dd/mm/yyyy

Đây là lý do nhiều nông sản Việt Nam phải chờ gần 2 tháng mới được thông quan khi sang Úc

Cùng với tôm, nhiều sản phẩm khác của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Úc (sản phẩm phải qua kiểm dịch) đều phải “nằm chờ” để được thông quan vì nước này thiếu lao động.

Trước tình trạng đó, Thương vụ Việt Nam tại Úc đề xuất, với nông sản tươi, doanh nghiệp nên vận chuyển hàng xuất khẩu vào Úc bằng đường hàng không.

Tôm Việt vào Úc phải ‘nằm chờ’ 6-7 tuần mới được thông quan

Đây là lý do nhiều nông sản Việt Nam phải chờ gần 2 tháng mới được thông quan khi sang Úc - Ảnh 1.

Ngoài tôm, các loại nông sản như trái cây tươi Việt Nam xuất khẩu vào Úc cũng bị chậm thông quan. Ảnh: Trung Chánh

Thương vụ Việt Nam tại Úc cho biết, từ khi xảy ra dịch Covid-19, đặc biệt là thời gian gần đây, tình trạng chậm thông quan hàng hoá nhập khẩu vào Úc do vướng ở khâu kiểm dịch đã trở nên trầm trọng hơn, nhất là ở hai bang New South Wales và Victoria.

Nguyên nhân chính là do Úc đang thiếu lao động ở nhiều lĩnh vực trong khi thương mại tăng trưởng còn dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Úc, không chỉ mặt hàng tôm, các mặt hàng khác cần kiểm dịch khi nhập khẩu vào quốc gia này đều phải đối diện với tình trạng chậm trễ.

Trước đó, tại buổi gặp gỡ các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy hải sản Việt Nam và Úc diễn ra vào chiều 2-8, ở thành phố Cần Thơ, bà Liêu Kim Thuý, Phụ trách nhóm bán hàng thị trường Úc, New Zealand của Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú, đơn vị xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam cũng cho biết, do phía Úc thiếu hụt nhân sự nên doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong vấn đề thông quan.

“Nhiều container hàng của Minh Phú sang Úc phải nằm chờ 6-7 tuần để được tháo dỡ thông quan”, bà nói.

Theo bà Thuý, vì chậm thông quan nên doanh nghiệp buộc phải lưu kho với chi phí rất lớn, lên đến 15.000-20.000 đô la Mỹ, chiếm 10% trị giá lô hàng.

Trước tình trạng thông quan hàng hoá vào Úc gặp khó khăn như nêu trên, Thương vụ Việt Nam tại Úc đề xuất, với nông sản tươi, việc xuất khẩu hàng vào Úc nên vận chuyển bằng đường hàng không.

Mặt khác, Thương vụ sẽ vận động các nhà nhập khẩu ở tây và nam Úc, những nơi không bị quá tải như ở hai bang New South Wales và Victoria đẩy mạnh nhập khẩu hàng hoá.

“Với các lô hàng quả tươi đến Úc, Thương vụ sẽ chủ động làm việc với nhà nhập khẩu về lịch nhập và đề xuất phối hợp, có ý kiến với cơ quan kiểm dịch”, theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Úc.

Cũng theo đó, đơn vị này đã trao đổi với Cơ quan kiểm dịch của Úc, đề nghị có giải pháp hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt là hàng nông, thuỷ sản.

Song song đó, Thương vụ cũng đề nghị doanh nghiệp cần tuân thủ đầy đủ các điều kiện nhập khẩu vào Úc để tránh phát sinh thêm thời gian trong điều kiện khó khăn như hiện nay đàm và phán với nhà nhập khẩu để cùng chia sẻ chi phí trong thời gian chờ kiểm dịch…

Theo Thương vụ Việt Nam tại Úc, 6 tháng đầu năm nay, thương mại song phương Việt Nam – Úc đạt hơn 8 tỉ đô la Mỹ và có thể sẽ đạt 15 tỉ đô la Mỹ trong cả năm 2022.


Trung Chánh