Điền chủ trồng lúa vùng Đồng Tháp Mười ở Long An cầm chắc tiền tỷ trong tay

Trần Đáng Thứ hai, ngày 23/01/2023 19:06 PM (GMT+7)
Gà chưa kịp gáy, sáng Mùng 2 Tết Quý Mão 2023, ông Ba Nghị (Trần Văn Nghị, thị trấn Bình Phong Thạnh, Mộc Hóa, tỉnh Long An) đã lục đục ra thăm cánh đồng lúa “thẳng cánh cò bay” hứa hẹn đem về cho ông nhiều tỷ.
Bình luận 0

Thời điểm này, nông dân trồng lúa ở Đồng Tháp Mười (Long An) đã sạ xong vụ lúa Đông Xuân 2023. Với việc sâu bệnh ít, giá phân quay đầu, năng suất cao, vụ lúa Đông Xuân 2023 hứa hẹn nông dân thắng lớn.

Đầu năm thăm đồng, điền chủ trồng lúa ở Đồng Tháp Mười hả hê cầm chắc tiền tỷ trong tay - Ảnh 1.

Ông Ba Nghị (phải,Trần Văn Nghị, thị trấn Bình Phong Thạnh, Mộc Hóa, Long An) sau chuyến đi thăm ruộng đang trồng lúa vụ Đông Xuân. Ảnh: Trần Đáng

Xông đất điền chủ trồng lúa ở Đồng Tháp Mười

Chưa kịp rửa đôi bàn chân lấm lem bùn đất sau chuyến thăm đồng đầu năm mới, ông Ba Nghị cười vang: "Mạ đang phát triển đều, tốt. Vụ lúa Đông Xuân, được mùa là cái chắc. Thương lái đang cho giá lúa khá cao. Xem ra, vụ lúa này ngon lành".

Ông Ba Nghị cho biết, ông sạ lúa được hơn chục ngày. Vụ lúa Đông Xuân này ông trồng 70ha nếp.

Theo lão nông Ba Nghị, để có 70ha đất trồng lúa này, ông phải bằng tuổi thanh xuân, mồ hôi, nước mắt. Theo đó, sau khi xuất ngũ, năm 1979, từ Mỹ Tho (Tiền Giang) ông dắt díu gia đình vào rốn phèn Đồng Tháp Mười khai hoang, mở đất.

Để trị phèn, ông Ba Nghị xẻ kênh. Chưa đủ, ông mua vôi rắc xuống đồng. Thiếu nước ngọt trồng cây, ông quay quắt tìm giống cây thích hợp với đất phèn, hạn chế nước ngọt.

Rồi nước ngọt theo kênh trị thủy cũng kéo về ngọt hóa Đồng Tháp Mười. Lão nông Ba Nghị mới cấp tập trồng lúa. Từ một vụ lúa/năm, ông đê bao ruộng trồng 2 vụ/năm.

Trong khi nông dân đổ xô trồng lúa thơm xuất khẩu, ông trồng lúa nở bán trong nước. Tích cóp từ các vụ trúng lúa, ông mua dần thêm ruộng đất riết mới có được 70ha như ngày hôm nay.

Xuôi theo biên giới Việt Nam – Campuchia chúng tôi tìm đến nhà chị Trương Thị Hương (xã Hưng Hà, Tân Hưng, Long An). Mùa này, vùng biên giới lúa xanh bạt ngàn.

Nếu như ông Ba Nghị vô Đồng Tháp Mười từ cuối thập niên 70 thế kỷ trước, thì chị Hương vào tận sau này, năm 2000. Chị Hương cho biết, lúc mới vào, khu vực xã Hưng Hà thưa thớt nóc gia. Đường bộ gần như không có. Bà con quanh năm đi lại bằng xuồng, ghe.

Sau thời gian gom góp tiền làm thuê, làm mướn, vay mượn thêm tiền bạn bè chị Hương mua được 1ha đất. Thế mà, chỉ trong vòng 20 năm bám đất, từ chỗ số không, chị Hương đã biến mình thành điền chủ với 70ha đất.

Đầu năm thăm đồng, điền chủ trồng lúa ở Đồng Tháp Mười hả hê cầm chắc tiền tỷ trong tay - Ảnh 3.

Chị Trương Thị Hương (xã Hưng Hà, Tân Hưng, Long An) thăm ruộng trồng lúa. Ảnh: Trần Đáng

"Bí quyết" của chị Hương là bắt đất "đẻ" ra đất. Theo đó, để có tiền mua thêm đất, thay vì cho thuê đất lấy lời, chị Hương lấy đất thế chấp vay tiền ngân hàng mua đất, rồi nỗ lực trồng lúa lấy lời trả nợ ngân hàng.

Theo chị Hương, vụ lúa Đông Xuân 2023, chị xuống giống 47ha lúa ST25. Số đất còn lại chị cho nông dân thuê trồng lúa.

"Hiện, lúa đang lên rất tốt. Khác với mọi năm, vụ này lúa ít sâu bệnh. Tôi tính, khoảng cuối tháng 2 (AL) là thu hoạch lúa", chị Hương cho biết.

Điền chủ trồng lúa vụ Đông Xuân 2023 cầm chắc tiền tỷ

Tại Đồng Tháp Mười, có 2 cách ký hợp đồng mua bán lúa giữa thương lái và nông dân trồng lúa là ký hợp đồng "đầu mẫu" hoặc "đầu tấn". Giá lúa hợp đồng đã ký sẽ không thay đổi dù giá lúa thị trường lên hay xuống.

Chị Hương thổ lộ, ít nhất là vài năm gần nay, đây là vụ lúa chị thấy bội thu lớn. Theo đó, hiện giá lúa ST25 thương lái đặt cọc 7.500 – 8.000 đồng/kg.

"Hiện, một số bà con nông dân trồng lúa ở đây đã lấy cọc của lái là 7.500 đồng/kg. Tôi không lấy cọc của thương lái mà tự bán lúa. Lâu nay, tôi luôn bán vậy", chị Hương bộc bạch.

Không chỉ thế, theo chị Hương, vụ lúa Đông Xuân năm nay có rất nhiều yếu tố để kỳ vọng thắng lớn. Ví như, thương lái đang tập trung thu mua mạnh lúa ST25 để bán cho các công ty xuất khẩu gạo.

Bên cạnh đó, giá phân đang quay đầu khiến cho chi phí đầu vào cây lúa giảm. Chị Hương cho biết, phân DAP đã giảm 300.000 đồng/bao, URE giảm 200.000 đồng/bao, giá thuốc BVTV tăng nhẹ.

"Năm rồi tôi mua phân URE 950.000 đồng/bao, giờ là 720.000 đồng/bao", chị Hương thổ lộ.

Ông Ba Nghị cũng nhận định, các yếu tố đang rất khả quan để vụ lúa Đông Xuân năm 2023 sẽ giúp ông trúng mùa, trúng giá có đồng lời lớn để thanh toán khoản nợ trồng lúa của năm 2022.

Đầu năm thăm đồng, điền chủ trồng lúa ở Đồng Tháp Mười hả hê cầm chắc tiền tỷ trong tay - Ảnh 4.

Nông dân trồng lúa ở Đồng Tháp Mười đang rất kỳ vọng vụ lúa Đông Xuân bội thu. Ảnh: Trần Đáng

Hiện, thương lái đang ra giá đặt cọc lúa của ông Ba Nghị là 6.500 đồng/kg. Ông Ba Nghị tính, với giá lúa này ông đã có lời 1.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, ông Ba Nghị đang phân vân có nên chỉ lấy cọc thương lái 50% diện tích lúa. Nếu giá lúa tuột, ông chỉ bán 50% sản lượng lúa cho thương lái, còn 50% lúa ông bán ra ngoài thị trường để lấy lời tốt hơn.

"Mua bán với thương lái, giờ là chiến trường, nông dân xào chẻ dữ lắm mới sống được", ông Ba Nghị bộc bạch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem