Dấu ấn của Đề cương Văn hóa Việt Nam: Nền văn hóa phát triển, ngoài xây nền cũng cần vun đắp đỉnh cao (Bài 2)

Việt Phương - Thanh Hà Thứ tư, ngày 22/02/2023 08:00 AM (GMT+7)
"Một nền văn hóa phát triển, thì bên cạnh việc chú ý xây nền, cũng cần chú ý vun đắp những đỉnh cao. Nghĩa là, là cùng với văn hóa đại chúng, cũng phải hết sức chú ý tới văn hóa tinh hoa", PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu chia sẻ với Dân Việt.
Bình luận 0


Ba nguyên tắc "Dân tộc hóa", "Đại chúng hóa", "Khoa học hóa" chính là những nền tảng cốt lõi của Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943). Các nguyên tắc này đã nêu rõ tính chất của nền văn hóa Việt Nam lúc bấy giờ và làm nổi bật những đặc điểm của cách mạng - mặt trận văn hóa. Trải qua 80 năm, 3 nguyên tắc của Đề cương văn hóa Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị. Dấn Việt đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu - Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về vấn đề này để làm rõ hơn những giá trị mà Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 mang lại.

"Dân tộc hóa", "Đại chúng hóa", "Khoa học hóa" đã làm nổi bật những đặc điểm của cách mạng văn hóa

Đề cương văn hóa Việt Nam (1943) được các nhà chính trị, giới nghiên cứu văn hóa, lịch sử lúc đó và sau này ví như là tuyên ngôn, là cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa và cách mạng, có ý nghĩa khai sáng, mở đường cho cách mạng Việt Nam. Đề cương văn hóa xác định rõ ba nguyên tắc: "Dân tộc hóa", "Đại chúng hóa", "Khoa học hóa". Khi ra đời, ba nguyên tắc này có ý nghĩa như thế nào với sự phát triển của văn hóa Việt Nam? Sau 80 năm những nguyên tắc đó có còn giữ nguyên giá trị? 

- Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, tình hình quốc tế và trong nước có những diễn biến phức tạp. Với tư cách là một Cương lĩnh đầu tiên của Đảng về lĩnh vực văn hóa, Đề cương không chỉ có ý nghĩa đối với việc hình thành đường lối văn hóa cách mạng của Đảng, không chỉ có ý nghĩa đối với việc xây dựng một nền văn hóa mới của nền tân dân chủ mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với việc tập hợp lực lượng cho cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, tiến tới một cuộc tổng khởi nghĩa giành độc lập dân tộc sẽ diễn ra vào hai năm sau đó. 

Nền văn hóa mới được vận hành theo 3 nguyên tắc: "Dân tộc hóa", "Đại chúng hóa", "Khoa học hóa". Trong Đề cương cũng đã nêu rõ nội dung, cách thức triển khai của từng nguyên tắc này trong thực tiễn đời sống văn hóa nước nhà thời điểm đó. Trong đó, "dân tộc hóa" là "chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, khiến cho vǎn hóa Việt Nam phát triển độc lập". "Đại chúng hóa" là "chống mọi chủ trương, hành động làm cho vǎn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng". "Khoa học hóa" là "chống lại tất cả những cái gì làm cho vǎn hóa trái khoa học, phản tiến bộ". 

Bản Đề cương đã nêu rõ tính chất của nền văn hóa Việt Nam lúc bấy giờ. Bên cạnh những giá trị văn hóa truyền thống đẹp, nền văn hóa dân tộc đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách nô dịch văn hóa của thực dân Pháp, phát xít Nhật và cả từ những hạn chế bên trong của nó trong quá trình phát triển. Quán triệt ba nguyên tắc "dân tộc hóa", "đại chúng hóa", "khoa học hóa" này cũng chính là xây dựng một nền văn hóa độc lập, tự cường, lấy bản sắc văn hóa dân tộc làm nguồn lực nội sinh để phát triển, kiên quyết chống lại những gì phản dân tộc, phản nhân văn, phản giá trị, phản khoa học, phản tiến bộ. 

Ba nguyên tắc này đã làm nổi bật những đặc điểm của cách mạng văn hóa, của mặt trận văn hóa, đó là cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu, giữa cái thiện và cái ác, xây dựng một nền văn hóa mới lấy hạnh phúc của đồng bào, hạnh phúc của dân tộc làm cơ sở như lời phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946.

80 năm qua, sự kiểm nghiệm của thực tiễn đã khẳng định chân giá trị của ba nguyên tắc vận động nền văn hóa mới nói riêng, của Đề cương về văn hóa Việt Nam nói chung. Đất nước độc lập, thống nhất, hòa bình, nhân dân ấm no, hạnh phúc, nền văn hóa mới có nhiều khởi sắc, đời sống tinh thần của người dân ngày càng phong phú... chính là những minh chứng sống động cho những giá trị vừa có tính lịch sử, vừa có tính thời đại của Đề cương về văn hóa Việt Nam. 

Trong giai đoạn hiện nay, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học chính là sự kế thừa, phát triển hệ thống lý luận về văn hóa mà Đảng ta đã khơi nguồn, đã xác lập từ Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943.

Bàn về khoa học, dân tộc và đại chúng của Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943) - Ảnh 1.

Đề cương văn hóa Việt Nam ra đời vào năm 1943 do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo. (Ảnh; TL).

Trong "Hội nghị văn hóa toàn quốc" diễn ra ngày 26/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định "văn hóa còn thì dân tộc còn". Nguyên tắc "Dân tộc hóa" nêu rõ việc kế thừa, xây dựng và phát triển nền văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc. Tính kế thừa đó đã được thực hiện, phát huy, gìn giữ ra sao trong suốt thời gian vừa qua?

- Văn hóa Việt Nam là thành quả lao động sáng tạo của biết bao thế hệ người Việt Nam cùng sinh sống trên dải đất hình chữ S này. Những sáng tạo đó kết tinh thành các truyền thống, thành hệ giá trị, thành bản sắc quốc giá, dân tộc. Văn hóa chính là yếu tố quan trọng để nhận diện, để định vị dân tộc trên trường quốc tế. Để phát huy vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày hôm nay, để hoàn thành chiến lược xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc tất yếu phải chăm lo, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống. 

Nếu như trong Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943, nguyên tắc "Dân tộc hóa" nhấn mạnh đến khía cạnh đấu tranh chống lại những chính sách, những âm mưu nô dịch dân tộc ta về phương diện văn hóa thì trong bối cảnh hiện nay, nguyên tắc "Dân tộc hóa" đặt ra yêu cầu phải chú trọng đến việc phát hiện, bảo tồn, lan tỏa những giá trị văn hóa, những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. 

Trong thực tế, để thực hiện nguyên tắc "dân tộc hóa", chúng ta đã chú ý đến việc bảo tồn di sản văn hóa, cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, chú trọng đến công tác giáo dục truyền thống, truyền thông để nâng cao nhận thức của cả cộng đồng về vai trò của di sản cũng như sự cần thiết phải bảo vệ di sản. Chúng ta cũng đã nỗ lực hoàn thiện thể chế, chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, phát huy sức mạnh nềm văn hóa Việt Nam thông qua việc giới thiệu sự hấp dẫn của di sản văn hóa dân tộc với bạn bè quốc tế.

Nhân tố khoa học - công nghệ có tác động rất lớn đến phát triển văn hóa, con người. Trong điều kiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng dụng các nền tảng kỹ thuật số vào truyền thông, giao lưu văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, phát triển công nghiệp văn hóa số, giáo dục, khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, sản xuất dược phẩm, bảo vệ môi trường sống, vệ sinh, an toàn thực phẩm,… làm thay đổi các phương thức phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng sống của con người. Theo bà, nhân tố này có vai trò ra sao trong đời sống văn hóa hiện nay?

- Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ vào phát triển văn hóa, con người là một trong những giải pháp góp phần phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, hiện đại hóa nền văn hóa dân tộc. 

Khoa học – công nghệ làm thay đổi cách thức sáng tạo, trao truyền, lưu thông, thực hành và hưởng thụ các giá trị văn hóa. Khoa học - công nghệ cũng làm thay đổi các mối liên kết xã hội, gia tăng sự kết nối văn hóa giữa các cá nhân, các cộng đồng và các quốc gia. Khoa học – công nghệ cũng góp phần làm xuất hiện những yếu tố văn hóa mới, những sản phẩm văn hóa mới và cả những lĩnh vực văn hóa mới. 

Sự xuất hiện và phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa trong thời gian qua là một bằng chứng cho thấy khoa học – công nghệ có khả năng tác động làm xuất hiện những lĩnh vực văn hóa mới, khai thác vốn văn hóa để chuyển hóa thành các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, đáp ứng nhu cầu tinh thần của đông đảo các tầng lớp trong xã hội. Tựu trung lại, khoa học – công nghệ tham gia tích cực vào việc hiện đại hóa nền văn hóa dân tộc và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống.

"Cùng với văn hóa đại chúng, cũng phải hết sức chú ý tới văn hóa tinh hoa"

Nguyên tắc "Đại chúng hóa" thể hiện qua chăm lo đời sống văn hóa cho nhân dân, phục vụ nhân dân, làm cho mọi người biết đọc, biết viết, biết thưởng thức và tham gia sáng tạo nghệ thuật, dần chiếm lĩnh các giá trị tinh thần mà dân tộc và loài người tạo ra. Bà đánh giá như thế nào về tính đại chúng trong văn hóa hiện đại?

- Tính đại chúng trong văn hóa có thể được hiểu trên nhiều phương diện. Nền văn hóa mới phải hướng về nhân dân, đáp ứng nhu cầu văn hóa của quảng đại quần chúng nhân dân. Nhân dân vừa là chủ thể sáng tạo văn hóa, vừa là người gìn giữ, trao truyền và thụ hưởng các giá trị văn hóa. 

Tính đại chúng còn có thể được hiểu là tính phổ biến, tính đại trà của các sản phẩm văn hóa, người dân dễ tiếp cận và dễ tiếp nhận. Nhưng dù hiểu theo cách nào đi chăng nữa thì nền văn hóa dân tộc cũng cần phải bám rễ sâu trong quần chúng, vì lợi ích của quảng đại quần chúng. 

Tuy nhiên, một nền văn hóa phát triển, thì bên cạnh việc chú ý xây nền, cũng cần chú ý vun đắp những đỉnh cao. Nghĩa là, là cùng với văn hóa đại chúng, cũng phải hết sức chú ý tới văn hóa tinh hoa.

Bàn về khoa học, dân tộc và đại chúng của Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943) - Ảnh 2.

PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu - Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC).

Theo bà, sau 80 năm, nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa trong phát triển đất nước đã thay đổi như thế nào?

- Kể từ thời điểm lịch sử ra đời của Đề cương văn hóa Việt Nam, 80 năm đã trôi qua. 80 năm ấy, nền văn hóa dân tộc đã có những sự vận động, phát triển cùng với sự phát triển của đất nước. Hệ thống quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa, con người được bổ sung, được hoàn thiện hơn. Và chính sự phát triển của các lĩnh vực văn hóa, tác động của văn hóa đối với sự phát triển đất nước đã làm thay đổi nhận thức về vị trí vai trò của văn hóa trong phát triển. 

Từ chỗ nhận thức văn hóa là lĩnh vực thuần túy tinh thần, phi lợi nhuận đến nay văn hóa được xem là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, nguồn lực nội sinh quan trọng cho sự phát triển đất nước. Văn hóa có thể góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP, thẩm thấu, điều chỉnh các hoạt động kinh tế, chính trị, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tham gia vào công tác đối ngoại và đảm bảo an ninh quốc phòng. Nghĩa là văn hóa có khả năng thẩm thấu và điều tiết mọi hoạt động sống của con người theo hướng chân, thiện, mỹ. Và bao trùm hơn cả, như phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021: "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc", "văn hóa còn thì dân tộc còn".

Cảm ơn PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu đã chia sẻ thông tin.

Bài tiếp: Dấu ấn của Đề cương văn hoá Việt Nam: Trau dồi đạo đức, củng cố lòng tin… cũng là chống tiêu cực.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem