Thanh Hóa: Bình thường đã bị chê lắm rác, nhưng sao đột nhiên bãi biển Ngư Lộc lại ngập rác nhiều hơn?

Hữu Dụng - Hoài Thu Thứ sáu, ngày 29/04/2022 12:50 PM (GMT+7)
Nhiều năm qua, việc xử lý triệt để các vấn đề môi trường, rác thải sinh hoạt của xã ven biển Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) luôn là bài toán khó chưa có lời giải. Người dân ở đây đang hàng ngày phải sống chung với rác thải và chịu cảnh ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Bình luận 0

Clip: Rác thải tràn lan dọc bờ biển xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa

Ghi nhận của phóng viên, dọc bờ biển xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá, đủ loại rác thải từ phụ phẩm chế biến hải sản, túi nilon, đồ nhựa, thùng xốp hỏng… chất thành đống ngay mép nước biển. Những bãi rác này một phần được hình thành sau mỗi chuyến tàu, thuyền cập bến hoặc đến từ hoạt động của các cơ sở sơ chế hải sản. Thỉnh thoảng, chúng tôi lại bắt gặp người dân mang cả bao tải rác trút xuống biển.

Người dân xã biển đông nhất cả nước khốn khổ vì rác thải - Ảnh 2.

Dọc theo bờ biển, đủ loại rác thải từ từ phụ phẩm chế biến hải sản, túi nilon, đồ nhựa, thùng xốp hỏng… chất thành đống ngay mép nước biển. Ảnh: HT

Được biết, toàn xã Ngư Lộc hiện có gần 400 tàu thuyền đánh bắt hải sản, thu hút hàng nghìn lao động trực tiếp, kéo theo đó là dịch vụ hậu cần nghề cá, dịch vụ thương mại phát triển. Các nghề này sử dụng một lượng lớn túi nilon, bao bì, thùng xốp… đựng các mặt hàng nên phát sinh lượng rác thải, nước thải hàng ngày là rất lớn.

Hầu hết các cơ sở sơ chế hải sản hoạt động ngay khu vực bờ biển đều có quy mô nhỏ lẻ, phương thức chế biến thủ công. Nước thải được xả thẳng ra đường hoặc xuống các cống rãnh thoát nước, tích tụ lâu ngày trở nên đen kịt, đặc quánh. Tại các cống nước thải từ khu dân cư dẫn thẳng ra biển cũng đều đen sánh và bốc mùi hôi thối.

Người dân xã biển đông nhất cả nước khốn khổ vì rác thải - Ảnh 3.

Người dân tận dụng phơi đầu tôm, đầu cá tại các khoảng trống trên đê biển ngay cạnh các đống rác. Ảnh: HT

Bà Phạm Thị Hồng (thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc) cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây đã diễn ra hàng chục năm nay. Người dân nhiều lần phản ánh lên chính quyền nhưng không có cách giải quyết triệt để.

"Ở đây chủ yếu các cơ sở tư nhân, hộ gia đình là nghề chế biến hải sản. Do đất chật người đông không có chỗ làm công trình xử lý nước thải nên rất ô nhiễm. Hơn nữa, đây là vịnh xoáy nên lượng rác thải từ biển bị đẩy vào đây rất lớn. Thủy triều xuống kéo rác thải ra biển, đến khi lên lại đưa rác thải vào nên cứ dọn được hôm nay, ngày mai lại ngập ngụa rác. Chúng tôi bất đắc dĩ phải thích nghi với cuộc sống như thế này mãi cũng thành quen", bà Hồng nói.

Người dân xã biển đông nhất cả nước khốn khổ vì rác thải - Ảnh 4.

Các lán trại sơ chế hải sản được dựng ngay trên đê biển. Ảnh: HT

Theo thống kê, hiện nay, dân số của xã Ngư Lộc xấp xỉ 18.000 người nhưng diện tích đất ở tính trên đầu người chỉ vỏn vẹn 0,47km2. Dân số đông, cộng với ngành nghề đặc trưng, mỗi ngày xã Ngư Lộc xả thải ra môi trường cả chục tấn rác và hàng trăm khối nước thải chưa qua xử lý. Hàng ngày, người dân đã phải xoay sở với hàng tấn rác thải sinh hoạt, cộng thêm rác từ tứ xứ đổ về khiến mảnh đất này càng thêm gánh nặng.

Theo người dân ở đây, môi trường độc hại ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân và hệ sinh thái biển. Các loại bệnh như bệnh ngoài da, hô hấp là một mối đe dọa thường trực với người dân, đặc biệt là trẻ em và những người có sức đề kháng kém.

Người dân xã biển đông nhất cả nước khốn khổ vì rác thải - Ảnh 5.

Nước thải từ các lán trại sở chế hải sản đổ thẳng xuống biển. Ảnh: HT

Để giải quyết vấn đề rác thải, UBND xã Ngư Lộc đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp trên địa bàn chịu trách nhiệm vận chuyển rác đi xử lý. Nguồn kinh phí được lấy từ nguồn đóng góp của nhân dân.

Theo tìm hiểu, mỗi ngày, tổ thu gom và xử lý rác thải xã Ngư Lộc tiếp nhận khoảng 12 tấn rác thải để đưa đi xử lý. Tuy nhiên, con số này là chưa đủ để giải quyết triệt để lượng rác thải của người dân địa phương xả ra môi trường.

Bà Đinh Thị Minh (thôn Thắng Lộc, xã Ngư Lộc) cho biết: "Hàng tháng, mỗi nhân khẩu phải đóng 10.000 đồng cho công ty môi trường vận chuyển rác đi nơi khác xử lý. Nhưng cũng chỉ giảm thiểu chứ không thể hết. Nhiều khi đội thu gom không vận chuyển hết được lượng rác lớn trong khu dân cư, nhiều người dân lại mang vứt trộm ra biển".

Người dân xã biển đông nhất cả nước khốn khổ vì rác thải - Ảnh 6.

Người dân mang cả bao tải rác ra bờ biển vứt bỏ. Ảnh: HT

Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Văn Hải – cán bộ địa chính, phụ trách môi trường xã Ngư Lộc cho biết, từ khi có công ty môi trường thu gom rác thải sinh hoạt của bà con cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thu gom, đổ rác đúng nơi quy định thì không có tình trạng người dân ném rác bừa bãi ra biển nữa.

"Không có ai vứt rác ra biển cả vì họ đã mất tiền thuê công ty thu gom vận chuyển rồi. Rác thải tồn tại ở dọc bờ biển hiện nay là từ nơi khác đổ về. Hiện xã đã có phương án cụ thể và hàng tháng, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên xã cũng tổ chức thu gom, vệ sinh ngoài bờ biển", ông Hải phân trần.

Người dân xã biển đông nhất cả nước khốn khổ vì rác thải - Ảnh 7.

Cống dẫn nước thải sinh hoạt từ khu dân cư đổ ra biển. Ảnh: HT

Còn về vấn đề nước thải của các cơ sở hậu cần, chế biến hải sản và nước thải sinh hoạt thì tất cả đều đổ gom về cống lớn và đổ ra biển nhưng không có ảnh hưởng cũng như không gây ô nhiễm môi trường vì nó không có hóa chất gì cả.

"Thực tế tại thời điểm trước đây khi trên địa bàn có tình trạng ngao chết nhiều, các cơ quan chuyên môn của Sở TNMT cũng đã đưa máy về đo các mẫu nước thải và sau đó có kết luận không có ảnh hưởng đến môi trường", ông Hải thông tin thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem