Giá một loại hạt Việt Nam có nhiều thứ 2 toàn cầu tăng "như lên đồng", doanh nghiệp bất ngờ

Thiên Hương Thứ hai, ngày 29/05/2023 07:32 AM (GMT+7)
Những ngày gần đây, giá cà phê trong nước - loại hạt Việt Nam đứng thứ 2 toàn cầu về sản lượng - liên tục tăng mạnh, hiện dao động quanh mức 60.800 - 61.000 đồng/kg. Giá cà phê liên tiếp lập kỷ lục, tăng cao chưa từng có khiến các doanh nghiệp xuất khẩu cũng bất ngờ.
Bình luận 0

Giá cà phê tăng "như lên đồng"

Theo ghi nhận của PV Dân Việt, khoảng hơn 1 tháng nay, giá cà phê tại thị trường trong nước liên tục tăng theo chiều thẳng đứng, cao vượt mức dự đoán. Cụ thể, hiện giá cà phê các tỉnh Tây Nguyên đã đạt ngưỡng 61.000 đồng/kg, mức giá cao nhất trong vòng 15 năm qua.

Trong đó, giá cà phê tại Đắk Lắk đang ở mức cao nhất 61.100 đồng/kg; giá cà phê tại Gia Lai đạt 60.800 đồng/kg; tại Lâm Đồng, giá cà phê hiện ở mức 60.500 đồng/kg.

Giá một loại hạt Việt Nam xếp thứ 2 toàn cầu "tăng sốc", doanh nghiệp xuất khẩu trở tay không kịp - Ảnh 1.

Hiện giá cà phê các tỉnh Tây Nguyên đã đạt ngưỡng 61.000 đồng/kg, mức giá cao nhất trong vòng 15 năm qua. Ảnh: Thiên Hương

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London trở lại xu hướng tăng. Kỳ cà phê hạn giao ngay tháng 7 tăng 21 USD, lên 2.574 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 tăng 20 USD, lên 2.528 USD/tấn, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì dưới mức trung bình.

Trao đổi với PV Dân Việt ngày 28/5, ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex cho biết, giá cà phê liên tục tăng cao thời gian qua là do thị trường thiếu hàng. Trong đó, sàn giao dịch London đang thiếu hàng, thị trường cà phê lớn nhất thế giới là NewYork cũng đang thiếu hàng nên đẩy giá giao dịch lên cao. 

Trong khi đó, các nhà xuất khẩu cà phê của Việt Nam thấy giá cao từ đầu năm cũng đã tranh thủ đẩy hàng tồn kho, do đó đến thời điểm này lượng hàng cũng không còn nhiều. 

Theo StoneX, nhu cầu cà phê Robusta vẫn giữ được mức cao cho ngành công nghiệp sản xuất cà phê hòa tan và áp lực vụ mùa Arabica vừa bắt đầu thu hoạch ở Brazil tiếp tục đè nặng tâm lý thị trường kỳ hạn New York. Báo cáo bán niên về mặt hàng cà phê của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy sản lượng cà phê Arabica chế biến ướt chất lượng cao ở các quốc gia sản xuất truyền thống khu vực Trung – Nam Mỹ trong năm nay sẽ có sự cải thiện rất đáng kể.

Trước đó, Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) dự báo sản lượng cà phê giảm từ 10-15%/năm, tuy nhiên, năm nay có thể giảm trên dưới 20% so với dự đoán ban đầu do biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, cộng với hiện tượng El Nino tác động lớn đến năng suất và sản lượng cà phê.

Việt Nam là nước sản xuất cà phê lớn thứ 2 toàn cầu, chỉ sau Brazil, tuy nhiên riêng cà phê Robusta thì nước ta chiếm tới 50% sản lượng xuất khẩu toàn thế giới. Do đó, khi sản lượng cà phê của nước ta sụt giảm cũng sẽ ít nhiều tác động lên cung - cầu cũng như giá cà phê thế giới. 

Có một thực tế ông Đỗ Hà Nam chỉ ra, đó là diện tích trồng cà phê những năm gần đây liên tục giảm do sự cạnh tranh mạnh mẽ của các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao hơn như sầu riêng, bơ, chanh dây... Nhiều hộ không phá bỏ hoàn toàn diện tích cà phê nhưng cũng chặt tỉa bớt để trồng xen cây ăn trái.  Những yếu tố này khiến sản lượng cà phê sụt giảm, đẩy giá cà phê trong nước tăng lên.

Ông Nam cho biết: "Do giá cà phê tăng nhanh và tăng quá cao khiến các doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn hàng đáp ứng xuất khẩu. Cà phê vẫn có thể mua được, chỉ có điều giá sẽ đắt lên, nhiều doanh nghiệp sẽ bị lỗ nếu mua thời điểm này. Nhất là với những đơn hàng đã kí từ trước thì chắc chắn lỗ". 

Giá một loại hạt Việt Nam xếp thứ 2 toàn cầu "tăng sốc", doanh nghiệp xuất khẩu trở tay không kịp - Ảnh 2.

Theo VICOFA, sản lượng cà phê Robusta của Việt Nam trong niên vụ 2022-2023 ước tính giảm 10 -15% so với niên vụ trước đó xuống còn khoảng 1,5 triệu tấn do ảnh hưởng bởi thời tiết không thuận lợi và làn sóng chuyển dịch cây trồng sang các loại cây ăn trái. Ảnh: Thiên Hương

Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam cũng phân tích, hơn 30 năm nay tất cả các nhà rang xay lớn trên thế giới đều gắn với cà phê Robusta của Việt Nam, vì vậy, sản lượng cà phê Robusta của Việt Nam giảm ít nhiều gì cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của họ. Ví dụ các nhà rang xay cà phê lớn trên thế giới như Nestle, nhiều năm nay đều mua cà phê Robusta của Việt Nam để phối trộn với cà phê Arabica, cho ra cà phê thành phẩm. 

Theo quy luật cung cầu, khi sản lượng cà phê giảm thì giá cà phê tăng. "Giá cà phê tăng thì trước tiên là nông dân được hưởng lợi, còn các doanh nghiệp kinh doanh ai bán trước thì gặp rủi ro cao, doanh nghiệp nào mua bán bình thường hoặc mang tính chất đầu cơ thì được hưởng lợi" - ông Nam nhận định.

Ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cũng cho biết, chưa bao giờ thị trường cà phê biến động mạnh đến vậy. Ngay cả cả giai đoạn tháng 8 năm ngoái, giá cà phê lần đầu thiết lập mức 52.000 đồng/kg nhưng sụp đổ rất nhanh sau đó. Trong khi đã có ngày, giá cà phê trong nước lên tới 64.000 đồng/kg là mức giá mà không ai nghĩ tới. 

Bình thường, phải đến tháng 8 hàng năm thị trường mới xảy ra tình trạng thiếu hàng, nhưng năm nay, ngay từ tháng 3 đã hết hàng. Thời điểm giá về đỉnh cũ là 52.000 đồng/kg hồi đầu năm, người dân đã đồng loạt bán ra rất nhiều.

Tuy nhiên, trao đổi với Dân Việt, ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Tập đoàn Intimex cũng khẳng định: "Sẽ không có chuyện thiếu cà phê, bởi thực tế vẫn có nhiều người đang găm cà phê trong kho chưa chịu bán ra. Cộng với lượng hàng được bổ sung từ Brazil thì dự báo giá cà phê thời gian tới sẽ không còn quá "nóng". Thị trường sẽ lập lại mặt bằng mới". 



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem