Gần 2.000 con gia súc chết rét, thiệt hại hơn 20 tỷ đồng, ngành chức năng tỉnh Sơn La lên tiếng

Tuệ Linh - Mùa Xuân Thứ bảy, ngày 26/02/2022 06:00 AM (GMT+7)
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La, tỉnh này đã có 1.987 con gia súc bị chết rét, thiệt hại trên 20 tỷ đồng. Trong đó huyện Bắc Yên là nơi chịu thiệt hại nặng nhất với hơn 500 con gia súc bị chết. Ngành chức năng tỉnh Sơn La đã lên tiếng về vấn đề này.
Bình luận 0

Trong đợt rét đậm, rét hại, băng giá kéo dài trên địa bàn tỉnh Sơn La từ ngày 20/2 đến cuối giờ chiều ngày 25/2, huyện Bắc Yên là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất, với 587 con gia súc chết rét. Ước tính thiệt hại hơn 7 tỷ đồng.

Gần 2.000 con gia súc chết rét, Sơn La thiệt hại hơn 20 tỷ đồng 

Ông Thào A Chang, bản Suối Hào, xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên chia sẻ: Năm nay rét đột ngột quá, gia đình tôi đã bị chết 3 con bò rồi, tôi cũng không ngờ thời tiết lại rét thấu xương như vậy. Mấy ngày qua rét quá lại kèm theo mưa nên đã cướp đi những con vật nuôi của tôi, mất trắng hơn 20 triệu đồng.

Gần 2.000 con gia súc chết rét, ngành chức năng tỉnh Sơn La lên tiếng - Ảnh 1.

Những con gia súc chết rét trong đợt rét đậm, rét hại từ ngày 20 đến ngày 24/2 chủ yếu là những con trâu, bò già yếu và con non. Ảnh: Mùa Xuân.

"Gia đình tôi khó khăn lắm, đó là một khối gia sản với gia đình tôi, tôi buồn và rất đau xót. Tôi mong muốn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước để vơi bớt phần nào khó khăn", ông Chang nói trong nước mắt.

Ông Đinh Văn Lan, Trưởng bản Mong, xã Song Pe bảo: Đợt rét lần này bản Mong có hơn 20 hộ dân thiệt hại về vật nuôi, với hơn 150 con bò, dê bị chết. Các hộ bị thiệt hại về vật nuôi chủ yếu là hộ gia đình khó khăn, hộ nghèo. Hiện bà con cũng muốn được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để sớm vượt qua khó khăn.

Bà Trịnh Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên (Sơn La) cho biết: Hiện UBND huyện đang tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện xuống cơ sở để tập trung rà soát số lượng gia súc bị chết rét đảm bảo kịp thời, chính xác, tránh tình trạng trục lợi chính sách.

Gần 2.000 con gia súc chết rét, ngành chức năng tỉnh Sơn La lên tiếng - Ảnh 2.

Huyện Bắc Yên là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất về gia súc trong đợt rét đậm, rét hại từ ngày 20 đến ngày 24/2. Ảnh: Mùa Xuân.

Theo bà Phượng, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã thành lập tổ công tác xuống bản tìm hiểu rõ nguyên nhân gia súc bị chết rét trong mấy ngày qua, lấy đó làm căn cứ để có chính sách hỗ trợ các hộ chăn nuôi đảm bảo theo quy định. Chủ tịch UBND các xã chịu trách nhiệm trước UBND huyện về việc thống kê, xác nhận số lượng gia súc bị chết rét.

Đồng thời, chỉ đạo phòng NNPTNT của huyện đối chiếu số gia súc bị chết rét của người chăn nuôi để xem xét hỗ trợ thiệt hại khi đáp ứng tất cả các điều kiện theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ.

"Về chính sách hỗ trợ người dân, huyện sẽ thực hiện theo phương châm "4 tại chỗ". Đó là khi đã xác định rõ được nguyên nhân số lượng gia súc bị chết rét đúng theo quy định huyện sẽ dùng nguồn quỹ từ Quỹ dự phòng phòng chống thiên tai cấp huyện, xã và huy động nguồn xã hội hóa nếu có để hỗ trợ người dân sớm nhất.

Gần 2.000 con gia súc chết rét, ngành chức năng tỉnh Sơn La lên tiếng - Ảnh 3.

Người dân xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên chở gia súc chết rét đi bán. Ảnh: Mùa Xuân.

"Trong trường hợp nguồn ngân sách địa phương hạn chế, huyện sẽ kiến nghị, đề xuất lên các cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại về vật nuôi do rét đậm, rét hại gây ra", Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên thông tin.

Ngành chức năng tiết lộ nguyên nhân hàng nghìn con gia súc chết rét

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sơn La cho biết: So với các tỉnh Tây Bắc, Sơn La là tỉnh thiệt hại nặng nhất.

Mặc dù trước đó các cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến huyện đều văn bản gửi các cơ quan, đơn vị; UBND các xã, thị trấn về việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét cho vật nuôi; nhưng số lượng gia súc chết trong đợt rét này vẫn lên đến hàng nghìn con.

"Tỉnh, huyện đã chỉ đạo, đôn đốc từ tháng 6, 9, 10 năm 2021 rồi. Hằng năm đều làm. Cùng với đó, UBND các huyện cũng đã chỉ đạo các xã và thành lập các đoàn đi kiểm tra. Tuy nhiên, việc triển khai, thực hiện tại cơ sở còn bất cập. Qua đi kiểm tra, chúng tôi vẫn còn phải đôn đốc rất nhiều. Một số nơi chưa thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống, đói rét cho gia súc như che chắn chuồng trại, ủ thức ăn chưa tốt", ông Toàn nói.

Gần 2.000 con gia súc chết rét, ngành chức năng tỉnh Sơn La lên tiếng - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sơn La trao đổi với phóng viên Dân Việt. Ảnh: Tuệ Linh.

Nói về nguyên nhân, theo ông Toàn, thứ nhất là do thời tiết thay đổi đột ngột sau Tết, kết hợp trời mưa, gió, nhiệt độ xuống quá thấp. Cụ thể: Nhiệt độ tại xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên 0 độ C; ở những vùng khác dao động từ 3 – 5 độ C.

Thứ hai, đợt rét đậm, rét hại vừa rồi, số lượng gia súc chết nhiều lại tập trung ở các xã dọc bờ sông (xã Song Pe, huyện Bắc Yên – pv) chứ không phải những xã vùng cao như Tà Xùa, Háng Đồng. Những năm trước, gia súc chết chủ yếu ở vùng cao nên các hộ chăn nuôi ở bờ sông chủ quan, không nghĩ nhiệt độ lại xuống thấp như đợt rét vừa rồi.

Thứ ba, người dân vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc bảo vệ tài sản của mình. Bà con có tập quán chăn thả gia súc trên bãi thả, trên núi, không di chuyển về chuồng trại trong mùa lạnh. Hoặc có lùa gia súc về nhà tránh rét nhưng số lượng rất ít nên những con già yếu, con non bị chết nhiều.

Giải pháp phòng, chống rét cho gia súc: Chống rét tại chỗ là chính

Theo Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sơn La, đối với nhiều hộ chăn nuôi có từ 20 – 30 con trâu, bò, bà con di chuyển gia súc về nhà tránh rét rất khó khăn. Bởi ở nhà thiếu thức ăn, diện tích chuồng trại không đủ để nhốt hàng chục con gia súc.

"Bãi thả có thuận lợi là thức ăn dồi dào, diện tích rộng. Vì vậy giải pháp là phải tuyên truyền cho người dân chống rét tại chỗ là chính, có chuồng trại ở bãi thả đảm bảo đầy đủ các điều kiện phòng, chống rét. Các hộ dân phải có chuồng trại nuôi nhốt, đặc biệt là vào ban đêm, nhất là những ngày nhiệt độ xuống thấp. Chuồng trại che chắn kín; nền chuồng phải khô ráo, địa điểm phù hợp.

Bên cạnh đó, phải cung cấp thức ăn, nước uống đầy đủ cho đàn gia súc. 

"Theo tìm hiểu, đợt rét vừa rồi gia súc chết nhiều một phần cũng là do chết đói; nước phải là nước ấm pha muối để tăng cường điện giải cho gia súc. Ngoài thức ăn thô xanh bình thường, phải bổ sung thức ăn tinh cho ăn cám, bột ngô cho gia súc", ông Toàn chia sẻ.

Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sơn La cho biết thêm: Có một thực tế là người dân vùng cao nuôi gia súc với tổng đàn rất nhiều, nhưng việc tiêu thụ của người dân rất ít. Đối với vùng thấp thì người dân đã chăn nuôi theo hướng hàng hoá, nhưng ở vùng cao nhiều chỗ bà con cứ nuôi mãi mà không bán nên để già, sức khoẻ yếu lại chết rét mà lại không tạo ra được giá trị. 

Vì vậy, tỉnh Sơn La động viên, khuyến khích người dân tăng cường trao đổi buôn bán, đưa tư duy giá trị vào chăn nuôi để tạo thu nhập, góp phần hạn chế việc gia súc chết rét.

Kiểm soát chặt trong việc hỗ trợ thiệt hại trâu bò chết rét

Về chính sách hỗ trợ thiệt hại để từng bước giúp bà con khôi phục sản xuất, theo ông Toàn, căn cứ Nghị định 02/2017/NĐ-CP để hỗ trợ. Để được hưởng chính sách này, các hộ chăn nuôi phải đáp ứng các điều kiện là chăn nuôi không trái với quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất nông nghiệp của chính quyền địa phương.

Có đăng ký kê khai ban đầu và được UBND cấp xã xác nhận đối với chăn nuôi tập trung (trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã) hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch (nếu có). Các hộ chăn nuôi tập trung kê khai trong thời gian 15 ngày kể từ khi bắt đầu chăn nuôi. Trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được bản kê khai, UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận vào kê khai.

Thiệt hại xảy ra khi các hộ đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng, chống đói, rét theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương. Trong thời gian xảy ra thiệt hại phải được Ban Chỉ huy PCTT&TKCN địa phương xác nhận. Nếu người dân không thực hiện các biện pháp hỗ trợ phòng, chống rét dẫn đến gia súc bị chết thì sẽ khó nhận được hỗ trợ.

Để tránh trục lợi trong hỗ trợ, ông Toàn cho rằng: Khi thực hiện hỗ trợ, phải có thống kê cụ thể, rõ ràng chứ không phải báo con số rồi hỗ trợ. Phải áp dụng rất chặt Nghị định 02/2017/NĐ-CP, chứ không thể cứ nghe người dân gọi điện là hỗ trợ ngay là không được.

Phải có kiểm tra giám sát, có bằng chứng thực tế. Các huyện phải cử các đoàn công tác có lãnh đạo huyện, phòng NNPTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và cơ quan ban ngành đi thực tế cơ sở để thống kê danh sách.

Đến nay, tổng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh Sơn La gồm: Đàn trâu 123.462 con; đàn bò thịt 338.260 con; đàn bò sữa 29.150 con; đàn lợn 640.896 con; đàn ngựa 6.422 con; đàn dê 168.675 con.

Theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP, mức hỗ trợ đối với một số đối tượng gia súc bị thiệt hại do thiên tai như sau: Trâu, bò thịt, ngựa đến 6 tháng tuổi, hỗ trợ 500.000 - 2.000.000 đồng/con; trên 6 tháng tuổi, hỗ trợ 2.100.000 - 6.000.000 đồng/con. Hươu, nai, cừu, dê hỗ trợ 1.000.000 - 2.500.000 đồng/con.

Bê cái hướng sữa đến 6 tháng tuổi, hỗ trợ 1.000.000 - 3.000.000 đồng/con; bò sữa trên 6 tháng tuổi, hỗ trợ 3.100.000 - 10.000.000 đồng/con. Lợn đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 300.000 - 400.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 450.000 - 1.000.000 đồng/con; lợn nái và lợn đực đang khai thác, hỗ trợ 2.000.000 đồng/con…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem