Gia hạn thuế Tiêu thụ đặc biệt với xe trong nước: Phương án cụ thể là gì?

An Linh Thứ năm, ngày 11/05/2023 10:39 AM (GMT+7)
Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng hoàn thiện dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, trình Chính phủ trước ngày 20 tháng 5 năm 2023.
Bình luận 0

Như vậy, nhiều khả năng từ tháng 6/2023, các hãng xe trong nước sẽ tiếp tục được được gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt trong 6 tháng cuối năm 2023.

Văn phòng Chính phủ vừa công bố Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2023, trong đó Chính phủ đưa ra hàng loạt chính sách, giải pháp để khắc phục khó khăn của kinh tế xã hội, trong đó có vấn đề gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe trong nước, nhằm hỗ trợ khó khăn.

Xe trong nước tiếp tục được gia hạn thuế Tiêu thụ đặc biệt? - Ảnh 1.

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính sớm có lộ trình gia hạn thời gian nộp thuế TTĐB đối với doanh nghiệp ô tô trong nước (Ảnh lắp ráp xe hơi tại Hyundai Thành Công)

Ngoài yêu cầu về thuế tiêu thụ đặc biệt, Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét việc ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại các Nghị quyết: số 31/NQ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2023, số 50/NQ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2023. 

Ngoài ra, Bộ Tài chính được chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, khẩn trương rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định pháp luật về thuế, ngân sách nhà nước trong điều kiện áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Mới đây, Bộ Tài chính có báo cáo Thủ tướng và Chính phủ về phương án đánh giá gia hạn thời gian nộp thuế Tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% lệ phí trước bạ. Theo đó, Bộ này đưa ra hai phương án cùng đánh giá tác động ưu và nhược điểm của các phương án.

Cụ thể, phương án cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế sẽ có ưu điểm giúp doanh nghiệp giảm áp lực, giảm chi phí. Tuy nhiên, Bộ Tài chính lo ngại có thể tạo ra quan ngại, phản ứng từ các đối tác liên quan các quy định về đối xử quốc gia của WTO và các Hiệp định FTA. 

Với phương án không gia hạn, ưu điểm là này sẽ giúp Việt Nam đảm bảo tuân thủ các quy định về Đối xử quốc gia của WTO và các Hiệp định FTA mà Việt Nam tham gia, trong đó có Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).

Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước có thể sẽ gặp khó khăn do lãi suất ngân hàng tăng, hạn mức tín dụng thấp, sức mua thị trường giảm... 

Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ, Thủ tướng phương án gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế TTĐB phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2023 đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến thời điểm nộp bổ sung chậm nhất vào ngày 20/11/2023.

Theo Bộ Tài chính, thời điểm nộp thuế chậm nhất ngày 20/11 thay vì 31/12 bởi để tránh doanh nghiệp phải nộp dồn, và ảnh hưởng đến dự toán thu ngân sách trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính.

Kết quả thực hiện việc gia hạn thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định số 32/2022/NĐ-CP lũy kế đến ngày 15/03/2023 của 12 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam là 9.603 tỷ đồng.

Tổng số tiền thuế TTĐB đã nộp vào NSNN là 8.871 tỷ đồng, hiện số thuế TTĐB còn phải nộp vào NSNN là 731 tỷ đồng. Lũy kế đến ngày 21/4/2023, số thuế TTĐB đã nộp của 12 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước như sau 4.282 tỷ đồng, tổng số tiền thuế TTĐB còn phải nộp NSNN là 657 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem