Đánh thuế nước uống có đường: Rầm rầm ý kiến phản đối, vì sao?

An Linh Thứ năm, ngày 16/03/2023 09:42 AM (GMT+7)
Cho rằng Bộ Tài chính đưa ra những quan điểm không thuyết phục, nhiều chuyên gia đề nghị chưa đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước uống có đường. Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam cũng lên tiếng phản đối.
Bình luận 0

Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Bia rượu và nước giải khát Việt Nam (VBA) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý xây dựng dự thảo sửa đổi Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt.

Đánh thuế nước uống có đường: Ly sữa cho trẻ vùng cao, nông thôn thêm đắt đỏ? - Ảnh 1.

Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam cho rằng không công bằng nếu đánh thuế đối với nước uống có đường (Ảnh minh hoạ).

Trong đó, nội dung đáng chú ý, gây tranh luận nhiều trong dự thảo là Bộ Tài chính đưa ra phương án đánh thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với các loại nước uống có đường, khái niệm mở rộng hơn so với năm 2017 khi đề xuất đánh thuế đối với nước ngọt.

Nhiều chuyên gia cho biết, khái niệm nước uống có đường quá rộng, bao gồm nhiều loại thức uống trong đó có cả nước ngọt có đường, có ga, thức uống dinh dưỡng và sữa tươi có đường. Chính vì khái niệm quá chung chung, nhiều chuyên gia và người trong cuộc đề xuất cần có đánh giá tổng thể, rõ ràng.

TS. Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho rằng, trong tờ trình và nội dung Dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính coi đường là nguyên nhân của béo phì, ảnh hưởng sức khoẻ là không đúng.

"Coi đường như tội phạm là không đúng" hơn nữa "việc viện dẫn tỷ lệ trẻ em béo phì ở thành phố" để làm căn cứ áp thuế theo ông Trung là "chưa thoả đáng" bởi hiện nhiều đối tượng đang sử dụng thức uống có đường, nhất là trẻ em.

"Tại sao không đặt câu hỏi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tác động đến giá các loại nước uống có đường như sữa cho trẻ em vùng cao, nông thôn. Đồng thời, tại sao Bộ Tài chính không đánh gái tác động của chính sách thuế đến trẻ em thấp còi phải bổ sung sản phẩm dinh dưỡng?", ông Trung nhấn mạnh.

Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam cho rằng Bộ Tài chính cần phải định nghĩa là đồ uống có đường, phân loại các sản phẩm, cũng như cần có mã HS cho các sản phẩm này, bởi nếu không sẽ khó có thể tính thuế.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng Ban pháp chế VCCI: Sau tác động của dịch nhìn chung nền kinh tế, DN còn rất khó khăn nên bất cứ chính sách nào ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh doanh, cần cân nhắc kỹ. 

Ông Tuấn cho rằng, hai là lộ trình tăng thuế thế nào để DN điều chỉnh phương án sản xuất kinh doanh, đảm bảo ổn định sản xuất, đóng góp nguồn thu ngân sách trong bối cảnh khó khăn hiện nay. 

Theo ông này, phương án đánh thuế nước uống có đường cần phải có lộ trình để cho doanh nghiệp chủ động các kế hoạch sản xuất. Bên cạnh đó, lập luận của Bộ Tài chính là đồ uống có đường là nguyên nhân chính gây bệnh thừa cân béo phì, tiểu đường và tim mạch. "Áp thuế có làm giảm được bệnh này không? Cần có đánh giá khoa học kỹ càng hơn", ông Tuấn nói.

TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng: Các cơ sở nghiên cứu của Bộ Tài chính làm cơ sở đưa ra mức thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành đồ uống là chưa đầy đủ, đặc biệt là nghiên cứu hành vi tiêu dùng.

Ông này cho rằng, Bộ Tài chính cần tính đến thời điểm và trình tự, đặc biệt trong giai đoạn chính sách tài khóa, tiền tệ bất định, bất thường, thì trước mắt chưa nên có xáo trộn mức thuế này mà cần giữ như vậy. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem