ĐBQH nói về căng thẳng Mỹ-Trung: "Trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết"

Minh Huệ Thứ tư, ngày 30/10/2019 09:48 AM (GMT+7)
Sáng nay, Quốc hội bắt đầu 2 ngày thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2019 cũng như kế hoạch 2020. Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) đã bày tỏ nhiều vấn đề lo ngại về tăng trưởng kinh tế, tình hình căng thẳng Mỹ - Trung được ông ví von là "trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết".
Bình luận 0

Ngay khi Quốc hội bắt đầu thảo luận kinh tế - xã hội, 105 đại biểu đã đăng ký phát biểu.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng kinh tế thế giới từ đầu năm đến nay có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không thuận tới nền kinh tế nước ta. Ở trong nước những yếu kém của nền kinh tế từ nhiều năm chưa thể khắc phục trong ngày một ngày hai, nhưng nhìn chung tăng trưởng vẫn được cải thiện, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh, kinh tế có nhiều điểm sáng.

Năm 2019, trên 130.000 doanh nghiệp đã được thành lập mới, đầu tư xã hội được mở rộng. Năm 2019 cũng là năm lần dầu tiên tăng trưởng đến từ khu vực chế biến, chế tạo. Tỷ trọng xuất khẩu, đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân tăng lên, Việt Nam cũng được xếp vào nhóm nước tăng trưởng mạnh nhất khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng nếu nhìn 2020 và những năm tiếp theo thì chưa thể yên tâm, việc giữ mục tiêu tăng trưởng 6,8% đồng thời cải thiện chất lượng tăng trưởng thời gian tới là rất gian nan khi chúng ta đang trong bối cảnh thương mại giảm thấp, dự báo có thể tới ngưỡng suy thoái kinh tế toàn cầu.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta có nhiều vấn đề đáng lo ngại, nhất là trong bối cảnh kinh tế Việt Nam phụ thuộc 2 nguồn chính là đầu tư nước ngoài và xuất khẩu, thì liệu mục tiêu giữ đà tăng trưởng của Chính phủ có khả thi? Đề nghị Chính phủ cần có kịch bản, kế hoạch chủ động ứng phó cho vấn đề này.

img

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch VCCI. 

Ông Lộc cũng cảnh báo một số nguy cơ đối với nền kinh tế. Theo đó, ngành chế biến chế tạo tuy dẫn dắt về tốc độ tăng trưởng tới 11,37%, nhưng đằng sau đó lại là lĩnh vực có tỷ lệ hàng tồn kho lớn chưa từng có, kỷ lục 17,2%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2018 (13%). Vậy tăng trưởng ngành này có bền vững hay không? 

"Về căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, rất nhiều chuyên gia dự báo sẽ đem lại nhiều thuận lợi cho kinh tế Việt Nam,  rằng Việt Nam sẽ trở thành công xưởng mới của thế giới, song thực tế cho thấy điều ngược lại. Trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết", ông Lộc nói.

9 tháng đầu năm tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam tăng 8,2%, chỉ bằng phân nửa tốc độ tăng cùng kỳ (15,4%), bằng 1/3 vào những năm trước đó. Cơ cấu xuất khẩu sang các thị trường chính có những bất lợi, khi 5 nhóm thị trường chính đều sụt giảm, như xuất sang EU, Nhật Bản, Asean... giảm tốc, duy nhất vào Mỹ tăng trưởng đột biến nhưng chứa đựng nhiều rủi ro về gian lận thương mại. 

Ông Lộc nhấn mạnh Việt Nam đang là một trong 6 quốc gia xuất siêu nhiều nhất vào Mỹ. Trong khi đó, hầu hết quốc gia xuất siêu cao vào Mỹ đều bị nước này trừng phạt.

“Ai có thể đảm bảo rằng chúng ta không bị trừng phạt khi xuất siêu vào Mỹ?”, ông Lộc đặt câu hỏi. 

Chủ tịch Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam cũng bày tỏ sự lo ngại khi nhấn mạnh, bức tranh về đầu tư nước ngoài cũng chẳng sáng sủa hơn, khi 9 tháng đầu năm giảm tốc ở 2 nguồn quan trọng là Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi đó lại tăng đột biến từ các nguồn liên quan đến Trung Quốc, bao gồm Trung Quốc, Hồng Kong, Đài Loan. 

"Đầu tư nước ngoài dịch chuyển theo hướng này đang phát đi một tín hiệu thiếu bền vững, thiếu cân bằng và chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng tăng trưởng dài hạn của nước ta", ông Lộc nói.

Vị đại biểu tỉnh Thái Bình cho rằng động lực chính tăng trưởng trong thời gian tới là nâng cao sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, 3 năm liên tiếp nguồn thu ngân sách từ doanh nghiệp - chỉ báo bền vững của ngân sách quốc gia - không đạt chỉ tiêu, chứng tỏ cộng đồng doanh nghiệp đang khó khăn.

"Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, các nước đồng loạt giảm lãi suất, giảm chi phí, ba hành các gói kích thích phát triển kinh tế, để giảm khó khăn cho doanh nghiệp, còn ở Việt Nam thì sao, khi mà lãi suất vay vốn vẫn ở mức cao? Báo cáo mới đây của Ngân hàng thế giới cũng đã cảnh báo, Việt Nam tuy đã có nhiều thay đổi nhưng nếu không có cải cách mạnh mẽ hơn, Việt Nam sẽ bị tụt hậu so với các nước trong khu vực", ông Lộc chỉ rõ.

Do đó, Chủ tịch VCCI đề nghị Chính phủ cần có cải cách mạnh mẽ hơn nữa điều kiện kinh doanh, thể chế, để doanh nghiệp phát triển, nếu không thì Việt Nam có nguy cơ tụt hậu. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem