dd/mm/yyyy

Du lịch trang trại, mô hình mới tiềm năng

Trong bối cảnh đầu ra của sản phẩm chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, việc phát triển các trang trại gắn với du lịch sinh thái được đánh giá là hướng đi mới và tiềm năng.

Mô hình trang trại giáo dục Edufarm

Ở ngay ngoại thành Hà Nội, hầu như cuối tuần nào, trang trại giáo dục Edufarm, nay gọi là Học viện Edufarm tại xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ cũng tất bật đón hàng trăm khách du lịch tới thăm, chủ yếu là các em học sinh, sinh viên.

Khách tham quan trang trại Edufarm.
Khách tham quan trang trại Edufarm.

Khuôn viên hơn 4ha của trang trại được phủ đầy màu xanh của cây cối, hoa lá và bố trí các khu tái hiện đầy đủ nét đặc trưng của nông nghiệp, nông thôn Bắc Bộ. Đó là khu văn hóa nhà Việt, thảm thực vật, đa dạng động vật trong nông nghiệp, đa dạng côn trùng, thủy hải sản... Đáng chú ý nhất là thảm thực vật bao gồm hơn 700 loại cây đại diện cho vùng nhiệt đới gió mùa gồm các loại cây ăn quả, cây lấy hạt, cây lấy củ, vườn cây thuốc Nam, khu trồng rau hữu cơ. Ngoài ra, khu nuôi và bảo tồn các giống vật nuôi như gà, vịt, lợn, bò cũng thu hút sự quan tâm của du khách.

TS Sử Thanh Long (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), người sáng lập Edufarm cho biết, trang trại được mở ra phục vụ cho tất cả các lứa tuổi tìm hiểu về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là giới thiệu về các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, bền vững, thân thiện với môi trường. Đối với các em nhỏ, nhất là trẻ em TP có cơ hội khám phá thế giới tự nhiên và tìm hiểu về các loại cây, con gắn liền với sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, trang trại thường xuyên cập nhật những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất để chuyển giao vào sản xuất. Do có nhiều điểm thú vị nên dù mới đi vào hoạt động nhưng trang trại đón khá đông khách tới tham quan, học tập.

Thêm nhiều mô hình trang trại du lịch sinh thái

Ngoài Edufarm, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội cũng đã xuất hiện một số mô hình trang trại du lịch sinh thái, trang trại giáo dục như nông trại hữu cơ Tuệ Viên (Long Biên), trang trại Đồng Quê (Ba Vì), trang trại Vườn chim Việt (huyện Thanh Trì), vùng trồng rau hữu cơ xã Thanh Xuân (Sóc Sơn)… Bà Hoàng Thị Hậu – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn cho biết, địa phương xác định phát triển sản xuất rau hữu cơ gắn với du lịch sinh thái là một trong những hướng đi quan trọng để mở rộng đầu ra cho sản phẩm.

Ông Tạ Văn Tường – Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết, TP.Hà Nội có rất nhiều làng nghề và sản vật nông nghiệp phong phú, đa dạng. Thêm vào đó, lượng khách du lịch đến Thủ đô hàng năm cũng khá đông. Trong khi đó, nhiều trang trại, HTX hiện nay sản xuất ra nông sản dù đảm bảo chất lượng, ATTP nhưng đầu ra cho sản phẩm vẫn gặp nhiều khó khăn. Câu chuyện về tắc đầu ra đối với sản phẩm thịt lợn thời gian qua là một ví dụ điển hình. Do đó, nếu phát triển được hệ thống trang trại du lịch sẽ mở rộng được đầu ra cho nông sản và sản phẩm làng nghề.

Theo ông Tường, với điều kiện đặc thù của Thủ đô, Hà Nội rất cần phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, nhất là xây dựng các trang trại kết hợp với du lịch, trang trại giáo dục, trang trại chia sẻ. Đây cũng là tiềm năng, lợi thế và hội đủ tất cả những yếu tố để thành công của Hà Nội, bởi hiện nay, TP có số lượng trang trại lớn, trong đó nhiều trang trại diện tích hàng chục héc ta. “Chỉ cần trang trại nuôi trồng tổng hợp, có khu ăn nghỉ dừng chân và bán hàng lưu niệm, nông sản với chất lượng tốt, giá rẻ sẽ thu hút được đông khách du lịch. Đặc biệt hiệu quả hơn nếu liên kết với các công ty du lịch tổ chức các tour du lịch sinh thái, trải nghiệm”, ông Tường chia sẻ.

Nắm bắt xu thế này, mới đây, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội vừa tổ chức cho lãnh đạo Phòng Kinh tế, chủ trang trại của một số quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP đi tham quan, học tập mô hình phát triển trang trại theo chuỗi khép kín và trang trại gắn với du lịch. Mục đích của chuyến thực tế nhằm giúp cho lãnh đạo, chủ trang trại các huyện, thị xã nắm bắt, học tập nhân rộng mô hình chăn nuôi theo chuỗi ATTP, phát triển trang trại gắn với du lịch. Qua đó nâng cao thu nhập bền vững cho người dân nông thôn.

XEM THÊM
>> Mô hình trang trại giáo dục "ươm mầm" ước mơ nghề nông
>> Một ngày của bé tập làm nông dân

Thắng Văn