Vị kiến trúc sư tài ba và điều ít biết về ngôi nhà sàn Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch

Hà Tùng Long Thứ sáu, ngày 19/05/2023 07:14 AM (GMT+7)
Ngôi nhà sàn Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch là nơi Bác đã sống 15 năm liên tục, từ 1954 đến 1969. Sau khi Bác qua đời, nơi đây được bảo tồn nguyên vẹn và trở thành điểm tham quan của mọi người dân khi đến viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bình luận 0

Người kiến trúc sư thiết kế nhà sàn Bác Hồ là ai?

Theo Ths. Nguyễn Thị Thu Hà - Nguyên Trưởng phòng Sưu tầm Bảo tàng Hồ Chí Minh và Ths. Nguyễn Ngọc Hải - Trưởng phòng Sưu tầm Bảo tàng Hồ Chí Minh thì khu di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình trong đó có ngôi nhà sàn Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch gắn với lịch sử hình thành sớm vùng đất Quảng Đức, Thăng Long từ thời Vua Lý Công Uẩn. Đây được coi là một không gian thiêng vì liền kề với trung tâm Hoàng thành Thăng Long, gắn với cổng Tây của chốn kinh thành, cận kề các làng nghề tinh hoa cho lối sống thị thành người Việt xưa như làm thuốc, trồng hoa, nghề giấy…

Vị kiến trúc sư tài ba và điều ít biết về ngôi nhà sàn Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch - Ảnh 1.

Bác Hồ bên ngôi nhà sàn, nơi Người đã sống và làm việc từ tháng 5/1958 – 8/1969. Ảnh: Tư liệu.

Theo thời gian, vùng đất linh thiêng này không chỉ bền nguyên dấu tích Tràng An xưa mà còn được bồi đắp và tỏa sáng bởi danh xưng Thăng Long - Hà Nội trong thời đại Hồ Chí Minh với những lời trong "Tuyên ngôn Độc lập": Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập" gắn với lời thề, ý chí " đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy.

9 năm trường kỳ gian khổ chống xâm lược giành thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thành viên Chính phủ trở về Hà Nội. Ngày 15/12/1954, lần đầu tiên, Người cùng đồng chí Vũ Kỳ vào khảo sát khu vực Phủ Toàn quyền và tòa nhà Toàn quyền Đông Dương cũ nay đã trở thành nơi đặt trụ sở các cơ quan của Trung ương và Chính phủ. Ngày 19/12/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển đến căn nhà một tầng, lợp mái ngói, 3 phòng khoảng 100m², nơi ở và làm việc suốt 15 năm tiếp theo của Người. 

Ngôi nhà này vốn là nơi làm việc của bộ phận kỹ thuật trực điện phục vụ Phủ Toàn quyền (nhiều bài trước đây đã nhầm ngôi nhà này là nơi ở của thợ điện phục vụ Phủ Toàn quyền), trần nhà thấp, ở hướng Tây, ở kề sát đường đi lại chính trong khu gây thêm sự bất tiện. Theo lời kể của anh em cán bộ tiếp quản khu nhà 54, lúc Bác dọn đến, máy phát điện mới được anh em mình chuyển đi, dầu máy vương đọng nhiều, anh em vệ sinh dọn rửa nhiều lần mới bớt dần. Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi đó chọn ngôi nhà một tầng, đối diện ngay gần Bác, hai nhà cách một quãng sân trồng những cây bàng che nắng nay một số vẫn còn.

Vị kiến trúc sư tài ba và điều ít biết về ngôi nhà sàn Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch - Ảnh 2.

Ngôi nhà sàn Bác Hồ qua 65 năm vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Ảnh: Tư liệu.

Cũng từ tháng 12/1954, công năng các tòa nhà trong khu vực Chủ tịch Phủ thay đổi. Tòa nhà Toàn quyền Đông Dương xưa nay là Phủ Chủ tịch, trụ sở chính để tiếp khách trong nước và quốc tế, một số lần Hội đồng Chính phủ họp tại đây. Cuối mỗi tuần, tại đây, nếu không đột xuất, văn phòng tổ chức sinh hoạt chính trị văn hóa cho cán bộ, bộ đội như chiếu phim tài liệu thời sự, phim truyện Việt Nam, phim quốc tế, các đoàn văn công vào biểu diễn văn nghệ,..

Những dãy nhà thấp vốn là công sở Phủ toàn quyền xưa nay là trụ sở làm việc các cơ quan cấp Trung ương… Riêng những dãy nhà nhân viên phục vụ Phủ Toàn quyền, dãy chuồng ngựa  ở phía sau "tòa nhà cao" thì giao Chủ tịch Phủ (mật danh CQ41A Phủ Thủ tướng) làm trụ sở. Lúc đó, tuy là hai cơ quan Phủ Thủ tướng và Chủ tịch Phủ song CQ 41A vẫn do Văn phòng Phủ thủ tướng phụ trách tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, phòng Văn thư như khi còn ở Việt Bắc…

Tháng 5/1958, ngôi nhà sàn bằng gỗ 2 tầng, diện tích mỗi tầng gần 40m² kiểu nhà sàn đồng bào các dân tộc ở chiến khu xưa được xây dựng. Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh (thời điểm đó là Cục phó Cục Thiết kế kiến trúc thuộc Bộ Giao thông thuỷ lợi, nay là Bộ xây dựng) - "tổng công trình sư" vừa thiết kế, trực tiếp chỉ đạo thi công, lắp ráp  ngôi nhà theo đúng với ý tưởng và yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Là ngôi nhà duy nhất làm bằng gỗ với lối kiến trúc hoàn toàn khác với các công trình người Pháp xây xung quanh nhưng lại hài hòa khiêm nhường bên cỏ cây hoa lá trong vườn. 

Vị trí đặt nhà sàn do Bác Hồ chọn vốn là bãi đất để không, mọc đầy cỏ lau, có chỗ cao che cả đầu người. Mặt trước nhà sàn nhìn ra hồ nước rộng có bậc xây bằng gạch vốn là " bến nước" hàng ngày cho những con ngựa một thú vui của toàn quyền. Cầu ao nối với đường đi nội bộ bao quanh hồ nước Bác đặt tên đường 600, mật danh của Đoàn Tân Trào. Bác cho thả cá, khi thu hoạch có những con nặng hàng chục cân.

Vị kiến trúc sư tài ba và điều ít biết về ngôi nhà sàn Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch - Ảnh 3.

Nội thất trong nhà sàn vẫn được giữ gìn, bảo quản rất nghiêm mật. Ảnh: Tư liệu.

Sau thời gian khẩn trương thi công và lắp ráp, nhà sàn hoàn thành, Bác Hồ rất vui lòng, Người cho liên hoan ngọt có bánh kẹo, hoa quả, chụp ảnh và Bác tặng mỗi thành viên một chiếc huy hiệu có hình Bác để kỷ niệm. Bác chuyển đến ở nhà sàn trong dịp sinh nhật lần thứ 68 của Người. Để tiết kiệm Bác cho chuyển một số đã dùng từ "nhà cao" vào nhà sàn. Nhà sàn ở khuất dưới nhiều cây cao kín đáo, có rèm tre để tránh mưa che nắng, hướng nhà hoà hợp với thiên nhiên, thu hút ánh sáng tự nhiên buổi sáng, tránh được giờ nắng xiên giờ chiều… nhưng nếu đứng từ nhà sàn nhìn ra sẽ có các góc rộng cả 4 phía. 

Nội, ngoại thất đậm chất Á Đông, có không gian vườn đáp ứng mọi yêu cầu sinh hoạt cá nhân đồng thời có nhiều nét khác biệt thu hút tạo cảm hứng cho mỗi ai có dịp đến nơi này. Cầu thang, hành lang được làm rộng để không ảnh hường khi Bác làm việc hoặc trao đổi công việc với cán bộ. Bác ở nhà sàn nhưng mọi sinh hoạt cá nhân đều ở bên nhà 54 cũ.

"Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh không chỉ là người tài năng mà còn thấu hiểu những yêu cầu của Bác. Nhà sàn dù diện tích xây dựng nhỏ song vẫn bố trí đáp ứng đầy đủ các công năng theo yêu cầu: Nơi ở, nơi làm việc của vị lãnh tụ tối cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, nơi họp Bộ Chính trị khi cần, phòng khách Bác tiếp và làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, nơi làm việc cá nhân yên tĩnh, độc lập, đủ ánh sáng… Đặc biệt cả hai tầng của ngôi nhà đều "mở" rất linh động, Bác có thể tiếp bạn bè quốc tế, các đoàn khách đối ngoại nhân dân thân tình", Ths. Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ.

15 năm của Bác tại ngôi nhà sàn Bác Hồ

Bác Hồ sống độc thân, không gian ở và làm việc của Bác tại nhà sàn rất yên tĩnh. Cơ quan CQ 41A Phủ Thủ tướng trực tiếp phục vụ Bác Hồ có hơn chục cán bộ phục vụ Bác làm việc, được gaio quản lý khối công việc rất lớn từ văn phòng, văn thư, nấu ăn, tiếp khách, làm vườn cây, lái xe… Phòng Văn thư ở ngôi nhà 2 tầng, sát vườn hồng quả bên này hồ cá, cách nhà sàn gỗ nửa vòng đường bao quanh hồ.

Vị kiến trúc sư tài ba và điều ít biết về ngôi nhà sàn Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch - Ảnh 4.

Ao cá trong cạnh nhà sàn Bác Hồ là điểm tham quan yêu thích của mọi người dân. Ảnh: Tư liệu.

Vị trí không gần nhau, do vậy, phương châm công tác của anh em trong nội bộ CQ 41 là một người làm nhiều việc, họ quy ước phối hợp để luôn có cán bộ làm việc gần nhà sàn nhất trong giờ Bác làm việc. Bình thường, có "Chú Cần" (Nguyễn Cần, tên thật là Lê Văn Nhương, cán bộ CQ 41A Phủ Thủ tướng, cán bộ Viện bảo tàng Hồ Chí Minh) công vụ, khi công vụ đi vắng, thì ai lúc đó nghe được ám hiệu của Bác là một tiếng "cúc cu" thì đến ngay, kịp thời nghe Bác nhắc, dặn công việc.

Sau giờ làm việc, khi Bác đi từ cầu thang nhà sàn, thì người bên nhà sàn sẽ giật nhẹ dây nối từ nhà sàn với chuông bên nhà bếp để báo hiệu, chỉ mươi phút sau khi Bác đi bộ đến phòng ăn nhà 54, rửa tay lau mặt xong thì bếp trưởng Đinh Văn Cẩn cũng đã chuẩn bị xong cơm, canh nóng sốt vừa kịp bày ra….

11 năm sống và làm việc ở nhà sàn, lúc hòa bình hay trong khói lửa chiến tranh, Bác Hồ luôn giữ nề nếp, đúng giờ, khoa học, tự tại và ngăn nắp như vậy. Trong mười một năm ấy, có duy nhất một lần, Bác Hồ phá lệ không nghỉ trưa để hoàn thành xong nội dung Báo cáo đọc tại Hội nghị Chính trị đặc biệt - Hội nghị Diên Hồng trong thời đại Hồ Chí Minh do Người triệu tập, chủ trì tổ chức tại Hà Nội ngày 27/3/1964 với lời kêu gọi làm lay động muôn triệu trái tim người Việt Nam ở cả hai miền Nam - Bắc: Mỗi người chúng ta phải làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam ruột thịt.

Ngày 17/7/1966, từ Nhà sàn Bác Hồ, chân lý " Không có gì quý hơn độc lập, tự do" đã vang vọng khắp non sông. Cả nước một lòng, xiết chặt tay nhau, đoàn kết tin tưởng hướng về Hà Nội, hướng về Ba Đình, nơi có Bác kính yêu sống trong ngôi nhà sàn bình dị lãnh đạo toàn dân ta thực hiện ước nguyện " Đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào/ Bắc- Nam xum họp, xuân nào vui hơn".

Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế yêu chính nghĩa, hòa bình trên toàn thế giới đều hướng về Thủ đô Hà Nội, nơi có một ngôi nhà sàn bình dị gắn với cuộc đời và sự nghiệp của Người Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam.

Từ đó, không gian Ba Đình, nơi có nhà sàn Bác Hồ đã trở thành nơi hội tụ và thăng hoa các giá trị tình cảm tốt đẹp, thiêng liêng nhất. Đặc biệt, từ 1975, khi công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh khánh thành, Bác Hồ kính yêu thực sự yên nghỉ giữa cõi thiêng Ba Đình, gần kề với ngôi nhà sàn nơi mà tên tuổi và sự nghiệp của Người sẽ sống mãi với non sông Việt Nam.

 

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem