Giá điện tăng, EVN lỗ khủng, dân dùng 100%: Đại biểu Quốc hội "sốt ruột" hỏi sao Nhà nước không bình ổn giá điện?

Nguyễn Tuyền Thứ ba, ngày 23/05/2023 19:19 PM (GMT+7)
Nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra sốt ruột vì giá điện tăng, trong khi ngành điện lỗ lớn và 100% người dân sử dụng điện... nhưng tại sao không đưa giá điện vào danh mục hàng bình ổn giá?
Bình luận 0

Đại biểu Quốc hội sốt ruột, lo ngại ngành điện phá sản, đề xuất bình ổn giá điện

Tại nghị trường Quốc hội, tại phiên thảo luận về Luật Giá sửa đổi nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra sốt ruột về tình trạng ngành điện lỗ lớn, giá điện tăng trong khi cơ chế điều tiết điện được cho là đang có vấn đề.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cho ý kiến: "Hiện nay 100% người dân đều sử dụng điện, vậy tại sao không bình ổn giá. Việc đưa điện vào diện bình ổn giá tôi tin rằng người dân rất hoan nghênh".

Tại phiên thảo luận ở Hội trường về Luật Giá sửa đổi, nhiều đại biểu Quốc hội đề cập đến việc giá điện, nguy cơ phá sản của ngành điện và tác động tăng giá điện thời gian tới.

Giá điện tăng, EVN lỗ lớn, dân dùng 100%, đại biểu "sốt ruột" hỏi sao Nhà nước không bình ổn giá điện? - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) đặt câu hỏi tại sao không đưa giá điện vào danh mục hàng bình ổn giá (Ảnh: Q.H)

Theo đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP. HCM), hiện nay, không có nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) khi doanh nghiệp bị lỗ do không được tăng giá điện trong khi giá đầu vào tăng rất mạnh. Kết quả năm 2021 doanh nghiệp này lỗ do sản xuất bán điện là 981 tỷ đồng, năm 2022 là 36.294 tỷ đồng, năm 2023 dự kiến sai số là 63.620 tỷ dù giá bán điện tăng 3% kể từ tháng 5.

"Tổng lỗ sản xuất điện trong 3 năm (2021, 2022 và 2023) dự kiến lên đến hơn 100.000 tỷ đồng, bằng 49% vốn điều lệ của EVN. Nếu tính doanh thu hoạt động khác hơn 10.000 tỷ thì tổng lỗ còn lại hơn 90.000 Tỷ, bằng 44% vốn điều lệ. Bên cạnh đó, tập đoàn đang nợ khách hàng 19.700 Tỷ đồng đến hạn phải trả nhưng không có tiền để trả", đại biểu Nhân nêu.

Ông Nhân cho rằng, việc EVN lỗ và nợ lớn ảnh hưởng đến rủi ro tài chính, không thể mua nguyên liệu và vay từ các ngân hàng. Ông này cho rằng, năm 2024 dự báo tổng lỗ 4 năm là 112.000 đến 144.000 tỷ đồng.

Lo ngại những rủi ro tài chính và cơ chế điều tiết giá hiện nay sẽ khiến EVN lỗ nặng thêm, cận kề với phá sản, ông Nhân đề nghị ngân sách điều tiết vốn để bù lỗ cho EVN và đưa mặt hàng điện vào danh sách hàng bình ổn giá.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị đưa mặt hàng vào danh mục hàng hóa dịch vụ bình ổn giá thay vì là mặt hàng do Nhà nước định giá, trước đây là mặt hàng thiết yếu.

"Hiện nay 100% người dân đều sử dụng điện, vậy tại sao không bình ổn giá. Việc đưa điện vào diện bình ổn giá tôi tin rằng người dân rất hoan nghênh", đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Cũng góp ý về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) cho rằng trong nhóm danh mục hàng hóa trong danh mục bình ổn giá, có 10 hàng hóa dịch vụ nhưng không bao gồm giá điện mà mặt hàng này do Nhà nước định giá. Vì vậy, cần bổ sung mặt hàng này vào danh mục bình ổn giá.

Tiếp thu, giải trình về đề xuất, ý kiến của đại biểu quốc hội khi cho ý kiến về dự thảo Luật Giá sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, cơ quan soạn thảo, xây dựng Luật Giá khẳng định: "Đại biểu hỏi tại sao giá điện không đưa vào mặt hàng bình ổn? Vì giá điện đang là mặt hàng được Nhà nước định giá rồi. Nếu giờ chúng ta đưa giá điện vào danh mục mặt hàng bình ổn giá mà trong bối cảnh ngân sách chúng ta còn hạn hẹp thì rất khó khăn".

Ông Phớc nói thêm: "Hiện nay doanh nghiệp sản xuất điện thì Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) chiếm 50% sản lượng, đây là doanh nghiệp Nhà nước. Chính vì thế, nếu đưa giá điện vào hàng bình ổn giá phải sửa Luật Ngân sách".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem