Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ: Tri ân hàng triệu người "sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa"

Thùy Anh Chủ nhật, ngày 24/07/2022 12:37 PM (GMT+7)
Kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh - Liệt sĩ, Bộ LĐTBXH phối hợp với các bộ ngành đã tổ chức gặp mặt, tri ân, tặng quà tới 450 người có công với cách mạng tiêu biểu trong cả nước.
Bình luận 0

Tôn vinh 450 người có công với cách mạng tiêu biểu 

Sáng ngày 24/7/2022, tại Cung Văn Hóa Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội), Bộ LĐTBXH chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân dân, đài Truyền hình Việt Nam Trung ương Đoàn và Ủy ban nhân dân TP.Hà Nội tổ chức Chương trình Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh - Liệt sĩ và tôn vinh người có công với cách mạng toàn quốc năm 2022. 

Tham dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, cùng các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban ngành Trung ương và TP.Hà Nội. Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và 450 người có công tiêu biểu đại diện cho gần 10 triệu người có công và thân nhân người có công trong cả nước.

người có công

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt, thăm hỏi các Mẹ Việt Nam Anh hùng. Ảnh: M.Q

Trong bài phát biểu đầy xúc động, tự hào của mình tại lễ kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ và gặp mặt người có công với cách mạng tiêu biểu vào sáng nay 24/7, ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đời đời vinh danh, ghi nhớ công ơn, nguyện kế tục và thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng, xứng đáng với những hy sinh, cống hiến to lớn của cha ông.

Ông Dung cho biết, 75 năm qua, công tác chăm sóc người có công với cách mạng đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước triển khai đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó có 1,2 triệu liệt sĩ, trên 139.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Ngoài ra đã xác nhận được hơn 1.300 anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, gần 800.000 thương binh, bệnh binh và gần 320.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học, gần 111.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, gần 1,9 triệu người có công giúp đỡ cách mạng,…

Công tác tri ân, xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ cũng được triển khai tích cực. 

Đặc biệt, 5 năm qua, với tinh thần “không để người có công nào không được tri ân”, với quyết tâm cao và cách làm sáng tạo cả nước đã rà soát trên 7.000 hồ sơ tồn đọng, qua đó đã xác nhận được trên 2.400 liệt sĩ, 2.700 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh. Phần lớn những liệt sĩ được xác nhận đã hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhiều trường hợp đã hy sinh cách đây trên 70, 80 năm, cá biệt có trường hợp hy sinh cách đây trên 90 năm.

Tại Lễ gặp mặt, thế hệ trẻ được gặp mặt và giao lưu với Mẹ Việt Nam Anh hùng Kiều Thị Nông, hiện đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Bà cũng là thương binh 4/4 (thương tật 35%), là người đã lần lượt mất đi người chồng, người con của mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của dân tộc, cả cuộc đời mẹ đã cống hiến cho cách mạng, ngay cả khi nước nhà thống nhất, mẹ cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội với nhiều cương vị khác nhau, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.

Buổi gặp mặt các đại biểu còn được giao lưu với Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, sinh năm 1938, là thương binh thương tật 47%, hiện cư trú tại thành phố Hà Nội. Ông Phiệt nhập ngũ năm 1960, trong thời kỳ kháng chiến, ông đã tham gia bắn rơi 19 máy bay các loại. Đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm ông đã chỉ huy bắn rơi 4 máy bay B52 của Mỹ làm quân địch khiếp sợ. Khi về hưu ông là người sáng lập và duy trì Trung tâm nhân đạo Hồng Đức dạy nghề, tạo việc làm cho trẻ em và những người kém may mắn. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vào tháng 9/1973.

Tiếp tục truyền thông về chính sách chăm lo người có công

Phát biểu tại buổi lễ tưởng niệm, tôn vinh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại con số hàng triệu người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống, đổ xương máu trong suốt lịch sử “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa” của dân tộc qua hai cuộc kháng chiến cứu nước.

Ông gửi lời chào mừng, tri ân tới 450 đại biểu người có công tiêu biểu, đại diện cho hàng triệu người có công với cách mạng cả nước tham dự lễ tưởng niệm, tuyên dương năm nay.

Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ diễn ra trong bối cảnh cả nước vừa trãi đại dịch Covid-19 với những di chứng nặng nề với đời sống xã hội. Cả nước đã một lần nữa đồng lòng, đoàn kết cùng tiến hành cuộc đấu tranh, chiến đấu với dịch bệnh.

người có công

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh và người có công. Ảnh: M.Q

Qua cuộc chiến này, nhiều tấm gương quân dân đã được nêu bật lên, về tinh thần của những người lính trong thời bình, trong đó có những gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công. Đó là những tấm gương vượt lên thương tật, tiếp tục nỗ lực đóng góp để cùng phát triển, xây dựng đất nước.

“Ý chí tự lực tự cường, nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ và người có công, như các đại biểu người có công tiêu biểu năm 2022, trở thành những tấm gương vượt lên thương tật, khó khăn, hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực trí tuệ, nỗ lực sản xuất, công tác, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp” – Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại, thời gian qua, cả nước đã chứng kiến nhiều tấm gương các cán bộ, cựu chiến binh trong các gia đình thương binh, liệt sĩ, các gia đình chính sách vượt khó khăn để sản xuất, kinh doanh giỏi, nuôi dạy con cháu trưởng thành, đồng thời tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, chủ động mở rộng phong trào thi đua ở địa phương, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn.

Người lãnh đạo đứng đầu Nhà nước nhấn mạnh, đó là những tấm gương bình dị mà cao cả, tỏa sáng, nhất là trong những thời điểm thiên tai, dịch bệnh, góp phần làm rạng rỡ, vinh danh 2 tiếng Việt Nam, khiến bạn bè quốc tế trân trọng, ghi nhận, khâm phục.

Nhấn mạnh đạo lý tốt đẹp truyền thống nghìn đời của dân tộc Việt Nam là “uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, 75 năm qua, phong trào đền ơn đáp nghĩa luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm.

Cả nước đã huy động nguồn lực to lớn từ ngân sách và cả cộng đồng, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như tặng nhà tình nghĩa, xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc thương binh nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ, con liệt sĩ, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng… Những hoạt động này thể hiện tình cảm trách nhiệm mang lại hiệu quả to lớn cho xã hội.

Mới đây, Nhà nước đã dành trên 400 tỷ đồng tặng quà cho người có công với cách mạng nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7.

Trong không khí kỷ niệm, Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương trên cả nước tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình người có công; coi công tác này là trách nhiệm, tình cảm, vinh dự và mệnh lệnh từ trái tim.

Thực hiện tốt chính sách với người có công, xây dựng xã hội giàu lòng nhân ái, nhân văn, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc… góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, đồng thời cần dành sự chú tâm cao hơn, chăm lo cho người có công với cách mạng, người khó khăn, người già cô đơn không nơi lương tựa…

Thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người có công để kiến nghị với các cấp có thẩm quyền; kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan, bảo đảm quyền lợi người có công với cách mạng.

Chủ tịch nước chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kỹ thuật tiên tiến cập nhật lưu trữ thông tin liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công.

“Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, người có công với đất nước đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ tổ quốc. Xin chúc các thương binh, bệnh binh, các gia đình liệt sĩ, người có công luôn mạnh khỏe, hạnh phúc; tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đặc biệt là tham gia vào phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam giàu đẹp”, Chủ tịch nước chốt lại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem