Dấu ấn khuyến nông với những mô hình "5 tăng": Bài học nhớ đời từ những con trâu bị chết rét (Bài 1)

Bình Minh Thứ bảy, ngày 08/10/2022 19:00 PM (GMT+7)
Bây giờ nhà ông Quàng Văn Trịnh ở xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) đang sở hữu 10 con trâu béo mập trong chuồng. Chuồng nuôi trâu được ông xây dựng kiên cố, thoáng mát, không hề có mùi hôi thối, cũng không sợ trâu bị chết rét nữa. Ông còn sắm cả máy thái cỏ, để thuận tiện cho trâu ăn.
Bình luận 0

LTS: Là những người luôn đồng hành, sát cánh cùng nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong chỉ đạo sản xuất; xây dựng mô hình, điển hình; chuyển giao kỹ thuật và hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp..., lực lượng Khuyến nông Việt Nam thời gian qua đã góp phần quan trọng thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hàng nghìn mô hình đa dạng ở các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thuỷ hải sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp... đã được cán bộ khuyến nông triển khai ở nhiều địa phương, góp phần tạo ra lượng hàng hoá nông sản, thực phẩm chất lượng, cạnh tranh với các thị trường trên thế giới... 

Trong đó, nhiều mô hình do hệ thống khuyến nông triển khai đã giúp người nông dân đạt được "5 tăng", như tăng năng suất, sản lượng; tăng trình độ sản xuất; tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm; tăng cường liên kết theo chuỗi; tăng thu nhập... Tuy nhiên, cũng có nơi khuyến nông làm chưa tốt, có nơi đang bị đứt gãy, hoặc lúng túng trong việc duy trì hoạt động của hệ thống.

Mới đây, Bộ NNPTNT đã ban hành Đề án xây dựng vùng nguyên liệu và Đề án khuyến nông cộng đồng giai đoạn 2022-2025. Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt xin giới thiệu với bạn đọc những mô hình khuyến nông cộng đồng hiệu quả, những dự án lớn giúp nhiều hộ nông dân đổi đời... 

Trâu bị chết rét vì thiếu kiến thức

Gia đình ông Quàng Văn Trịnh ở xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) nằm ngay ở mặt đường quốc lộ 6 chạy qua. Mặc dù là hộ chăn nuôi tương đối lớn trên địa bàn xã nhưng khi chúng tôi đến thì không hề ngửi thấy mùi hôi thối gì từ khu chuồng trại của gia đình ông. Hỏi ra mới biết, ông Trịnh đang áp dụng mô hình chăn nuôi trâu vỗ béo và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai thực hiện.

Điện Biên: Tham gia mô hình khuyến nông nuôi trâu vỗ béo, nông dân nhàn hơn, lãi cao hơn - Ảnh 1.

Ông Quàng Văn Trịnh ở xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) từ khi tham gia mô hình vỗ béo trâu thịt và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông đã biết cách phối trộn thức ăn, xử lý môi trường...Ảnh: Bình Minh

10 con trâu béo mập, đứng thành hàng thẳng tắp trong chuồng, khi tôi bước vào "lãnh địa" của chúng, bước tới xoa đầu, vuốt ve cái bụng nhưng chúng không có vẻ gì khó chịu mà ngược lại còn rất thích thú. Khi người chủ nhân đưa cỏ ủ chua với men vi sinh vào máng thì con nào con nấy đều ăn một cách ngon lành.

Nói với tôi, ông Trịnh bảo, gia đình làm nghề chăn nuôi trâu từ nhiều năm rồi, nhưng chỉ chăn thả tự phát. Buổi sáng thả trâu vào rừng cho chúng tự tìm thức ăn, trời tối lại lùa trâu về. Có đợt còn để chúng ở lại trong rừng đến vài ngày. Bởi thế mà nuôi cả năm mà trâu vẫn chậm lớn, gầy gò.

Ông Trịnh nhớ lại những năm trước, khi mùa đông đến, do thiếu kiến thức trong chăn nuôi gia đình không chuẩn bị kỹ chuồng trại để ủ ấm cho trâu, thức ăn tinh và cỏ dự trữ đều bị thiếu, có con không chịu được đã phải chết rét, thiệt hại hàng chục triệu đồng. 

"Đối với nhà nông, con trâu là đầu cơ nghiệp, có giá trị kinh tế lớn. Vì vậy khi trâu chết rét, xót xa vô cùng. Chưa kể dịch bệnh, rồi vấn đề xử lý vệ sinh chuồng trại sao cho đảm bảo môi trường, không ảnh hưởng đến người dân xung quanh là điều tôi luôn băn khoăn trăn trở vì không biết làm thế nào để thực hiện" - ông Trịnh kể. 

Vào mùa đông giá rét, nhiệt độ xuống thấp, thức ăn thô xanh đều thiếu thốn, gia đình lại không có diện tích trồng cỏ để dự trữ thức ăn nên đàn trâu phải khó khăn vô cùng để vượt qua được mùa đông khắc nghiệt ở Tây Bắc. 

Nhưng bắt đầu từ năm 2022, khi được chọn để thực hiện xây dựng mô hình vỗ béo trâu thịt và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thì bài toán khó giải ấy đã tìm ra lời giải. Theo đó, gia đình ông Trịnh là một trong 25 hộ ở xã Quài Nưa được lựa chọn để xây dựng mô hình.

Điện Biên: Tham gia mô hình khuyến nông nuôi trâu vỗ béo, nông dân nhàn hơn, lãi cao hơn - Ảnh 2.

Cuối tháng 9 vừa qua, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã kiểm tra mô hình vỗ béo trâu thịt và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học tại gia đình ông Quàng Văn Trịnh ở xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên). Ảnh: Bình Minh

Chia sẻ niềm vui với tôi, ông Trịnh cho biết, tham gia mô hình, ông và các hộ được hỗ trợ 100% chi phí về thức ăn hỗn hợp cho trâu, chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y. Đặc biệt, các hộ còn được cán bộ của Trung tâm Khuyến nông – Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh Điện Biên đến tận nơi (đơn vị triển khai thực hiện mô hình) đào tạo, tập huấn về kỹ thuật chọn trâu đưa vào vỗ béo. Thiết kế chuồng trại; sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý chất thải của trâu giảm thiểu mùi hôi thối, đảm bảo vệ sinh môi trường; kỹ thuật trồng một số loại cỏ làm thức ăn cho trâu; sản xuất và chế biến một số loại thực ăn thô xanh và thức ăn tinh bột cho trâu bò...nên đàn trâu luôn khỏe mạnh, béo tốt.

Với quy trình nuôi trâu vỗ béo theo hình thức nuôi nhốt tập trung, ông Trịnh cho hay, sau 3 tháng vỗ béo tăng khối lượng trung bình đạt 90 kg/con (bình quân tăng 1 kg - 1,2 kg/con/ngày). Đối với trâu loại thải, sau 3 tháng vỗ béo tăng khối lượng trung bình đạt 68,5 kg/con (bình quân tăng 761 gam/con/ngày). Cũng nhờ đó, ông Trịnh đã có nguồn thu nhanh hơn và cao hơn cấp nhiều lần so với phương pháp chăn nuôi truyền thống.

Điện Biên: Tham gia mô hình khuyến nông nuôi trâu vỗ béo, nông dân nhàn hơn, lãi cao hơn - Ảnh 3.

Gia đình ông Trịnh tham gia mô hình vỗ béo trâu thịt và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học với 10 con trâu. Ảnh: Bình Minh

Lan tỏa mô hình chăn nuôi trâu vỗ béo đến đồng bào Tây Bắc

Ông Trịnh cho biết, từ khi áp dụng mô hình vỗ béo trâu thịt và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học đã làm thay đổi nhận thức của gia đình ông và lan tỏa đến các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã, chuyển dần từ chăn nuôi tự phát sang chăn nuôi theo quy trình kỹ thuật, bà con đã biết cách phối trộn thức ăn, cách cho ăn, xây dựng khẩu phần ăn cho ăn phù hợp giúp tăng trọng nhanh, xuất bán đúng thời điểm....hiệu quả kinh tế tăng 17% - 22%.

Điện Biên: Tham gia mô hình khuyến nông nuôi trâu vỗ béo, nông dân nhàn hơn, lãi cao hơn - Ảnh 4.

Sau khi tham gia mô hình, ông Trịnh đã xây dựng khu dự trữ thức ăn khoa học, bài bản, đảm bảo cho đàn trâu luôn đủ thức ăn cả vào mùa đông và mùa hè. Ảnh: Bình Minh

Hiện nay, ông Trịnh cũng là thành viên của HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ giống nông - lâm nghiệp (bản Bó Giáng, xã Quài Nưa). Từ khi chuyển đổi sang phương pháp chăn nuôi mới này, các thành viên của HTX cũng lấy đó để học tập, làm theo.

"Chúng tôi xác định phát triển chăn nuôi gia súc là một trong những hướng đi hiệu quả để xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình. Nhưng bao nhiêu năm nay vẫn loay hoay tìm hướng đi, nhiều hộ chăn nản còn bỏ làm nghề khác", ông Trinh nói, cho hay rất phấn khởi khi giờ đây đã có đường đi đúng đắn để phát triển nghề chăn nuôi.

Điện Biên: Tham gia mô hình khuyến nông nuôi trâu vỗ béo, nông dân nhàn hơn, lãi cao hơn - Ảnh 5.

Ông Trịnh dùng máy cắt nhỏ cỏ xanh để ủ chua với men vi sinh làm thức ăn cho trâu. Ảnh: Bình Minh

Cuối tháng 9 vừa qua, tại buổi kiếm tra mô hình vỗ béo trâu thịt và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học của gia đình ông Trịnh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia Lê Quốc Thanh đánh giá rất cao hiệu quả của mô hình mang lại cho bà con trong chăn nuôi. Đặc biệt, mô hình còn giải quyết vấn đề khó khăn trong xử lý chất thải chăn nuôi thải ra môi trường; tạo môi trường chăn nuôi sạch và bền vững.

Bên cạnh đó, ông Thanh cho rằng, với phương pháp chăn nuôi trâu vỗ béo tập trung sẽ tận dụng được diện tích đất để trồng cỏ, từ đó kết hợp với công nghệ ủ chua để tăng thành phần dinh dưỡng, ngoài ra bổ sung các thức ăn tinh và kiểm soát được an toàn dịch bệnh.

Từ điểm sáng của mô hình của gia đình ông Trịnh, ông Thanh đánh giá dư địa để phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các tỉnh miền núi phía Bắc còn rất lớn. Tuy nhiên, sản xuất còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Để giải quyết vấn đề này Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đang triển khai hàng loạt các mô hình vỗ béo đàn đại gia súc, từ đó người dân sẽ từng bước chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp bằng cách đầu tư, chuyên nghiệp hóa cho người nông dân.

Mô hình vỗ béo trâu thịt và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai tại tỉnh Điện Biên từ năm 2021 đến nay. Theo đó, năm 2021 triển khai mô hình tại xã Pú Nhi và Keo Lôm huyện Điện Biên Đông với 40 hộ tham gia, quy mô 68 con. Năm 2022 triển khai tại xã Pú Nhung và Quài Nưa huyện Tuần Giáo với 50 hộ tham gia, quy mô 126 con.

Ông Mai Văn Nam, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh Điện Biên cho hay, bên cạnh những điều kiện thuận lợi, ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia súc ăn cỏ của tỉnh Điện Biên còn nhiều khó khăn, hạn chế, đó là các hộ dân chăn nuôi phân tán, quy mô nông hộ chiếm tỷ lệ cao 99,6% và sử dụng giống địa phương (trâu nội) là chủ yếu.

Chất thải trong chăn nuôi gia súc chưa được xử lý triệt để gây ô nhiễm môi trường. Chưa hình thành được các chuỗi liên kết trong chăn nuôi gia súc ăn cỏ gắn với giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Chính bởi vậy, từ khi triển khai mô hình vỗ béo trâu thịt và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học tại huyện Điện Biên Đông và Tuần Giáo đã "đánh thức" tiềm năng cũng như làm thay đổi tư duy chăn nuôi của người dân.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem