Động lực vô cùng lớn thúc đẩy xuất khẩu cao su và sản phẩm cao su của Việt Nam từ EVFTA

04/01/2022 10:56 GMT+7
Liên minh châu Ân (EU) là một trong các thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được coi là cơ hội để nông sản Việt, đặc biệt là ngành cao su liên kết sâu rộng vào thị trường lớn, có giá bán cao này...

Động lực thúc đẩy xuất khẩu cao su 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính của Việt Nam (bao gồm cà phê, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu, gạo và chè) sang thị trường EU trong 11 tháng năm 2021 đạt khoảng 2,2 tỷ USD và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2020. 

Với kết quả này, EU là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất nước ta, chiếm 13,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính. 

Động lực vô cùng lớn thúc đẩy xuất khẩu cao su và sản phẩm cao su của Việt Nam từ EVFTA - Ảnh 1.

Rừng cao su ở Bình Dương mùa lá vàng. Nguồn: Red Doorz

Về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, tỷ trọng các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU cụ thể như sau: Cà phê (chiếm 42,2% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính sang EU), hạt điều (chiếm 33%), cao su (chiếm 7,9%), rau quả (chiếm 7,8%), hạt tiêu (chiếm 7,4%), gạo (chiếm 1,7%) và chè (chiếm 0,1%). Cơ cấu các mặt hàng nông sản của Việt Nam sang EU 11 tháng năm 2021 (% tính trị giá) 

Về thị trường xuất khẩu sang các nước thành viên EU, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu nông sản sang các thị trường chủ lực của Việt Nam tại khu vực EU đều tăng trưởng tích cực hoặc chỉ giảm nhẹ: Đức (chiếm 28,8% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính của Việt Nam sang EU, đạt 641 triệu USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2020), Hà Lan (chiếm 22,5%, đạt 500 triệu USD, tăng 1,9%), Italy (chiếm 12,8%, đạt 285 triệu USD, tăng 3,2%), Tây Ban Nha (chiếm 9%, đạt 202 triệu USD, giảm nhẹ 0,6%), Pháp (chiếm 6,4%, đạt 142 triệu USD, tăng 25,2%),... 

Ngoài ra, một số thị trường có kim ngạch xuất khẩu nhỏ nhưng đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ, cho thấy tiềm năng xuất khẩu: Phần Lan (tăng 198%), Hungary (tăng 86,9%), Cộng hoà Séc (tăng 49,2%),...

Động lực vô cùng lớn thúc đẩy xuất khẩu cao su và sản phẩm cao su của Việt Nam từ EVFTA - Ảnh 2.

Tại Điện Biên, cây cao su được trồng tập trung tại 6 vùng với tổng diện tích hơn 5.000 ha. Nguồn; VOV

Riêng mặt hàng cao su, với EVFTA, cao su tổng hợp và các chất dẫn xuất sẽ không có lợi thế mới vì thuế suất đã đang là 0%. Tuy nhiên, các loại ống ghép nối bằng cao su và lốp cao su được miễn thuế ngay lập tức từ mức 3%-4,5% trước đây. Băng tải, băng truyền, hoặc đai tải bằng cao su sẽ được giảm theo kỳ hạn 5 năm từ 6,5%. Đây là động lực thúc đẩy xuất khẩu cao su và sản phẩm từ cao su. 

Trong 11 tháng 2021, xuất khẩu cao su sang EU đạt khoảng 100 nghìn tấn, tương đương 175 triệu USD, tăng 33,7% về lượng và tăng mạnh 72,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Các chủng loại cao su xuất khẩu chủ yếu sang EU là: mã HS. 40012240 - cao su tự nhiên đã định chuẩn về kỹ thuật (TSNR) CV (đạt 71 triệu USD, tăng mạnh 88,8% so với cùng kỳ 2020 và chiếm 40,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cao su sang EU); mã HS. 40012290 - TSNR loại khác (đạt 43 triệu USD, tăng mạnh 85,8%, chiếm 24,6%), mã HS. 40011011 - Mủ cao su cô đặc bằng phương pháp ly tâm (SEN) (đạt 21 triệu USD, tăng mạnh 87,4%, chiếm 12,1%),… 

Trong số các thị trường thành viên EU, cao su Việt Nam được xuất chủ yếu sang các nước: Đức (đạt 62 triệu USD), Italy (đạt 25 triệu USD), Tây Ban Nha (đạt 22 triệu USD) và Hà Lan (đạt 17 triệu USD). 

Động lực vô cùng lớn thúc đẩy xuất khẩu cao su và sản phẩm cao su của Việt Nam từ EVFTA - Ảnh 3.

Động lực vô cùng lớn thúc đẩy xuất khẩu cao su và sản phẩm cao su của Việt Nam từ EVFTA. Ảnh: CT

Tại thị trường EU, ngành công nghiệp – sản xuất – tiêu dùng đang phát triển mạnh mẽ (sản xuất máy bay, ô tô, xe máy, thiết bị, máy móc cho ngành chế tạo, y tế, hàng tiêu dùng…), nhu cầu tiêu thụ của EU đối với cao su và các sản phẩm từ cao su rất lớn, đặc biệt là các chủng loại cao su cao cấp (SVR CV) và chủng loại SVR 10, SVR 20, dự báo đà tăng trưởng nối tiếp của mặt hàng này trong những năm tiếp theo.

Để đáp ứng yêu cầu của thị trường EU, ngành cao su cần hướng tới mục tiêu sản xuất cao su bền vững theo tiêu chuẩn của FSC (đây là hệ thống các tiêu chuẩn về chứng nhận nguồn gốc gỗ cho các nhà khai thác-PV). Lý do là bởi tiêu chuẩn này được nhiều thị trường và khách hàng chấp nhận, có thể đem giá trị gia tăng cao nhất cho sản phẩm, trong khi đáp ứng tốt nhất các yêu cầu về môi trường và xã hội.

Ở thị trường “khó tính” như EU, các yêu cầu về tính hợp pháp và bền vững đối với các sản phẩm ngày càng chặt chẽ hơn cả từ khía cạnh quản lý và thị trường.

Tính đến tháng 11/2021, Việt Nam đã ký kết 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Việc đàm phán và ký kết thành công nhiều FTA với các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội về tăng trưởng kinh tế, đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu...

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2021. Sau một năm thực thi hiệp định này, mặc dù trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, tác động không nhỏ tới Việt Nam và EU, thương mại xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU và ngược lại đều tăng trưởng hơn 18% so với khi Hiệp định chưa có hiệu lực.

Trong giai đoạn này, Việt Nam xuất siêu sang EU hơn 11 tỷ USD. Rất nhiều mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, nông thủy sản... đã tận dụng ngay được các lợi thế của Hiệp định này. Song, một năm nhìn lại cũng cho thấy có rất nhiều thách thức mới, đòi hỏi Việt Nam có sự chuẩn bị kỹ hơn, với những giải pháp cụ thể và mạnh mẽ hơn để có thể khai thác tốt hơn các cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục