Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh sinh động tại các trường học

Mỹ Quỳnh Chủ nhật, ngày 19/03/2023 17:47 PM (GMT+7)
Nhằm tạo môi trường giúp học sinh tìm hiểu và học tập đạo đức, tư tưởng của Bác Hồ, nhiều trường đã chú trọng xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh bài bản, sinh động, thu hút.
Bình luận 0

Ngoài công tác dạy học, thời gian qua, các cơ sở giáo dục từ cấp Tiểu học đến THPT tại TP.HCM đều quan tâm đến việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Cách làm của mỗi trường một khác, tùy vào điều kiện cơ sở vật chất, nhưng nhìn chung đều hướng tới xây dựng một không gian sinh động về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của Bác Hồ để học sinh học tập, tìm hiểu.

Là nơi học tập thực sự về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh

Tại Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú, TP.HCM), không gian văn hóa Hồ Chí Minh được triển khai thực hiện từ tháng 10/2022 và đưa vào hoạt động từ tháng 1/2023. Nhà trường sử dụng một phần trong thư viện để trưng bày hình ảnh, các câu nói, câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ. Không gian văn hóa cũng được trưng bày rất nhiều sách viết về Bác.

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Trường THPT Tây Thạnh. Thực hiện: MQ

Theo ghi nhận, hình ảnh Bác Hồ được đặt trang trọng trong không gian văn hóa này. Từ trái qua phải, câu chuyện cuộc đời của Bác Hồ được kể lại một cách logic với những hình ảnh sống động. Đó là những câu chuyện từ thuở thiếu niên, là thời điểm Bác rời Bến Nhà Rồng lên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville sang Pháp, là những thành quả cách mạng cho đến khi Bác qua đời... Ở phía dưới những hình ảnh này, nhà trường bố trí khu vực tự đọc, tự học để học sinh có thể lấy các cuốn sách về Bác để tìm hiểu.

Thầy Phạm Văn Cường – Phó Hiệu trưởng trường cho biết, việc dạy học sinh về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh đã được trường triển khai từ rất lâu. Tuy nhiên, không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã mang lại ảnh hưởng tích cực đến suy nghĩ, tư tưởng và hành động của giáo viên, học sinh và cả phụ huynh.

Đây không chỉ là hình ảnh trực quan, mà câu nói, câu chuyện của Bác có tác động đến học sinh qua từng tiết học, môn học. Từ đó giúp cho học sinh hiểu thêm về lịch sử dân tộc Việt Nam, tìm hiểu tư tưởng, phong cách của Bác Hồ trong cuộc sống hàng ngày. Các tổ bộ môn trong trường cũng sẽ lựa chọn một số tiết học, bài học liên quan để lồng ghép, đưa học sinh tới không gian văn hóa Hồ Chí Minh, qua đó tham quan, tìm hiểu, học tập, rút ra các giá trị riêng cho bản thân.

Để không gian văn hóa Hồ Chí Minh thực sự là nơi học tập về tấm gương đạo đức, tư tưởng của Bác Hồ - Ảnh 3.

Học sinh Trường THPT Tây Thạnh tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức Bác Hồ tại không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Ảnh: MQ

Song song đó, nhà trường còn tổ chức cuộc thi "Kể chuyện sách Bác Hồ và những bài học về đạo đức giành cho học sinh trung học phổ thông"; xây dựng tủ sách Bác Hồ - Xây dựng không gian văn hóa đọc; xây dựng trang tin về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh trên mạng; trang trí ở các phòng làm việc gắn liền với những hình ảnh, câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lê Thị Hà Vy, học sinh lớp 10C6, Trường THPT Tây Thạnh chia sẻ, hầu hết học sinh của lớp đều hứng thú khi được học tập tại không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Theo Vy, hiện tại môn Lịch sử không được nhiều học sinh yêu thích bởi quá nhiều chữ và khô khan. Tuy nhiên, với mô hình không gian văn hóa Hồ Chí Minh, học sinh không chỉ dễ dàng cảm nhận tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ, mà cũng hứng thú, say mê tìm hiểu về lịch sử.

Để không gian văn hóa Hồ Chí Minh thực sự là nơi học tập về tấm gương đạo đức, tư tưởng của Bác Hồ - Ảnh 4.

Nhà trường đánh giá rất cao tác động của không gian văn hóa Hồ Chí Minh đến suy nghĩ, hành động của học sinh. Ảnh: MQ

Tương tự, tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận Gò Vấp, TP.HCM), không gian văn hóa Hồ Chí Minh được nhà trường bố trí phù hợp với cấp tiểu học. Tại các hành lang, nhà trường trưng bày các bài thơ ca, bài hát và truyện ngắn về Bác với nhiều hình ảnh sống động của Bác và thiếu nhi. Tại khu vực gần cổng, nhà trường bố trí hai bảng lớn, trưng bày nhiều hình ảnh về cuộc đời của Bác, các mô hình gắn với Bác như Bến Nhà Rồng, Nhà sàn, Lăng Bác...

Lãnh đạo nhà trường cho biết, để giáo dục học sinh về tư tưởng, đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh, các em học sinh sẽ được thầy cô đưa đến không gian văn hóa Hồ Chí Minh và giới thiệu, kể những câu chuyện về Bác. Trường cũng thường xuyên thực hiện các chuyên đề về lịch sử và mời cán bộ từ Bảo tàng TP.HCM, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh để chia sẻ cho học sinh.

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đặt gần cổng trường, không chỉ là nơi cho học sinh tham quan, học tập, mà cả phụ huynh khi đến trường, đưa đón học sinh cũng có thể tìm hiểu.

Để không gian văn hóa Hồ Chí Minh thực sự là nơi học tập về tấm gương đạo đức, tư tưởng của Bác Hồ - Ảnh 5.

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận Gò Vấp. Ảnh: MQ

Ngoài hai trường nói trên, tại TP.HCM có rất nhiều mô hình không gian văn hóa Hồ Chí Minh nổi bật như tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1), Trường THPT Đào Sơn Tây (TP.Thủ Đức). Trong đó, tại trường THPT Đào Sơn Tây, không gian văn hóa Hồ Chí Minh được bố trí trưng bày như một bảo tàng thu nhỏ tạo sự hứng thú lớn cho học sinh khi học tập.

Theo ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GDĐT TP.HCM, hầu hết các trường đã thực hiện xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh phù hợp với từng cấp học, bậc học. Nội dung trưng bày cũng hướng đến xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình; gắn với giáo dục văn hóa học đường... và là nơi cán bộ, giáo viên, học sinh học tập thường xuyên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem