Đề xuất ưu đãi thuế, tín dụng cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam

14/11/2020 10:24 GMT+7
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 377/TB-VPCP trong đó nêu rõ thời gian tới sẽ đề xuất ưu đãi thuế cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Ngày 11/11/2020, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 377/TB-VPCP nêu kết luận của Phó Thủ tướng tại cuộc họp về giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Theo đó, việc phát triển ngành công nghiệp ô tô giúp hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, kéo theo sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác như điện, điện tử, cơ khí chế tạo…

Tuy nhiên, do ngành này ở Việt Nam ra đời muộn, chỉ tham gia vào phân khúc thấp, chính sách thuế đặc biệt là thuế tiêu thụ đặc biệt còn chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.

Đề xuất ưu đãi thuế, tín dụng cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam - Ảnh 1.

Lãnh đạo Chính phủ đề xuất cắt giảm Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện cho xe hơi trong nước. Ảnh minh họa Internet.

Do đó, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phát triển, Thủ tướng đưa ra một số giải pháp trọng tâm như nghiên cứu, đề xuất chính sách thuế, tín dụng ưu đãi tạo điều kiện cho ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển.

Trong đó, cần điều chỉnh chính sách thuế tiêu thu đặc biệt theo hướng không tính giá trị linh kiện sản xuất trong nước vào giá trị tính thuế đối với ô tô hay hình thành gói tín dụng ưu đãi cho ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương nghiên cứu kinh nghiệm các nước trong khu vực và một số nước trên thế giới có nền công nghiệp ô tô phát triển, đề xuất giải pháp về cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô lớn.

Trước đó, tháng 7/2020, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 57/2020/NĐ-CP về biểu thuế nhập khẩu hàng hóa, trong đó có việc miễn giảm thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô nhập khẩu, linh kiện sản xuất trong nước.

Chính sách này được doanh nghiệp, giới chuyên môn đánh giá rất cao bởi nó thúc đẩy các doanh nghiệp tăng lắp ráp, giảm chi phí và tăng cường liên kết chuỗi. Ngay sau Nghị định 57 được ban hành, lần lượt Mitsubishi, Honda, Nissan và Suzuki đã, đang lên kế hoạch lắp ráp nhiều mẫu xe hơi ở Việt Nam, trong đó phải kể đến Xpander của Mitsubishi, CRV của Honda...

Điều kiện để doanh nghiệp ô tô được hưởng thuế nhập 0% theo Nghị định 57 là sản lượng chung và sản lượng riêng tối thiểu cho mẫu xe, cho doanh nghiệp phải đáp ứng được, điều này đã và đang được các hãng tập trung triển khai.

Hiện, giá xe lắp ráp tại Việt Nam chịu chi phí lớn nhất là thuế nhập khẩu, thuế nhập khẩu linh kiện, thuế tiêu thụ đặc biệt. Một số loại xe hơi nhập khẩu từ ASEAN đã không còn phải chịu thuế nhập khẩu ở Việt Nam; trong khi đó một số loại linh kiện xe hơi nhập khẩu vào Việt Nam cũng được miễn, giảm, chỉ còn thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe hơi và linh kiện vẫn còn được giữ.

Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô và linh kiện theo dung tích, thấp nhất là 35%, cao nhất là khoảng 150%, thông thường, các mẫu xe có dung tích xi lanh dưới 2.5L là khoảng 45-35%, giá trị xe hoặc linh kiện. Mức thuế cao khiến chi phí sản xuất tăng lên, giá xe tại Việt Nam đắt hơn xe các nước trong khu vực từ 10-20%.

A.Vũ
Cùng chuyên mục