Người chăn nuôi bỏ chuồng vì gánh nặng chi phí: Dịch bệnh ập tới, giá cám tăng cao, nợ chồng nợ (Bài 5)

Bình Minh Thứ ba, ngày 12/07/2022 12:27 PM (GMT+7)
Dịch tả lợn châu Phi bùng phát, cùng với giá thức ăn chăn nuôi tăng cao đã bào mòn nhiều nông hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, ít vốn. Tại tỉnh Hưng Yên, tình trạng người dân treo chuồng không còn hiếm gặp, thậm chí một số hộ lâm cảnh nợ nần không thể trả được.
Bình luận 0

Người chăn nuôi bỏ chuồng vì gánh nặng chi phí, trả mãi vẫn chưa hết nợ 

Clip: Ông Nguyễn Văn Hoàng, xã Minh Tiến, huyện Phù Cừ (Hưng Yên) chia sẻ về những khó khăn trong chăn nuôi lợn. Thực hiện: Minh Ngọc

"Gia đình tôi từng nuôi cỡ 100 con lợn thịt và 20 lợn nái, tuy nhiên dịch tả lợn châu Phi bùng phát, cộng thêm giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao trong thời gian qua đã thực sự đánh gục những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ như chúng tôi", ông Nguyễn Văn Hoàng, xã Minh Tiến, huyện Phù Cừ (Hưng Yên) bắt đầu câu chuyện với PV Dân Việt.

Từ sau khi bỏ nuôi lợn năm 2021, vợ ông Hoàng đi làm công nhân, mỗi tháng được vài triệu, tằn tiện thì cũng đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày. Còn ông Hoàng chỉ biết quanh quẩn với đàn gà, vịt cùng mảnh vườn trồng chục gốc bưởi.

Người chăn nuôi bỏ chuồng vì gánh nặng chi phí: Nhận ra thì đã khiếp vía, trả mãi vẫn chưa hết nợ - Ảnh 1.

Khu chuồng nuôi 20 lợn nái bị bỏ không của gia đình ông Nguyễn Văn Hoàng (giữa), xã Minh Tiến, huyện Phù Cừ (Hưng Yên). Ảnh: Bình Minh

Ông bảo, trước đó, gia đình chăn nuôi lợn là chủ yếu nhưng bây giờ chuồng trại bỏ không, có ít tiền thì mua vài chục gà, vịt về thả nuôi cho đỡ phí chuồng trại.

"Nuôi vài chục con gà, vịt thì nuôi chơi chơi cho đỡ chán chứ lời lãi được bao nhiêu, có khi nhà cũng thịt ăn hết", ông Hoàng chia sẻ.

Theo ông Hoàng, những nông hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ như ông ở Minh Tiến rất nhiều, nhưng cỡ nuôi 100 lợn thịt và 20 lợn nái như ông cũng được gọi là "to tay". Với tâm lý của những người nuôi nhỏ lẻ thì sau mỗi lứa bán lợn, lãi được đồng nào thì lại đầu tư "chơi lớn" hơn. Thậm chí còn đi vay thêm.

"Như nhà tôi, tích góp được đồng nào thì sửa sang chuồng trại đồng đó. Ban đầu từ chuồng hở rồi chuyển sang chuồng kín, từ 50 con lợn thịt lên 100 con, 10 con nái lên 20 con... Rồi đùng một cái dịch bệnh ập tới, giá lợn hơi giảm, giá cám tăng cao đã bào mòn sức lực, làm cho người chăn nuôi kiệt quệ vốn liếng", ông Hoàng nói.

Người chăn nuôi bỏ chuồng vì gánh nặng chi phí: Nhận ra thì đã khiếp vía, trả mãi vẫn chưa hết nợ - Ảnh 3.

Khu chuồng nuôi lợn thịt của gia đình ông Hoàng bị bỏ không, thi thoảng ông nuôi thêm ít vịt, gà cho đỡ lãng phí. Ảnh: Bình Minh

Nghĩ bỏ không chuồng trại lãng phí mà tiền đầu tư vào đó đâu phải ít, năm 2021, gia đình ông Hoàng quyết định vay tiền để mua thêm 3 con lợn nái để về gây giống. Thế nhưng một lần nữa dịch tả lợn châu Phi vẫn không "buông tha".

"Lần này thì tôi quyết định dừng hẳn nuôi lợn vì đã quá kiệt sức rồi" - ông Hoàng nói.

Thế là "nợ chồng nợ", nợ cũ chưa trả hết thì nợ mới lại đến. Tổng số tiền mà ông Hoàng nợ từ năm 2019 cộng dồn lại cỡ gần 1 tỷ đồng. 

Ông Hoàng chia sẻ với phóng viên báo Dân Việt: Lúc nhận ra thì khiếp vía vì nợ nhiều quá, trả mãi vẫn chưa hết nợ. Giờ nhà tôi còn nợ vài trăm triệu đồng nữa chưa biết bao giờ trả được.

Người nuôi co hẹp sản xuất để giảm lỗ

Không phải treo chuồng nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Tư, xã Minh Phương, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) cũng chỉ dám chăn nuôi cầm chừng. Ông không dám "mạnh tay" vì theo ông, căn cứ tình hình dịch bệnh cũng như thị trường như hiện nay thì người chăn nuôi lợn đang gặp vô vàn khó khăn.

Mặc dù chuồng trại nuôi cỡ khoảng 80 - 90 lợn thịt và 20 lợn nái nhưng hiện tại, ông Tư chỉ nuôi công suất chuồng khoảng 30%. "Tôi cố gắng duy trì, chăm sóc tốt đàn nái qua đợt khó khăn này, sau có chăn nuôi lớn hơn thì chưa dám nghĩ tới" - ông Tư thở dài nói. 

Người chăn nuôi bỏ chuồng vì gánh nặng chi phí: Nhận ra thì đã khiếp vía, trả mãi vẫn chưa hết nợ - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Tư cho biết, hiện tại công suất chuồng nuôi khoảng trên 100 con nhưng gia đình ông chỉ nuôi cỡ 30% công suất. Ảnh: Bình Minh

“Bỏ hoàn toàn lợn nái thì khi giá lợn hơi tăng trở lại sẽ không có lợn giống để tái đàn, mà nuôi lợn nái duy trì thì cầm chắc lỗ càng sâu. Vì lợn con nái đẻ ra bán chỉ 1,1-1,2 triệu đồng/con trong khi 2 năm trước là 2,2-2,5 triệu đồng/con, có thời điểm còn 3-4 triệu đồng/con. Vậy nên số lượng lợn nái đã giảm chỉ còn 1/3. Lợn thương phẩm cũng chỉ duy trì ở mức 20 - 30 con, giá cám thì cao chót vót, càng nuôi nhiều càng lỗ”, ông Tư nói với Dân Việt.

Ông Tư chia sẻ thêm, hiện nay, tuy giá lợn hơi có nhích nhẹ, song giá cám thì cứ trên đà tăng không có xu hướng giảm. Trong khi đó, tổng tiền chi phí mua con giống, tiền cám, tiền điện, nước, hao hụt, thuốc men, sát khuẩn gần 5-6 triệu đồng. Đấy là chưa tính tiền công chăm sóc. Với đà giá thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng như hiện nay, nguy cơ người chăn nuôi sẽ phải “treo” chuồng vì không theo nổi giá cám.

Người chăn nuôi bỏ chuồng vì gánh nặng chi phí: Nhận ra thì đã khiếp vía, trả mãi vẫn chưa hết nợ - Ảnh 5.

Trên địa bàn xã Minh Phượng, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) nhiều hộ gia đình chăn nuôi lợn đã phải treo chuồng. Ảnh: Bình Minh

Trao đổi với Dân Việt, ông Hoàng Văn Linh, Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) cho biết, hiện nay giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều hộ kiệt quệ về vốn, không đủ khả năng tiếp tục chăn nuôi.

Theo ông Linh, trên địa bàn huyện chủ yếu là chăn nuôi nông hộ, chính bởi vậy, một khi dịch bệnh trên đàn vật nuôi xảy ra, hoặc biến động về thị trường thì người chăn nuôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn. 

Theo lãnh đạo Phòng NNPTNT Tiên Lữ, khảo sát cho thấy, nhiều hộ đã không còn khả năng chăn nuôi lợn, phải treo chuồng. Hiện trên địa bàn huyện có 2.264 nông hộ chăn nuôi lợn. Theo ông Linh, con số này giảm mạnh so với thời điểm cách đây 2 năm.

Ông Linh cho rằng, người chăn nuôi cần áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để đảm bảo cho đàn vật nuôi hạn chế dịch bệnh, tránh bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Bên cạnh đó, bà con cần nắm bắt thông tin thị trường thường xuyên, kịp thời để có những hướng điều chỉnh phù hợp.

Hiện tổng đàn lợn của huyện Tiên Lữ trên 65.000 con. Trong đó, lợn nái 7.800 con; lợn thịt trên 41.000 con; lợn con theo mẹ trên 16.000 con.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem