Long đong đời công nhân cuối năm (Bài cuối): Doanh nghiệp nỗ lực để công nhân có tết

Mỹ Quỳnh - Nha Mẫn Thứ năm, ngày 15/12/2022 06:30 AM (GMT+7)
Dù khó khăn do không có đơn hàng là tình hình chung của ngành giày da, may mặc, chế biến gỗ... nhưng các doanh nghiệp vẫn xoay xở để bằng mọi cách có lương, thưởng cho người lao động.
Bình luận 0

Đây là thời điểm người lao động trông chờ vào khoản thưởng tết để có thể lo một cái tết chu toàn bên gia đình sau một năm làm việc vất vả. 

Chắt chiu từng đồng để có thu nhập cho công nhân, người lao động

Dù đối mặt với nhiều nguy cơ vì thiếu hụt đơn hàng, phải cắt giảm lao động… nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn phải cố gắng dè xẻn, tính toán để đảm bảo lương, thưởng cho người lao động dịp Tết. Ở quy mô hàng chục ngàn công nhân như Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân), doanh nghiệp này cũng không tránh khỏi khó khăn khi thiếu đơn hàng nên buộc phải cho công nhân làm việc luân phiên trong 3 tháng.

Gặp khó, doanh nghiệp vẫn nỗ lực lo tết cho công nhân - Ảnh 1.

Hàng loạt DN gặp khó khăn vì không có đơn hàng sản xuất. Ảnh: MQ

Cụ thể, công nhân khu xưởng C, D, Y và Hóa công 10C, 155, 172,... thuộc khối sự nghiệp luân phiên nghỉ tổng cộng 14 ngày. Trong ngày nghỉ luân phiên theo kế hoạch, công ty đã phấn đấu chắt chiu để mỗi công nhân được hưởng lương nghỉ việc 180.000 đồng/ngày.

Công ty Cổ phần Sài Gòn Food (KCN Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh), cho biết sẽ dành gần 40 tỷ đồng để chăm lo cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Trong đó, mỗi công nhân sẽ được thưởng 2 tháng lương (0,6 tháng lương đã chi trong năm, 1,4 tháng lương sẽ chi trước khi công nhân về quê). Bình quân, mức thưởng của công nhân khoảng 16 triệu đồng/người. Đối với những lao động có tay nghề, đạt các danh hiệu thi đua được thưởng gần 2,5 tháng lương (gần 30 triệu đồng).

Tương tự, lãnh đạo Công ty TNHH Shyang Hung Cheng (Bình Dương) chia sẻ, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng việc thực hiện lương, thưởng cho công nhân vẫn phải đảm bảo. 

Do đó, đơn vị này đã cắt những chi phí không thật sự cần thiết từ trước để có thêm khoản chi phí hỗ trợ công nhân dịp Tết. Năm nay, ngoài các chế độ lương, thưởng, những công nhân có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ thêm một khoản tiền.

Công ty TNHH Giày Thông Dụng (Bình Dương) cho biết, cũng đã xoay xở để đảm bảo có tháng lương thứ 13 (bằng mức lương cơ bản) cho công nhân, cộng với phụ cấp chức vụ cho toàn bộ người lao động trong công ty. Đối với những công nhân có thời gian làm việc dưới 1 năm thì thưởng theo thời gian làm việc.

Gặp khó, doanh nghiệp vẫn nỗ lực lo tết cho công nhân - Ảnh 2.

Công ty TNHH May Sun Kyoung Việt Nam trước ngày giải thể. Ảnh: CNCC

Công đoàn Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam (Bình Dương) thì chia sẻ, dự kiến công ty sẽ thưởng 1,4 tháng lương cho người lao động dịp tết này.

Giải pháp nào để doanh nghiệp, công nhân vượt qua sóng gió?

Trong khi một số doanh nghiệp tại TP.HCM và các tỉnh lân cận phải cắt giảm công nhân, thậm chí giải thể, để ứng phó với khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã tìm cách sắp xếp lại giờ làm việc hợp lý với nhu cầu sản xuất nhằm giữ chân người lao động, để giữ nguồn nhân lực chờ có các đơn hàng mới.

Lãnh đạo Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định (TP.Thủ Đức) chia sẻ, sản xuất giày da thời trang là ngành nghề truyền thống của công ty. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đang tìm cách chuyển đổi một phần sang sản xuất giày thể thao để đa dạng hóa sản phẩm, có thêm đơn hàng... nhằm giải quyết vấn đề khó khăn trước mắt.

Tương tự, lãnh đạo Công ty TNHH PouYuen Việt Nam cũng chia sẻ, ở quý 1 - 2/2022, đơn vị này hủy rất nhiều đơn hàng lợi nhuận thấp. Còn nay, đơn hàng nhỏ, có lợi nhuận thấp công ty vẫn nhận để ổn định việc làm cho người lao động.

Gặp khó, doanh nghiệp vẫn nỗ lực lo tết cho công nhân - Ảnh 4.

Khó khăn chồng chất khó khăn, doanh nghiệp vẫn nỗ lực chi lương, thưởng tết cho công nhân. Ảnh: CNCC

imgTrao đổi với Dân Việt, ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony (Bình Chánh, TP.HCM) cho biết, phân khúc làm gia công mặt hàng thời trang quốc tế bị cắt đứt hoàn toàn và phân khúc gia công/thực hiện đơn hàng thời trang trong nước bị sụt giảm nghiêm trọng. Nhưng hiện doanh nghiệp này vẫn hoạt động được nhờ vào phân khúc hàng đồng phục (xuất khẩu và trong nước). Đây là mảng đã giải cứu cho doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua.

Theo ông Quang Anh, cũng trong đợt khủng hoảng này, công ty đã tìm ra giải pháp mới để cải thiện tình hình. Đó là các đơn hàng số lượng lớn cho hệ thống siêu thị giá rẻ tại Mỹ - một phân khúc khách hàng mới mà Dony vừa chốt thành công với số lượng lớn sản phẩm.

"Việc thực hiện đơn hàng giá thấp tưởng chừng lợi nhuận thấp, nhưng với số lượng lớn thì lợi nhuận không hề nhỏ. Chưa kể, nếu làm số lượng lớn sẽ tối ưu được rất nhiều thứ khác. Khi đã có một chuỗi cung ứng, doanh nghiệp có thể sẽ nhận được đơn hàng lớn  và đều đặn...", ông Anh chia sẻ thêm.

Sở LĐTBXH TP.HCM đã có công văn đề nghị doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn báo cáo tình hình lao động, tiền lương năm 2022 và kế hoạch thưởng Tết 2023. Theo đó, các doanh nghiệp phải có thông tin trước ngày 25/12 cho người lao động về tiền lương, thưởng trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán 2023, các khoản trợ cấp, hỗ trợ cho người lao động (tặng quà tết, hỗ trợ vé tàu, xe về quê ăn tết...), thời gian nghỉ tết, nghỉ phép năm, thời điểm trả lương, thưởng.

Doanh nghiệp cũng cần đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn theo kế hoạch; không để xảy ra tình trạng nợ lương, thưởng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem