Dư cung, giá đường đầu năm tiếp tục chịu sức ép lớn

24/02/2023 10:41 GMT+7
Tình trạng dư cung đường vẫn tiếp diễn sang các tháng đầu năm 2023 nên giá đường vẫn ở mức thấp. Đường nhập khẩu chính ngạch và đường nhập lậu hiện đang làm chủ thị trường.

Cầu thấp, cung đường lại tăng vọt

Tháng 1/2023 là thời điểm Tết Quý Mão, sức cầu đường giảm thấp. Tuy nhiên nguồn cung đường lại tăng vọt với sự xuất hiện đồng thời nhiều nguồn đường. 

Mặc dù trùng với giai đoạn Tết âm lịch nhưng nhiều vụ việc gian lận thương mại đường nhập lậu vẫn tiếp diễn và bị phát hiện tại nhiều địa phương trong cả nước.

Dư cung, giá đường đầu năm tiếp tục chịu sức ép lớn - Ảnh 1.

Tháng 1/2023 là thời điểm Tết Quý Mão, sức cầu đường giảm thấp. Tuy nhiên nguồn cung đường lại tăng vọt với sự xuất hiện đồng thời nhiều nguồn đường.

Theo VSSA, nửa đầu tháng 1, đường vụ cũ vẫn còn và đường của vụ ép mới 2022-2023 đã đưa ra thị trường nhưng không cạnh tranh được với đường có nguồn gốc nhập khẩu. Ngoài đường nhập lậu còn có đường nhập khẩu từ Indonesia, Myanmar, Lào, Australia (đường trong hạn ngạch nhập khẩu bổ sung) và các loại đường nguồn gốc nhập khẩu đã hoàn toàn làm chủ thị trường. 

Nửa sau tháng 1/2023 trùng với giai đoạn nghỉ Tết Quý Mão nên các giao dịch về đường không có. Giá đường sản xuất từ mía trong nước tùy phẩm cấp đường (chất lượng và cỡ hạt) giá (có VAT, đồng/kg) dao động ở mức như sau:

Dư cung, giá đường đầu năm tiếp tục chịu sức ép lớn - Ảnh 2.

Giá đường tại Việt Nam trong tháng 1/2023 (Đơn vị: đồng/kg đã bao gồm VAT. Nguồn: VSSA).

Dư cung, giá đường đầu năm tiếp tục chịu sức ép lớn - Ảnh 3.

Giá đường tại Việt Nam trong tháng 1/2023 (Đơn vị: đồng/kg đã bao gồm VAT. Nguồn: VSSA).

Như vậy, trong tháng 1/2023 so với giá đường thị trường nội địa trong khu vực bao gồm các nước sản xuất mía đường khối ATIGA, giá đường của Việt Nam đã ở mức thấp hơn hẳn so với các đồng nghiệp, đặc biệt chỉ khoảng 50% so với giá đường tại Philippines.

Dư cung, giá đường đầu năm tiếp tục chịu sức ép lớn - Ảnh 4.

So sánh giá đường trên thị trường nội địa các nước lân cận, quy đổi ra VND với 1 Rupiah Indonesia = 1,54 đồng; 1 Peso Philippines = 425 đồng (Đơn vị: đồng/kg. Nguồn: VSSA).

Năm 2022, số liệu xuất khẩu đường từ Thái Lan sang Campuchia và Lào (theo dữ liệu xuất khẩu của Thái Lan) cho thấy có sự gia tăng mạnh so với năm trước đó. Cụ thể, Campuchia đã nhập khẩu đường từ Thái Lan tăng 115% còn Lào còn nhập khẩu tăng đến mức 326% so với năm 2021.

Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong cả năm 2022 đường nhập khẩu từ Campuchia và Lào vào Việt Nam rất khiêm tốn.

Như vậy, trong năm 2022, tổng lượng đường xuất khẩu từ Thái Lan vào Campuchia và Lào là hơn 1 triệu tấn, còn tổng lượng đường xuất khẩu chính ngạch từ Campuchia, Lào vào Việt Nam là gần 220.000 tấn. Theo đó, VSSA ước tính đường nhập lậu từ Campuchia, Lào vào Việt Nam trong cả năm 2022 là hơn 816.500 tấn.

Còn theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong cả năm 2022 đã ghi nhận đường nhập khẩu vào Việt Nam như sau:

Dư cung, giá đường đầu năm tiếp tục chịu sức ép lớn - Ảnh 5.

Lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam trong năm 2022 (Đơn vị: tấn).

Trong giai đoạn tháng 1/2023, mặc dù trùng với giai đoạn Tết âm lịch Quý Mão, nhiều vụ việc gian lận thương mại đường nhập lậu đã tiếp tục bị phát hiện tại nhiều địa phương trong cả nước. Tại Bình Dương, công an thị xã Bến Cát phát hiện 4 ôtô đầu kéo và thùng xe đang chở tổng cộng 130 tấn đường loại 50 kg/bao, trên bao bì in chữ nước ngoài. Tại thời điểm kiểm tra, các tài xế chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ hợp pháp của số đường nói trên.

Tại Đồng Tháp, ngày 15/1, cơ quan chức năng phát 104 bao đường kết tinh (loại 50kg/bao, tổng cộng 5.200 kg) nhãn hiệu WHITE SUGAR do Thái Lan và Campuchia sản xuất, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Theo VSSA, các cơ sở sang chiết đóng gói đường tại các địa phương hoạt động rất mạnh trong giai đoạn trước và sau Tết. Tuy nhiên hầu hết nguồn đường của các cơ sở này đều không phải đường sản xuất từ mía trong nước. Các lực lượng chức năng quản lý thị trường đã phát hiện rất nhiều trường hợp gian lận thương mại đường nhập lậu tại các cơ sở này nhưng hình thức xử lý chỉ là phạt hành chính nên không có tác dụng răn đe, sau đó các hoạt động lại tiếp tục diễn biến như trước.

Theo VSSA, so với lượng đường nhập khẩu cùng kỳ năm 2021 gần 1,5 triệu tấn, lượng nhập khẩu năm 2022 khoảng 83,5% cho thấy bất chấp việc Việt Nam đã áp dụng các biện pháp Phòng vệ thương mại lượng đường nhập khẩu giảm không đáng kể. 

Đường sản xuất từ mía chỉ là một trong các nguồn cung đường, ngoài ra còn có đường nhập khẩu chính ngạch và đường nhập lậu, ước tính tổng các nguồn cung đường cho cả năm 2022 như sau: 

Dư cung, giá đường đầu năm tiếp tục chịu sức ép lớn - Ảnh 6.

Như vậy ước tính tổng các nguồn cung đường năm 2022 gần 2,8 triệu tấn lớn nhiều so hơn tổng cầu trong khoảng 2,1-2,3 triệu tấn nên cân đối cung cầu đường là là thừa cung cho năm 2022. 

Tình trạng thừa cung đường sẽ tiếp diễn sang các tháng đầu năm 2023, vì thời điểm quý I/2023 là thời điểm chính vụ ép mía 2022-2023 trong khi các nguồn cung đường có nguồn gốc nhập khẩu vẫn đang tiếp tục đưa đường vào thị trường. 

VSSA cho rằng điều này sẽ làm tăng sự mất cân đối cung-cầu khiến cho việc tiêu thụ đường sản xuất từ mía càng thêm khó khăn có thể dẫn đến phải tồn kho đường từ mía hoặc giảm giá bán đường dưới giá thành để có tiền thanh toán tiền mía hoặc giảm giá mua mía của nông dân; dẫn đến hệ quả là hủy hoại chuỗi liên kết mía đường giữa nông dân và nhà máy.

Giá đường tại thị trường Việt Nam những tháng đầu năm 2023 sẽ tiếp tục chịu sức ép lớn từ đường nhập khẩu chính ngạch và đường gian lận nhập lậu và sẽ ở mức thấp hơn so với giá đường của các quốc gia trồng mía khối ATIGA (Indonesia, Philippines).

Dư cung, giá đường đầu năm tiếp tục chịu sức ép lớn - Ảnh 7.

Dư cung, giá đường đầu năm tiếp tục chịu sức ép lớn

Trên thị trường thế giới, tính đến cuối tháng 1/2023, sản lượng đường tại khu vực Trung Nam Brazil đạt 33,5 triệu tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ niên vụ trước.

Trong khi đó, dự báo mới nhất về sản lượng đường của Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu đường thứ hai thế giới, sẽ sụt giảm trong niên vụ 2022-2023, do lượng mía chuyển sang sản xuất ethanol.

Về giá cả, trong tháng 1, giá đường thô trung bình giảm xuống 18,87 USD cents/lb, còn đường trắng ở mức 541,63 USD/tấn, tăng so với tháng trước. 

Theo Tổ chức Đường Quốc tế (ISO), giá đường tháng 1/2023 tăng lên mức cao nhất trong 6 năm gần đây do nguồn cung đường dự báo có khả năng sẽ giảm xuất phát từ việc giảm xuất khẩu đường của Ấn Độ và lệnh cấm trong khu vực châu Âu (EU). 

Dư cung, giá đường đầu năm tiếp tục chịu sức ép lớn - Ảnh 8.

Diễn biến giá đường thế giới trong tháng 1/2023 (Nguồn: ISO. Đơn vị: cents/lb).

Trước đó, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã có công văn số 08 gửi Bộ Tài chính kiến nghị áp thuế MFN (tối huệ quốc) đối với các lô đường nhập khẩu do Công ty PT. Kebun Tebu Mas Indonesia sản xuất.

Công ty PT. Kebun Tebu Mas Indonesia là công ty duy nhất có sản phẩm đường xuất khẩu vào Việt Nam sau khi quyết định 1514 có hiệu lực.

Tuy nhiên, chỉ tính từ ngày quyết định 1514 có hiệu lực đến ngày 31/12/2022, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, khối lượng đường nhập khẩu do Công ty PT. Kebun Tebu Mas Indonesia sản xuất đã lên đến 165.652 tấn.

"Có dấu hiệu rõ ràng của hành vi gian lận xuất xứ trong hoạt động xuất khẩu đường sản xuất từ mía sang Việt Nam khi vượt quá gần 50% năng lực sản xuất đường từ mía", VSSA cho hay.

Loại đường gian lận xuất xứ này hiện đang tràn ngập thị trường, khiến cho đường sản xuất từ mía hầu như không thể tiêu thụ được và ước tính khối lượng đường gian lận xuất xứ 165.652 tấn nêu trên cũng có thể gây thất thu thuế tối thiểu khoảng 1.200 tỷ đồng.

Do đó, VSSA kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan thực hiện xác minh xuất xứ hàng hóa tại cơ sở sản xuất đối với các lô đường nhập khẩu do Công ty PT. Kebun Tebu Mas Indonesia sản xuất.

Đồng thời kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan hải quan tạm thời áp dụng thuế suất MFN theo quy định tại khoản 7 điều 19 Thông tư số 38 đối với lô hàng của công ty PT. Kebun Tebu Mas xuất khẩu vào Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

Không chỉ VSSA, trước nữa Bộ Công Thương cũng đã có công văn số 265 gửi Tổng cục Hải quan về việc tăng cường kiểm tra, xác minh xuất xứ các lô hàng nhập khẩu đường mía.

Theo rà soát của Bộ Công Thương, các lô hàng nhập khẩu đường từ Indonesia và Malaysia có dấu hiệu khai báo gian lận xuất xứ để lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại theo Quyết định số 1514. Do đó, Bộ Công Thương đã kiến nghị Tổng cục Hải quan tăng cường thẩm tra, xác minh xuất xứ đối với các lô hàng nhập khẩu đường từ Indonesia và Malaysia để truy thu thuế nếu phát hiện vi phạm.

 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục