Đường xe lửa từ Sài Gòn vươn ra phía Bắc và lên cao nguyên

Thứ tư, ngày 25/07/2018 19:31 PM (GMT+7)
Việc hoàn thành đường xe lửa từ Saigon đi Ma Lâm, Phan Thiết và đi Tour Cham-Xóm Gòn và từ đó đi Đà Lạt đã mở đầu cho làn sóng người Âu và Việt định cư lên Đà Lạt và cao nguyên Lang Biang.
Bình luận 0

Hơn 100 năm trước, người Pháp đã xây dựng hệ thống giao thông đa phương thức và liên hoàn giữa xe lửa, xe buýt, xe điện, bến cảng… ở ngay trung tâm Sài Gòn. Tạp chí Khám phá trân trọng giới thiệu loạt bài của tác giả Nguyễn Đức Hiệp về những tuyến đường sắt đầu tiên ở Việt Nam, thậm chí là tuyến đường sắt đầu tiên ở Đông Dương. Những tuyến hỏa xa nối vùng đô hội Sài Gòn với các địa phương từ phía Bắc xuống phía Nam, tạo nên một diện mạo giao thông mới của vùng đất này hồi đầu Thế kỷ 20.

Ngày 13.3.1905, Toàn quyền Beau, cho phép công ty CFTI của ông Lecarde nối đường Sài Gòn-Khánh Hoà ở cây số 7 đến trạm depot gần ga Gò Vấp của công ty Compagnie des tramways de Govap (công ty con của CFTI) phục vụ đường Sài Gòn-Gò Vấp. Đường Sài Gòn-Gò Vấp là đường tạo ra nhiều lãi cho công ty CFTI. Ở đây ta cũng thấy một phần là do sự ưu đãi thuận lợi từ chính quyền.

img

Sài Gòn-Khánh Hoà

Toàn quyền Paul Doumer tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế Đông Dương. Ông đặc biệt chú ý đến hệ thống đường xe lửa từ Bắc kỳ, Trung kỳ đến Nam kỳ. Ở Nam kỳ, đường xe lửa Sài Gòn-Nha Trang (Khánh Hoà) được khởi công xây dựng vào năm 1901. Đường này do công ty chính phủ Chemin de fer de l’Indochine (CFI) xây và điều hành.

Đến năm 1908, đường xe lửa Sài Gòn-Khánh Hoà dài 89km từ Sài Gòn đến Bảo Chánh. Từ đây nối thêm đến Phan Thiết, Phan Rang và Nha Trang băng qua các khu rừng.

img

Ngày 15.1.1910, đoạn đường dài 55km nối Sông Dinh đến Mường Mán và Phan Thiết được khai trương. Đoạn từ Phan Thiết đến Phan Rang, Bang Hoi và Nha Trang dài 228km được xúc tiến xây và dự định hoàn thành đoạn từ Phan Rang đến Nha Trang vào cuối năm 1911 và đoạn Phan Thiết đến Phan Rang và nhánh đi từ Phan Rang đến Xóm Gòn (38km) đến năm 1914.

Đến năm 1913 thì đường xe lửa Sài Gòn-Nha Trang được thông suốt.

Không lâu sau đó là giai đoạn khởi công xây đoạn đường từ Tour Cham, Phan Rang lên cao nguyên Lang Bian, Đà Lạt qua Xóm Gòn. Việc hoàn thành đường xe lửa từ Sài Gòn đi Ma Lâm, Phan Thiết và đi Tour Cham-Xóm Gòn và từ đó đi Đà Lạt đã mở đầu cho làn sóng người Âu và Việt định cư lên Đà Lạt và cao nguyên Lang Biang.

img

Theo Nguyễn Thế Anh và Hoàng Xuân Hãn, trong một bài trên tập san Sử Địa năm 1971 số đặc khảo về Đà Lạt, vào năm 1915, người Âu bắt đầu đổ xô lên Đà Lạt. Và Đà Lạt đã trở thành thành phố nghĩ dưỡng đẹp và có tiếng nhất Đông Dương mà khởi đầu là do đường hoả xa mang đến.

Đường xe lửa từ Tour Cham đến Đà Lạt là đoạn đường xe lửa độc đáo ở Đông Dương với nhiều thắng cảnh với đầu máy kéo và đường ray đặc biệt để lên độ dốc cao. Tiếc thay đường xe lửa này đã không còn hoạt động.

Sài Gòn có một lịch sử lâu đời về đường xe lửa, là nơi có đường xe lửa đầu tiên ở Đông Dương. Đường xe lửa đã để lại nhiều ký ức kinh tế, văn hoá và xã hội trong người dân Sài Gòn nói riêng và Nam bộ nói chung.

Bản đồ Sài Gòn sau năm 1946 thì đường tramway Sài Gòn-Gò Vấp không còn đoạn dọc bến Bạch Đằng và đường Tôn Đức Thắng.

Theo anh Tim Doling, một nhà nghiên cứu về Sài Gòn, do sự tranh chấp giữa công ty CFTI và chính quyền Sài Gòn từ năm 1955 thì đường xe điện tramway ở Sài Gòn, kể cả đường Sài Gòn-Gò Vấp ngưng hoạt động, bỏ hoàn toàn vào năm 1957 và được thay thế bằng hệ thống xe buýt.

img

Chỉ còn lại một vài vết tích hiện vật để lại về giai đoạn lịch sử đắc sắc này, trong đó có nhà hoả xa của công ty CFI ở bùng binh Sài Gòn và một phần còn lại của nhà ga Mỹ Tho xưa.

Ngày nay giao thông xe lửa bắt đầu trở lại Sài Gòn, đó là một sự kiện có ý nghĩa. Một thành phố lớn như Sài Gòn phải có hệ thống xe lửa công cộng xứng đáng với tầm vóc của nó, giống như Sài Gòn của hơn 100 năm về trước.

Hệ thống metro xe lửa như vậy không chỉ có lợi ích to lớn về kinh tế mà còn cho một môi trường sống có chất lương, ít ô nhiễm không khí và tiếng ồn. Song song với sự phát triển đầy ý nghĩa này, chúng ta cũng nên giữ lại những gì còn sót lại của Sài Gòn xưa, của một thời hoàng kim trong lịch sử đường xe lửa ở Việt Nam.

PV (Khám Phá)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem