Giá cà phê trở lại trái chiều, cà phê nội đồng loạt tăng 100 đồng/kg

20/01/2023 17:24 GMT+7
Giá cà phê trở lại trái chiều sau khi Conab – Brazil báo cáo kết quả khảo sát vụ mùa lần I. Giá cà phê hôm nay (20/1) tăng 100 đồng/kg trên diện rộng tại thị trường trong nước. Hiện, các tỉnh trọng điểm đang thu mua cà phê trong khoảng 40.400 - 41.000 đồng/kg.

Giá cà phê ngày 20/01/2023: Hai sàn biến động trái chiều

Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp nối đà tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 tăng thêm 16 USD, lên 1.918 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 tăng thêm 14 USD, lên 1.884 USD/tấn, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.

Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York điều chỉnh giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 giảm 0,40 cent, xuống 154,60 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 giảm 0,20 cent, còn 155,50 cent/lb, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.

Giá cà phê trở lại trái chiều, cà phê nội đồng loạt tăng 100 đồng/kg - Ảnh 1.

GIÁ CÀ PHÊ TRỰC TUYẾN SÀN LONDON, NEW YORK, BMF Cập nhật: 20/01/2023 lúc 13:00:01

Giá cà phê trở lại trái chiều, cà phê nội đồng loạt tăng 100 đồng/kg - Ảnh 2.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng thêm 100 đồng, lên dao động trong khung 40.400 - 41.000 đồng/kg.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng thêm 100 đồng, lên dao động trong khung 40.400 - 41.000 đồng/kg. Trong đó, mức giá thấp nhất là 40.400 đồng/kg tại tỉnh Lâm Đồng. Sau điều chỉnh, ba tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông đang có cùng mức giá 41.000 đồng/kg.

Giá cà phê kỳ hạn đã duy trì sức tăng trong suốt cả phiên giao dịch. Cho tới khi báo cáo khảo sát vụ mùa 2023/2024 lần I được Conab – Brazil công bố đã làm giá cà phê Arabica New York suy yếu trở lại nhưng giá cà phê Robusta London vẫn vững đà tăng. Sở dĩ các thị trường biến động trái chiều do Conab dự báo sản lượng Arabica tăng 14,4% so với vụ trước, lên ở mức 37,4 triệu bao, trong khi sản lượng Conilon Robusta giảm 3,8%, xuống ở mức 17,4 triệu bao. Theo đó, tổng sản lượng cà phê Brazil vụ mùa năm 2023 sẽ tăng 7,9% so với vụ trước, lên đạt mức tổng cộng 54,94 triệu bao. Trong khi phần lớn các dự báo độc lập khác dao động trong khoảng 62 – 65 triệu bao.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng sự biến động này chỉ là nhất thời do trước đó Rabobank đã điều chỉnh dự báo sản lượng cà phê Conilon Robusta chỉ đạt 22,4 triệu bao, thấp hơn 5,6 triệu bao, trong khi cà phê Arabica đạt 40,5 triệu bao, cao hơn 1,8 triệu bao so với dự báo trước đó. Do đó, thị trường vẫn lo ngại nguồn cung Robusta sẽ còn bị thắt chặt, vì nhu cầu tiêu thụ cà phê hòa tan tại nhà ngày càng tăng cao khi mối lo đại dịch covid-19 tiếp tục đè nặng, nhất là tại thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới.

Hội đồng Cà phê Ấn Độ dự báo sản lượng niên vụ 2022/2023 sẽ giảm 8,39% so với niên vụ trước, xuống chỉ đạt tổng cộng khoảng 6,0 triệu bao do mùa mưa năm ngoái vùng trồng cà phê chính ở bang Karnataka bị mưa lũ kéo dài gây thiệt hại rất đáng kể.

Niên vụ 2021-2022 thị trường cà phê thế giới đánh dấu năm đầu tiên thâm hụt cà phê sau 4 niên vụ dư cung liên tiếp với sản lượng giảm hơn 2,1% so với niên vụ trước đồng thời tiêu thụ tăng 3,3% lên mức 170,3 triệu bao. Biến đổi khí hậu cùng bệnh gỉ sắt ở một số vùng trồng khiến sản lượng bị giảm sụt trong khi nhu cầu phục hồi sau đại dịch. Điều này giúp giá cà phê phục hồi mạnh trong ba quý đầu năm 2022. Tuy nhiên, đến quý IV, giá cà phê giảm mạnh do chịu tác động bởi lãi suất tăng cao và tình hình suy thoái kinh thế giới.

Theo báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê toàn cầu dự báo tăng 6,6 triệu bao so với niên vụ trước lên 172,8 triệu bao trong niên vụ 2022-2023. Chủ yếu là do cây cà phê Arabica của Brazil bước vào năm được mùa theo chu kỳ sản xuất hai năm một lần.

Sản lượng của Việt Nam, nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới được dự báo đạt 30,2 triệu bao trong niên vụ 2022-2023, giảm 1,4 triệu bao so với vụ thu hoạch kỷ lục trước đó. Diện tích sản xuất của Việt Nam nhìn chung không thay đổi với hơn 95% sản lượng vẫn là cà phê Robusta. 

Mùa mưa bắt đầu sớm hơn so với các năm trước giúp cây cà phê ra hoa và phát triển tốt. Điều kiện thời tiết ẩm ướt hơn bình thường giúp giảm chi phí tưới tiêu. Tuy nhiên, giá phân bón đã tăng tới 70% trong năm ngoái. Điều này khiến cho người trồng cà phê giảm sử dụng phân bón, dẫn đến năng suất và sản lượng dự kiến sẽ thấp hơn so với niên vụ trước.

Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt 10,2 triệu bao trong tháng 11/2022, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế trong hai tháng đầu niên vụ 2022-2023 (tháng 10 và tháng 11/2022), thương mại cà phê toàn cầu đạt 19,6 triệu bao, tăng 1,6% so với cùng kỳ niên vụ 2021-2022. 

Cà phê nhân xanh chiếm khoảng 90% tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu với khối lượng tăng 10,8% lên 9,2 triệu bao trong tháng 11. Sự tăng trưởng tích cực này được thúc đẩy bởi khối lượng bán ra mạnh mẽ của nhóm cà phê Arabica Brazil và Robusta, đã bù đắp cho sự sụt giảm của nhóm Arabica Colombia và Arabica khác. 

Tính chung hai tháng đầu tiên của niên vụ 2022-2023, xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu tăng 3,5% so với cùng kỳ niên vụ trước lên 17,6 triệu bao.

Trong năm 2022, mặt bằng giá cà phê toàn cầu có xu hướng phục hồi mạnh trở lại so với năm 2021, nhất là giai đoạn tháng 7,8 do nguồn cung thiếu hụt trong khi nhu cầu hồi phục sau dịch bệnh. 

Vào tháng 8/2022, chỉ số giá cà phê ICO đã tăng 20% kể từ đầu năm và gấp đôi so với đầu năm 2021 (110 Cent/pound) đạt gần 200 US Cent/pound. 

Tuy nhiên, giai đoạn quý IV/2022, do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế và áp lực lãi suất tăng cao, giá cà phê giảm mạnh. Tính đến tháng 12/2022, chỉ số giá cà phê khoảng 157 US Cent/pound, giảm 21% so với mức đỉnh thiết lập hồi tháng 8. 

Tính chung trong cả năm 2022, chỉ số giá cà phê ICO giảm 13%.

Dự báo thị trường cà phê sẽ còn gặp khó khăn trong năm 2023. Giá cà phê chịu áp lực do nhu cầu yếu khi ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế trong khi nguồn cung lớn. 

Theo USDA, tiêu thụ cà phê toàn cầu niên vụ 2022 – 2023 dự kiến tăng hơn 800.000 bao lên 167,9 triệu bao, với mức tăng chủ yếu ở Liên minh châu Âu, Mỹ và Brazil. Như vậy, nguồn cung cà phê thế giới sẽ vượt nhu cầu khoảng 4,8 triệu bao trong niên vụ 2022-2023. 

USDA cũng dự báo xuất khẩu cà phê thế giới sẽ giảm 3 triệu bao trong niên vụ 2022-2023, xuống còn 116,1 triệu bao. Sự sụt giảm được ghi nhận tại Brazil, Việt Nam và Ấn Độ nhưng tăng ở Honduras và Colombia. Tồn kho cuối vụ dự kiến tăng hơn 1,5 triệu bao lên 34,1 triệu bao. 

Trong khi đó, ICO cũng giữ nguyên dự báo về sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2022-2023 ở mức 167,2 triệu bao, giảm 2,1% so với 170,8 triệu bao của niên vụ trước. Tiêu thụ cà phê thế giới được dự báo sẽ tăng 3,3% lên 170,3 triệu bao loại 60 kg trong niên vụ 2022-2023 so với 164,9 triệu bao của vụ 2020-2021. Như vậy, tiêu thụ dự kiến sẽ vượt sản xuất 3,1 triệu bao.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục