Dồn nguồn lực để nhân rộng mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng

Khương Lực Thứ sáu, ngày 17/12/2021 17:55 PM (GMT+7)
Giai đoạn 2021 – 2025, Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam dự kiến sẽ mở rộng thực hiện trên địa bàn 40 tỉnh. Đây là một chương trình có tính nhân văn, rất ý nghĩa nên cần dồn mọi nguồn lực để triển khai, mở rộng để cải thiện dinh dưỡng cho người dân, nhất là ở các huyện, xã nghèo.
Bình luận 0

Nhân rộng ra 40 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo, suy dinh dưỡng cao

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" đến năm 2025, Bộ NNPTNT đã phối hợp với Bộ Y tế (Viện Dinh dưỡng quốc gia), các chuyên gia và các địa phương triển khai giai đoạn 1 (2019 - 2020). 

Theo đó, Chương trình đã thí điểm xây dựng 19 mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng để đánh giá, tổng kết, xây dựng chính sách, rà soát lại các quy chế phối hợp nhằm triển khai, nhân rộng.

Dồn nguồn lực để nhân rộng mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng - Ảnh 1.

Giai đoạn 2021 – 2025, Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam dự kiến sẽ mở rộng thực hiện trên địa bàn 40 tỉnh. Anh: P. Nam

Từ các mô hình "Không còn nạn đói" triển khai hiệu quả ở các địa bàn khó khăn, Bộ NNPTNT cùng các bộ, ngành đã hoàn thiện cơ chế chính sách và các tài liệu tập huấn để ban hành.

 Từ năm 2021, Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" ở Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn 2 (2021 - 2025), dự kiến sẽ mở rộng thực hiện trên địa bàn 40 tỉnh.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) cho biết, Bộ NNPTNT sẽ tham mưu lồng ghép những hoạt động của Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" vào hệ thống chuyển đổi lương thực, thực phẩm theo hướng "minh bạch, trách nhiệm, bền vững". 

Trong đó chú trọng đến hệ thống lương thực, thực phẩm cấp địa phương, nhất là các sản phẩm đặc thù, đặc sản giàu dinh dưỡng, vi chất.

Cục Kinh tế hợp tác và PTNT sẽ phối hợp với Viện Dinh dưỡng quốc gia xây dựng chương trình hợp tác để cùng nhau xây dựng "Bảng cân đối dinh dưỡng". 

Đây sẽ là cơ sở để đánh giá và xác định điểm cân bằng giữa nhu cầu và khả năng đáp ứng về dinh dưỡng, từ đó tìm ra những khoảng cách về dinh dưỡng để có giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến hoặc là nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu cho nhân dân.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc, hệ thống lương thực - thực phẩm đang tạo công ăn việc làm cho 1 tỷ người trên toàn cầu, nhiều hơn bất kỳ ngành kinh tế nào khác. 

Chỉ riêng các hộ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ đã tạo ra tới 33% số lương thực cho toàn thế giới ngay cả khi phải đối mặt với những thách thức như đói nghèo, không được tiếp cận nguồn tài chính, đào tạo và kỹ thuật.

Tuy nhiên, vẫn có tới khoảng 3 tỷ người, tương đương gần 40% dân số thế giới không có được chế độ ăn uống lành mạnh.

 Trong khi đó, số người thừa cân, béo phì do chế độ ăn uống không hợp lý và lối sống ít vận động lên tới gần 2 tỷ người. 14% lương thực trên thế giới bị hao hụt trong quá trình thu hoạch, xử lý, bảo quản và vận chuyển; 17% số thực phẩm trên toàn cầu bị lãng phí. Hệ thống thực phẩm toàn cầu đang chiếm tới 33% lượng khí thải nhà kính do con người tạo ra.

Ở Việt Nam, nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn và đóng góp 14,85% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia. 

Dồn nguồn lực để nhân rộng mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng - Ảnh 3.

Hộ nghèo ở xã Linh Thông, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên nhận gà về nuôi đầu tháng 11/2021

Mặc dù bị tác động của đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, thiên tai, nông nghiệp Việt Nam vẫn đảm bảo mục tiêu về an ninh lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân và phục vụ xuất khẩu. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sẽ đạt mức kỷ lục, khoảng 47 tỷ USD trong năm 2021

Trong Chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng của nông nghiệp với biến đổi khí hậu, tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thị trường, xuất khẩu, chuỗi giá trị toàn cầu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi các hệ thống lương thực - thực phẩm theo hướng xanh, ít phát thải và bền vững...

Trên tinh thần ấy, trong thông điệp gửi tới Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về hệ thống lương thực thực phẩm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam đặc biệt coi trọng và cam kết thực hiện việc chuyển đổi và phát triển hệ thống lương thực - thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững trong bối cảnh "bình thường mới".

Dồn nguồn lực để tập trung vào đối tượng "đích"

Tiến sĩ Jean Balié, Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế IRRI, Giám đốc One CGIAR khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương nhận định, ngành nông nghiệp của Việt Nam đã chuyển đổi nhanh chóng trở thành một nước xuất khẩu nông sản đa dạng và có sức cạnh tranh cao trên quy mô toàn cầu.

Vai trò của công nghệ và chính sách đã giúp Việt Nam giải quyết hiệu quả các dạng mất an ninh lương thực và nghèo đói nghiêm trọng nhất. 

Tuy nhiên, phía trước còn nhiều thách thức để đạt được an ninh dinh dưỡng trên diện rộng, xây dựng mô hình tăng trưởng công bằng, và đặc biệt quan trọng là hệ thống thực phẩm cần bền vững hơn với môi trường.

Dồn nguồn lực để nhân rộng mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng - Ảnh 3.

Đàn gà do dự án “Xây dựng mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng” hỗ trợ cho hộ dân ở xã Linh Thông, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên từ đầu tháng 11/2021 hiện đang phát triển rất tốt. Ảnh: Hà An.

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở khu vực này còn rất cao, nhất là đối với các dân tộc thiểu số. Do đo, cần có sự can thiệp về cơ chế, chính sách hỗ trợ để đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm, đáp ứng đủ dinh dưỡng cho người dân, nhất là trẻ em, nhằm nâng cao thể trạng, trí tuệ, tầm vóc…

Trong các mục tiêu của Chương trình "Không còn nạn đói", ông Lê Đức Thịnh nhận định, hầu hết các cam kết của Việt Nam trong chương trình đều có thể đạt được, ngoài chỉ tiêu về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 2 tuổi – đang là một thách thức lớn trong thời gian tới.

"Khó nhất trong 5 mục tiêu của Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" ở Việt Nam đến năm 2025 là câu chuyện của suy dinh dưỡng, giảm nghèo nhưng ở góc độ đảm bảo suy dinh dưỡng. Chúng ta không đói lương thực mà đói dinh dưỡng, tức là thiếu dinh dưỡng, không đảm bảo mức năng lượng ăn vào và thiếu vi chất"- ông Thịnh nói.

Chính vì thế, ông Thịnh cho rằng, việc triển khai Chương trình hành động "Không còn nạn đói" ở Việt Nam đến năm 2025 trong thời gian tới sẽ có 2 cấp độ: Đầu tiên là xây dựng các mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng để làm cơ sở trao đổi, học học kinh nghiệp ở các địa phương; thứ hai là tuyên truyền và nhân rộng mô hình để bà con nông dân học hỏi, làm theo.

Dồn nguồn lực để nhân rộng mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng - Ảnh 5.

Việc triển khai Chương trình hành động "Không còn nạn đói" ở Việt Nam đến năm 2025 trong thời gian tới sẽ có 2 cấp độ.

Theo Tổ chức Phát triển dinh dưỡng (N4D), để Việt Nam đạt vị thế quốc gia có thu nhập trung bình cao và đẩy nhanh tiến độ hướng tới tất cả các Mục tiêu dinh dưỡng toàn cầu (WHA), chiến lược quốc gia về dinh dưỡng 2021-2030 phải tiếp tục theo dõi các mục tiêu về thiếu dinh dưỡng cho toàn bộ dân số và đặc biệt là nhóm dân tộc thiểu số.

Hiện nay, Chương trình "Không còn nạn đói" không có kinh phí độc lập nên nhiều địa phương chưa chú trọng bố trí nguồn lực và con người để tổ chức thực hiện. 

Do đó, một trong những giải pháp cần được chú trọng thực hiện, là lồng ghép các nhiệm vụ của chương trình này với các chương trình "Giảm nghèo bền vững", "Xây dựng nông thôn mới", "Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi"... 

Có như vậy, mới giải quyết căn cơ những bất cập còn tồn tại trước đây, cải thiện hiệu quả tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em ở Việt Nam, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Với tư cách là một trong các nước cam kết thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), Việt Nam đang xây dựng và thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng lần thứ ba giai đoạn 2021-2030 và có cơ hội đặc biệt để ưu tiên dinh dưỡng trong kế hoạch phát triển quốc gia giai đoạn 2021-2030 sắp tới.

Trao đổi với Dân Việt, TS. BS. Huỳnh Nam Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết, trong dự thảo chiến lược, Bộ Y tế đưa vào rất nhiều nội dung về phối hợp liên ngành, kết nối với hệ thống nông nghiệp bền vững và vai trò của Bộ NNPTNT trong xây dựng các mô hình nông nghiệp dinh dưỡng để hướng tới các đối tượng đích là các bà mẹ và trẻ em.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem