Gà là con vật gần gũi nhất với người Việt. Trong 12 con giáp thì gà là con vật đặc biệt nhất vì chỉ có duy nhất gà là thuộc loại chim. Gà có một thân hình nhẹ nhàng nhưng bộ xương lại rắn chắc.
Theo định nghĩa, gà là một loại chim được người ta nuôi như một loại gia cầm để lấy thịt và trứng. Trước khi về sống chung với loài người thì gà sống hoang dã nơi rừng sâu núi thẳm mà ta quen gọi là gà rừng. Gà ăn đủ loại từ thực vật như hoa quả, rau cỏ, ngũ cốc, đậu hột cho đến động vật như sâu bọ, côn trùng, tép cá… nên dễ nuôi, môi trường nào cũng sống được.
Gà là vật nuôi chủ lực để phát triển kinh tế. Người có điều kiện thì đầu tư trang trại lớn, chỗ chật hẹp chỉ cần một khoảng không gian cũng nuôi được mấy con gà. Gà nuôi theo công nghệ hiện đại cũng tốt, thả hoang dã cũng cho hiệu quả cao.
Gà cung cấp nguồn thịt dồi dào hơn hết so với các con vật khác. Hàng năm, thế giới sử dụng khoảng 8 tỉ con gà làm thực phẩm. Tại Mỹ, mỗi năm một người thường ăn khoảng 15kg thịt và khoảng 300 trứng gà. Ở Việt Nam, từ thành thị tới thôn quê, thịt gà luôn là món khoái khẩu, thiết yếu.
Gà là con đặc sản gắn với mỗi vùng miền: Gà chín cựa, gà Hồ, gà Đông Tảo, gà Mía... là những giống gà độc đáo vốn được coi là sản vật "tiến vua" nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Từ giới giàu có, chốn nhà hàng cho tới mỗi bữa ăn gia đình, thịt gà luôn là lựa chọn không cần bàn cãi.
Không chỉ mang giá trị kinh tế, gà còn là biểu tượng của sức sống, nghị lực. Gà trống được người xưa xem là biểu tượng cho lòng can đảm, chí khí và Gà mái được xem là đem lại sinh sôi nảy nở và biểu tượng cho tình mẫu tử bao la, sự chở che, đầm ấm. Hai hình ảnh đó đã đi vào thi ca, nhạc họa, in sâu vào tâm thức mỗi người dân Việt.
Gà còn đặc biệt bởi sở hữu tiếng gáy. Gà sống nơi mặt đất, chốn tối tăm nhưng tiếng gáy vang trời. Tiếng gà gáy như tin báo một ngày bình yên đến với làng mạc. Với những người tha hương, tiếng gà như mời gọi cội nguồn.
Ngày nay, trong xu thế đô thị hóa, những làng quê cứ lùi xa nhường chỗ cho phố xá. Những cây rơm, lũy tre ít dần, tiếng gà cũng trở nên thưa vắng. Đôi khi, nghe tiếng gà từ bên kia thành phố vọng lại chợt thấy nao lòng, vời vợi một thời tuổi thơ đầy kỷ niệm.
Âm hưởng tiếng gà gáy đã dội vào cảm thức, gợi lên nỗi xao xuyến, bồi hồi, khiến những người xa quê không khỏi nhớ nhung, khắc khoải. Tiếng gà gáy còn đi vào trong âm nhạc và thi ca. Bởi thế, âm hưởng tiếng gà gáy được ví như khúc nhạc giao hòa giữa con người và thiên nhiên.
Trong tâm thức của người Việt, những tiếng gà gáy cất lên mỗi sớm mai đâu chỉ là chiếc đồng hồ báo thức của tạo hóa, mà còn là biểu tượng của cuộc sống thanh bình, no ấm, hứa hẹn ngày mới tốt đẹp. Một tiếng gà vang lên giữa phố xá càng gợi nhớ ký ức làng quê với những kỷ niệm đã lùi xa trong quá khứ mà vẫn hiện về nguyên vẹn trong tâm hồn mỗi con người.
Tiếng gà gáy đầu xuân còn như lời chúc phúc, thúc giục khát vọng vươn lên trong một năm mới tràn đầy hy vọng. Tiếng gà vang vọng khơi dậy sức bật từ đất đai, ruộng vườn, khơi dậy tiềm năng, nguồn lực từ nông nghiệp để nhà nông vững tâm thế bước vào một năm mới bội thu!