Gặp "nữ thủ lĩnh" hy sinh cả đời lo cho công nhân lao động

Thùy Anh Thứ ba, ngày 08/03/2022 10:10 AM (GMT+7)
Hình ảnh người cán bộ công đoàn lăn xả, chạy đôn chạy đáo trong tâm dịch bất kể ngày đêm đã trở thành quen thuộc của nhiều công nhân, lao động. Đó là chị Lê Thị Thu Cúc - Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Long An.
Bình luận 0

Ăn ngủ tại cơ quan để lo cho công nhân, lao động

Qua lời giới thiệu, tôi gọi điện cho chị Lê Thị Thu Cúc (52 tuổi) vào đầu giờ chiều ngày Chủ nhật (6/3), lẽ ra hôm nay là ngày nghỉ nhưng chị Cúc vẫn miệt mài làm việc. Chị cho biết chị vừa đi từ thiện cấp phát quà cho hơn 100 trẻ em mồ côi, có bố mẹ mất do dịch Covid-19.

Quên đi những phút giây mệt mỏi, căng thẳng, chị tiếp tôi bằng tấm chân thành, sự cởi mở của một người lãnh đạo xuất thân từ công nhân, lao động.

Chị kể, gia đình chị từng rất khó khăn, là thành phần bần cố nông, buổi đi học, buổi còn lại phải đi làm thuê để mưu sinh. Cũng bởi lẽ đó chị thấu hiểu được những khó khăn cơ cực của tầng lớp công nhân lao động.

lao động

Chị Lê Thị Thu Cúc (bên phải) thăm tặng quà cho gia đình có công nhân, lao động bị mất vì dịch Covid-19. Ảnh: NVCC

Hơn 30 năm công tác, đến quá nửa thời gian gắn bó với công nhân, nhưng có lẽ thời điểm cuối năm 2021, lúc dịch bệnh Covid-19 kéo đến là thời điểm khó khăn, thử thách sự quyết tâm của chị Cúc nhiều nhất.

Suốt 5 tháng trời (từ tháng 6 đến tháng 10/2021) chị Cúc cùng một vài đồng nghiệp đã phải bám trụ tại Liên đoàn Lao động tỉnh Long An để trực chiến, kịp thời hỗ trợ công nhân, lao động gặp khó khăn.

Chị nhớ lại: "Ngày ấy Liên đoàn lao động tỉnh lập đường dây nóng. Vì thế anh em bên cơ quan nhiều người phải ở lại đơn vị trực. Tôi cũng vậy. Suốt 5 tháng trời tôi đã nằm trên chiếc ghế sofa trong căn phòng chỉ rộng 7-8m vuông để ngủ. Mọi thứ đều rất khó khăn, vất vả".

Vất vả là vậy nhưng chưa khi nào chị nản chí hay có ý định bỏ cuộc. "Đôi khi cũng có lo lắng một chút vì thấy dịch bệnh bùng phát nhiều quá, mình lại còn mẹ già 94 tuổi ở nhà công vụ. Thế nhưng nhìn hình ảnh những người công nhân lao động khổ sở, nhốt mình trong phòng trọ cách ly, hình ảnh những đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ đã thành trẻ mồ côi mình lại có thêm động lực để cố gắng", chị Cúc chia sẻ.

Cũng bởi suy nghĩ đó nên chị luôn vững tin, đến một ngày chúng ta sẽ chiến thắng được dịch bệnh. Sự thật thì chúng ta đã chiến thắng được dịch bệnh.

Đổi một nụ hôn lấy 10 tấn gạo cho công nhân

Hơn 6 tháng trời lăn lộn bất kể ngày đêm, đi khắp mọi địa bàn, người nữ thủ lĩnh của công nhân lao động ấy đã ghi lại không biết bao nhiêu những câu chuyện vui buồn.

Chị Cúc nhớ lại: "Có lần dù 9-10 giờ tối, nguồn tin người dân báo lên có nữ công nhân bị kẹt trong vùng giãn cách ở Đức Hòa (Long An), không có sữa cho con bú, sữa hộp lại hết. Hoàn cảnh khó khăn, cả xóm trọ ủng hộ được hơn 3 triệu đồng mua sữa cho em bé nhưng không thể đi mua được vì có lệnh giãn cách.

Hồi thực hiện giãn cách, mình ở lại đơn vị chống dịch, mỗi lần mua đồ ăn về tiếp tế cho mẹ thấy bà rất lo. Dù vậy hai mẹ con gặp nhau chỉ dám đứng nhìn từ xa. Bà lúc nào cũng hỏi 'Khi nào thì mày về ngủ với tao vậy'. Thương mẹ vì phải ở nhà một mình, mình chỉ biết tự động viên dặn dò bà 'mẹ đợi con, con sắp về rồi' rồi lại chào bà phi xe tới cơ quan".

Không suy nghĩ nhiều, tôi và các đồng chí trong cơ quan đã vượt 70km trong nhiều giờ (vì phải đi qua nhiều chốt trạm) mang sữa tới nơi cho em bé. Quay lại cơ quan tôi vẫn nhớ như in hình ảnh nữ công nhân ôm con, mẹ khóc, con khóc trông rất tội nghiệp. Nhìn cảnh em bé bú no lăn ra ngủ lại cảm thấy ấm lòng", chị Cúc nhớ lại.

Tuy nhiên, có lẽ câu chuyện đó chưa phải là câu chuyện đau lòng nhất mà chị từng chứng kiến. "Câu chuyện ám ảnh nhất tôi từng gặp phải là câu chuyện hình ảnh những nữ công nhân mang bầu phải đối mặt giữa lằn ranh sống và chết. Dịch bệnh thật sự rất thảm khốc, không trừ lại ai.

lao động

Nữ thủ lĩnh của công nhân lao động, thăm tặng quà cho công nhân trong các xóm trọ nghèo ở Long An. Ảnh: NVCC

Ngày ấy, khi nhận được tin một Việt kiều ở nước ngoài báo về thấy có nữ công nhân mang bầu quê Trà Vinh ở bệnh viện giã chiến đang nguy kịch vì là F0, tôi đã cho xác minh thông tin rồi liên hệ với BV Sản nhi Long An để hỗ trợ cấp cứu cho em. Một mình nằm ở bệnh viện giã chiến, trong người không có tiền, cũng không có bất cứ thứ gì chuẩn bị việc sinh em bé nên tôi lại kiêm luôn nhiệm vụ đi mua đồ chuẩn bị sinh cho em ấy. Sau lần đó, em đã được mẹ tròn con vuông, tôi rất vui".

Thế nhưng, chị Cúc cho biết không phải ai cũng được may mắn như vậy, có rất nhiều người mẹ, người cha đã ra đi mà không thể nhìn mặt con lần cuối.

Chị Cúc nhớ lại "1 vài ngày sau đó, tôi cũng từng hỗ trợ cho một nữ lao động song sinh nhưng đáng tiếc chị đã không qua khỏi để lại 2 con thơ cho người chồng trẻ chăm sóc", Chị Cúc kể, gương mặt buồn bã, mắt ngấn nước.

Rồi những hình ảnh hàng trăm công nhân lao động ngoại tỉnh vừa rời quê ra phố tìm việc làm. Làm chưa được bao ngày đối mặt với dịch bệnh, tiền không có, lại phải giãn cách đến đồ ăn cũng không có. Nhiều em khóc khóc, buồn bã, những lúc như vậy chị lại phải đứng ra trấn an.

Chị Cúc chia sẻ, mùa dịch chuyện buồn thì nhiều lắm, nhưng trong lúc lăn lộn giúp đỡ công nhân, lao động chị cũng thu nạp không ít những câu chuyện vui, những tấm lòng đáng trân trọng.

Gặp người "nữ thủ lĩnh" hy sinh cả đời lo cho công nhân lao động - Ảnh 4.

Hiện tại chị Lê Thị Thu Cúc đang ở cùng mẹ già đã 94 tuổi tại nhà công vụ của tỉnh ủy Long An. Ảnh: NVCC

"Có lần đi vận động doanh nghiệp làm từ thiện giúp đỡ cho công nhân lao động, có anh bạn ở doanh nghiệp trêu đoàn từ thiện. Giờ nếu ai hôn anh một cái, anh cho 5 tấn gạo. Nghe vậy, tôi xung phong liền à. Tôi bảo, thôi thì đằng nào em cũng không có chồng, để em hôn chắc cũng không mất gì mà cũng không sợ ai đánh ghen. Nói là làm (cười) sau đó anh ấy còn tặng hẳn 10 tấn gạo. Tặng xong sáng hôm sau anh ấy gọi bảo ‘anh vừa F0 đấy em xem thế nào nhớ theo dõi sức khỏe nhé'", giọng hài hước, chị Cúc kể lại không giấu được niềm vui.

Không chỉ doanh nghiệp, ngày ấy và cả bây giờ nhiều anh chị em đồng nghiệp ở Tổng Liên đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh Long An, rồi các anh em báo chí... cũng hỗ trợ chị và đoàn từ thiện rất nhiều. Mỗi người cùng góp công, góp sức hỗ trợ cho những người khó khăn. Chính họ đã trở thành niềm động lực cho chị cố gắng. 

"Dù dịch bệnh đã qua đi, nhưng trong số hàng trăm nghìn công nhân lao động ở đây vẫn còn nhiều công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn lắm. Có người mất chồng, mất vợ. Có người thì vợ chồng con cái mắc bệnh hiểm nghèo, tiền lương không đủ sinh hoạt trả tiền nhà trọ... Bởi vậy chúng tôi muốn cố gắng để hỗ trợ thêm một phần cho họ", chị Cúc nói.

Kết thúc câu chuyện chị Cúc chia sẻ về những dự định của chị trong thời gian tới và chúc cho tất cả chị em phụ nữ được nhân ngày 8/3 được mạnh khỏe, luôn được vui vẻ và hy vọng chị em sẽ phấn đấu hết mình vì công việc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem