Gặp người phụ nữ ở vùng cao đi xe đạp bị CSGT phạt vi phạm nồng độ cồn

PV Tây Bắc Thứ năm, ngày 30/03/2023 17:16 PM (GMT+7)
"Gia đình tôi làm nghề nấu rượu. Trước khi bán cho khách hàng, tôi thường uống thử để kiểm tra hương vị rượu. Vì nghĩ rằng, đi xe đạp thì không bị cấm uống rượu nên cứ vô tư đạp xe ra đường...", lời kể của bà L.T.N, trường hợp CSGT huyện Yên Châu, xử phạt do vi phạm nồng độ cồn.
Bình luận 0

Clip: Nguyên nhân người phụ nữ đi xe đạp bị CSGT phạt vi phạm nồng độ cồn

Đi xe đạp bị phạt vi phạm nồng độ cồn

Liên quan đến vụ việc lực lượng Cảnh sát giao thông huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La vừa xử phạt một trường hợp người phụ nữ đi xe đạp vi phạm nồng độ cồn. Sáng nay (30/3), phóng viên Báo Dân Việt đã có cuộc trao đổi trực tiếp với bà  L.T.N (SN 1976), bản Huổi Hẹ, xã Viêng Lán, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.

Bà L.T.N chia sẻ: Gia đình tôi làm nghề nấu rượu đã được gần chục năm nay, sau mỗi mẻ rượu tôi đều uống thử để kiểm tra hương vị của rượu. Do đó mà sáng 29/3, sau khi nấu xong mẻ rượu, trước khi giao cho khách tôi đã nếm thử một ít. Tuy nhiên, lúc đấy tôi có công việc gấp, phải di chuyển, dù gia đình tôi có xe máy, thế nhưng biết trong người đã thử rượu nên bản thân tôi đã không điều khiển phương tiện xe máy tham gia giao thông. Thay vào đó, tôi điều khiển phương tiện bằng xe đạp vì nghĩ sẽ không vi phạm nếu gặp các chú Cảnh sát giao thông.

Nguyên nhân người phụ nữ đi xe đạp bị CSGT phạt vi phạm nồng độ cồn - Ảnh 2.

Lực lượng CSGT kiểm tra vi phạm nồng độ cồn với bà L.T.N. Ảnh: CACC.

Sau khi di chuyển xe đạp đến đoạn đường 20/11, thị trấn Yên Châu, tỉnh Sơn La bà L.T.N được lực lượng CSGT Yên Châu ra hiệu dừng kiểm tra và yêu cầu thổi nồng độ cồn. Sau khi bà N thổi một hơi dài thì hiển thị kết quả, với nồng độ cồn ở mức 0,073 mg/L khí thở. Với mức vi phạm trên, bà N đã bị lực lượng CSGT lập biên bản xử phạt và tạm giữ phương tiện.

"Tôi nghĩ là mình đi xe đạp thì có uống rượu cũng không sao, nên cứ vô tư đạp xe đi. Sau khi lực lượng Cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe, kiểm tra phát hiện tôi có nồng độ cồn. Đồng thời, được cán bộ công an giải thích, tôi cũng đã nhận ra hành vi vi phạm của mình. 

Tôi cũng vui vẻ chấp hành nộp phạt, và tự hứa với bản thân là có uống rượu là không điều khiển phương tiện tham gia giao thông nữa, không để ảnh hưởng đến bản thân mình, cũng như người khác", bà  L.T.N nói như vậy.

Nguyên nhân người phụ nữ đi xe đạp bị CSGT phạt vi phạm nồng độ cồn - Ảnh 3.

Bà L.T.N làm nghề nấu rượu đã được gần chục năm nay. Ảnh: Nguyễn Văn Vinh.

Trao đổi với phóng viên, Đại úy Nguyễn Đình Viễn, Đội trưởng Đội CSGT-TT Công an huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Liên quan đến trường hợp xử phạt một trường hợp người đi xe đạp vi phạm nồng độ cồn. Sáng 29/3, tại số 8 đường 20/11, thị trấn Yên Châu, trong quá trình tiến hành kiểm tra nồng độ cồn phương tiện tham gia giao thông, lực lượng CSGT đã phát hiện 3 trường hợp vi phạm.

Trong đó, có trường hợp bà L.T.N (SN 1976), trú tại bản Huổi Hẹ, xã Viêng Lán, huyện Yên Châu, đi xe đạp mà trong hơi thở có nồng độ cồn. Với mức vi phạm trên, bà N đã bị lực lượng CSGT lập biên bản xử phạt với số tiền từ 80 – 100 nghìn đồng và tạm giữ phương tiện.

Nguyên nhân người phụ nữ đi xe đạp bị CSGT phạt vi phạm nồng độ cồn - Ảnh 4.

Lực lượng CSGT lập biên bản xử phạt bà N. Ảnh: CACC.

Về chế tài xử lý đối với vi phạm nồng độ cồn, Luật Phòng chống tác hại rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP nghiêm cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn trong cơ thể, ngay cả với người đi xe đạp.

Nghị định 100/2019 quy định, hành vi sử dụng phương tiện giao thông mà trong hơi thở có nồng độ cồn sẽ bị xử lý bao gồm các đối tượng sau: Người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô; Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy; Người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng; Người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác. Như vậy người sử dụng rượu bia đi xe đạp khi kiểm tra phát hiện hơi thở có nồng độ cồn vẫn bị xử phạt.

Cũng theo Nghị định 100, người điều khiển xe đạp, xe đạp điện sẽ bị xử phạt 80 - 100 nghìn đồng khi lái xe có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/L khí thở.

Phạt từ 200-300 nghìn đồng khi người đi xe đạp, xe đạp điện có nồng độ cồn vượt quá 50mg - 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25mg đến dưới 0,4mg/L khí thở. Mức phạt tiền sẽ tăng lên, từ 400- 600 nghìn đồng khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/L khí thở. Ngoài ra cá nhân vi phạm sẽ bị tạm giữ phương tiện đến 7 ngày.

Nguyên nhân người phụ nữ đi xe đạp bị CSGT phạt vi phạm nồng độ cồn - Ảnh 5.

Công an Sơn La tăng cường kiểm tra nồng độ cồn với người tham gia giao thông trên các tuyến đường. Ảnh: ANTV Sơn La

Quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn

Cũng theo Đại úy Nguyễn Đình Viễn, Đội trưởng Đội CSGT- TT Công an huyện Yên Châu, với đặc thù là địa bàn vùng cao, chủ yếu là người dân tộc thiểu số sinh sống, do phong tục tập quán là sử dụng rượu, bia trong các cuộc gặp gỡ, hội họp, ma chay, hiếu, hỉ… là điều không tránh khỏi. Từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT huyện Yên Châu đã xử lý khoảng 400 trường hợp vi phạm; trong đó vi phạm về nồng độ cồn chiếm 1/3 số vụ vi phạm.

Nguyên nhân người phụ nữ đi xe đạp bị CSGT phạt vi phạm nồng độ cồn - Ảnh 6.

Trước những diễn biến phức tạp liên quan đến lỗi vi phạm rượu, bia, lực lượng CSGT-TT, Công an Sơn La đã nhiều lần mở đợt ra quân xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Ảnh: ANTV Sơn La

Để giảm thiểu tình trạng vi phạm an toàn giao thông, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân, Đội Cảnh sát giao thông Yên Châu đã bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Giao thông Đường bộ. Nhất là vi phạm quy định về nồng độ cồn, sử dụng ma tuý, vi phạm quy định về tốc độ; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy…

Bên cạnh đó, Đội CSGT-TT - Công an huyện Yên Châu cũng đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền đến tất cả các xã, bản trong huyện, bằng nhiều hình thức, như: Lồng ghép tuyên truyền về trật tự ATGT thông qua các hội nghị ở xã, bản, các tổ chức đoàn thể; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi, căng treo pa nô… ở những địa điểm đông dân cư. 

Tuyên truyền trực quan bằng những hình ảnh, video sinh động, dễ hiểu, phù hợp với phong tục tập quán của từng dân tộc, từng vùng; tham mưu với chính quyền địa phương tổ chức ra quân tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông.

Nguyên nhân người phụ nữ đi xe đạp bị CSGT phạt vi phạm nồng độ cồn - Ảnh 7.

Ngoài xử lý các trường hợp vi phạm, Công an Sơn La tích cực tuyên truyền người tham gia giao thông không sử dụng rượu, bia khi lái xe. Ảnh: ANTV Sơn La

Tổ chức các buổi ngoại khóa, nói chuyện chuyên đề về chấp hành Luật Giao thông đường bộ với học sinh và cán bộ giáo viên. Trong các buổi ngoại khóa, các em học sinh được giao lưu trả lời các câu hỏi liên quan đến an toàn giao thông… Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, học sinh về Luật Giao thông đường bộ, rèn luyện các kỹ năng lái xe an toàn để giảm thiểu tai nạn giao thông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem