trình đàm phán bước cuối mở cửa xuất khẩu mặt hàng bưởi thông qua ghi nhận ý kiến về nhu cầu người tiêu dùng tại Mỹ.

Đối với thị trường Nhật Bản, Việt Nam đã xuất khẩu 3 loại quả tươi. Thanh long và xoài đã được xuất khẩu bằng phương pháp xử lý hơi nước nóng. Phía Nhật cũng đã cho phép xuất khẩu vải vào năm ngoái. Hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật đang đàm phán với Bộ Nông nghiệp Nhật xuất khẩu nhãn bằng phương pháp xử lý lạnh, đang trong giai đoạn thí nghiệm cuối cùng. Biện pháp này sẽ là tiền đề để xuất khẩu các loại quả khác sang Nhật Bản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem