Điều ít biết về người anh hùng miệt mài giữ lửa cho nghệ thuật rối nước làng Đào Thục

Thảo Quyên - Bích Thuận Thứ bảy, ngày 19/11/2022 08:36 AM (GMT+7)
Trong số những nghệ nhân của làng múa rối nước Đào Thục (huyện Đông Anh, Hà Nội) không ai không biết đến Anh hùng Lực lượng vũ trang, Nghệ nhân Đinh Thế Văn - người đã dành tâm huyết cả đời cho việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật rối nước.
Bình luận 0

Làng nghề cổ hơn 300 năm chế tác ra trò chơi dân gian "ngâm mình dưới nước" hút hồn người xem.  Thực hiện: Thảo Quyên- Bích Thuận.

Người chiến sĩ dũng cảm

Sinh ra tại mảnh đất được coi là cái nôi của nghệ thuật múa rối nước, ngay từ thuở nhỏ, loại hình nghệ thuật này đã ăn sâu vào trong tiềm thức, khơi gợi đam mê trong lòng nghệ nhân Đinh Thế Văn. 

Nhưng năm 16 tuổi ông quyết định gác lại đam mê để tham gia hai cuộc kháng chiến lớn của dân tộc, chống Pháp và Mỹ.

Điều ít biết về người “anh hùng” miệt mài giữ lửa cho nghệ thuật rối nước tại làng Đào Thục - Ảnh 2.

Thủy đình làng Đào Thục, nơi biểu diễn các tiết mục múa rối. Ảnh: Thảo Quyên - Bích Thuận.


Đầu tiên, ông tham gia kháng chiến chống Pháp, có mặt tại chiến dịch Điện Biên Phủ. "Năm đó tôi nặng có 38kg và cao 1m40, mà toàn đeo 28kg trên vai đi hành quân ban đêm. Lúc hành quân, tôi luôn mang theo đàn ghita, để khi nghỉ chân là có thể đàn hát với đồng đội, không hề nghĩ đến những gian khổ phá trước", ông Văn nhớ lại.

Điều ít biết về người “anh hùng” miệt mài giữ lửa cho nghệ thuật rối nước tại làng Đào Thục - Ảnh 3.

Ông Văn hồi tưởng lại khoảng thời gian tham gia kháng chiến cứu nước. Ảnh: Thảo Quyên.

Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, ông Văn trở về quê hương tiếp tục con đường học tập đang dang dở. Học hết chương trình giáo dục phổ thông, ông thi đỗ vào Trường Đại học Bách Khoa. Đang học đại học, ông lại xếp bút nghiên để tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ông được biên chế vào Tiểu đoàn 77 thuộc Trung đoàn 257, Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không - Không quân. Nhờ lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu anh dũng, năm 1971, ông Văn trở thành Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77, rồi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trên không.

Sau khi chiến dịch khép lại, ông Đinh Thế Văn được đề bạt làm Tham mưu trưởng Trung đoàn 257, được cử đi học tại Học viện Phòng không - Không quân. Năm 1989, ông nghỉ hưu với quân hàm Đại tá. Với những cống hiến trong hai cuộc kháng chiến, năm 2013, ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Đến người hùng của làng rối nước Đào Thục

Năm 1990, ông nghỉ hưu trở về làng, nhận thấy làng rối nước Đào Thục đang gặp nhiều khó khăn, khi nghệ nhân ở làng người còn người mất, thế hệ trẻ thì không mấy mặn mà với nghề truyền thống quê hương. Chứng kiến giá trị văn hoá truyền thống đang dần mất đi, ông Văn không khỏi xót xa.

Không để nghệ thuật rối nước của làng chìm vào quên lãng, cùng với các nghệ nhân và các vị trưởng bối trong làng, ông dành thời gian đi gặp gỡ nhân dân, chính quyền địa phương cùng các cơ quan, đoàn thể nhờ giúp đỡ, phục hồi và tìm hướng phát triển cho nghề tổ.

Không lâu sau, nghệ thuật rối nước của làng dần được phục hồi: Thủy đình được đầu tư xây dựng công phu, các tích trò liên tục được đổi mới, thêm nhiều nghệ nhân được đào tạo,...

Điều ít biết về người “anh hùng” miệt mài giữ lửa cho nghệ thuật rối nước tại làng Đào Thục - Ảnh 4.

Tuy đã ở tuổi 85 nhưng nghệ nhân Đinh Thế Văn vẫn miệt mài trên con đường bảo tồn và phát triển nghệ thuật rối nước. Ảnh: Thảo Quyên.

Trong suốt những năm tháng làm nghệ thuật rối nước, tác phẩm để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong ông là vở diễn "Hà Nội đánh B52", tái hiện lại trận đánh 12 ngày đêm lịch sử của dân tộc. Lấy ý tưởng từ chính thời gian tham gia chiến đấu trước đó, ông tự đứng ra làm đạo diễn, dàn dựng mọi khâu. Sự thành công của vở diễn đã tạo ra bước ngoặt mới cho nghệ thuật rối nước làng Đào Thục, góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống chống giặc ngoại xâm của cha ông.

"Tôi như sống lại những khoảnh khắc trong quá khứ, tưởng tượng từng cảnh đánh, lựa chọn những chi tiết đắt giá nhất để đưa vào hình tượng rối. Bản thân luôn cố gắng để lột tả tính chất ác liệt của trận đánh, ca ngợi tinh thần mưu trí, dũng cảm của quân và dân ta", ông Văn bộc bạch.

Tuy nay đã có bước phát triển ổn định nhưng trong suy nghĩ của ông Văn bao giờ cũng canh cánh một nỗi niềm về sự tồn vong của môn nghệ thuật này. 

"Trăn trở lớn nhất của tôi là làm sao để nghề múa rối nước của làng tiếp tục được duy trì, phát triển mãi về sau. Tôi mong muốn không chỉ lưu giữ nét đẹp văn hoá này mà còn muốn quảng bá hình ảnh của nghệ thuật múa rối nước lớn mạnh hơn nữa", ông Văn chia sẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem