Đà Nẵng: Vốn tín dụng chính sách - trụ cột quan trọng giúp người dân Hòa Vang thoát nghèo bền vững

28/03/2023 06:15 GMT+7
Nhờ được tiếp cận với vốn tín dụng chính sách mà hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất nâng cao thu nhập. Từ đó, góp phần tích cực trong công tác an sinh xã hội, giúp người dân cải thiện đời sống vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Thoát nghèo nhờ vốn tín dụng chính sách

Trong những năm qua, vốn tín dụng chính sách là trụ cột quan trọng giúp cho hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình chính sách trên địa bàn huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng mạnh dạn đầu tư sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt. Nhờ nguồn vốn này mà hàng nghìn hộ dân trên địa bàn có công ăn việc làm ổn định, thoát nghèo bền vững.

Đà Nẵng: Vốn tín dụng chính sách - trụ cột quan trọng giúp người dân Hòa Vang thoát nghèo bền vững - Ảnh 1.

Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH chị Trần Thị Lài ở thôn Hương Lam (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) đã xây dựng được mô hình trồng nấm. Ảnh: T.H.

Điển hình như hộ bà Lê Thị Hữu, Trần Thị Lài (xã Hòa Khương); hộ ông Hồ Văn Hổ (xã Hòa Liên), hộ ông Nguyễn Văn Nhi (ở xã Hòa Nhơn)…. Những hộ tiêu biểu này nhờ đầu tư làm ăn bài bản đã thu lãi được hàng trăm triệu đồng/hộ/năm.

Đà Nẵng: Vốn tín dụng chính sách - trụ cột quan trọng giúp người dân Hòa Vang thoát nghèo bền vững - Ảnh 2.

Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Hòa Vang luôn tận tình hướng dẫn bà con nông dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi một cách nhanh nhất. Ảnh: T.H.

Chúng tôi có dịp ghé thăm gia đình hộ chị Trần Thị Lài ở thôn Hương Lam, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Thời điểm nay, gia đình chị đang tất bật chuẩn bị cho công tác làm bịch phôi nấm (nấm bào ngư), chuẩn bị cho vụ nấm tiếp theo.

Nhìn cuộc sống hối hả, phấn khởi của gia đình chị hiện nay, ít ai biết được trước đây gia đình chị thuộc diện khó khăn, hộ nghèo của thôn Hương Lam.

Đà Nẵng: Vốn tín dụng chính sách - trụ cột quan trọng giúp người dân Hòa Vang thoát nghèo bền vững - Ảnh 3.

Mỗi tháng chị Lài thu hoạch hơn 5 tạ nấm các loại (chủ yếu nấm bào ngư và nấm rơm). Ảnh: T.H.

Chị Lài cho biết, sau khi lập gia đình vợ chồng chị chỉ có căn nhà nhỏ và mảnh đất làm ruộng. Kinh tế khó khăn nên ngoài trồng lúa, làm đậu khuôn, vợ chồng chị phải đi làm thuê, làm mướn thêm để kiếm sống.

Chăm chỉ làm ăn là vậy, nhưng thu nhập chỉ đủ sống qua ngày. Nhờ được vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Hòa Vang, vợ chồng chị đã mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình trồng nấm các loại (gồm nấm rơm và bào ngư).

Năm 2009, lúc đó, với số vốn vay 10 triệu đồng của NHCSXH huyện Hòa Vang và số tiền tích góp được, vợ chồng chị đã xây dựng trang trại trồng nấm. Từ 5.000-10.000 bịch phôi nấm ban đầu, đến nay công suất trại nấm của chị hàng năm hơn 60.000 bịch phôi…

Đà Nẵng: Vốn tín dụng chính sách - trụ cột quan trọng giúp người dân Hòa Vang thoát nghèo bền vững - Ảnh 4.

Bên cạnh làm kinh tế giỏi, chị Lài còn giải quyết cho 3 lao động thường xuyên và 3-5 lao động thời vụ với mức lương 180.000 đồng/người/ngày. Ảnh: T.H.

Chị Lài chia sẻ, lợi nhuận từ những đợt trồng nấm đầu tiên đã tiếp thêm động lực để vợ chồng chị cố gắng đầu tư mở rộng quy mô trại nấm, đồng thời nâng cao năng suất đảm bảo chất lượng sản phẩm sạch.

Hiện nay, mỗi tháng chị Lài thu hoạch hơn 5 tạ nấm các loại (tùy vào thời tiết), có giá dao động từ 45.000-50.000 đồng/kg, vào ngày rằm, mùng 1 hoặc lễ Tết thì có giá từ 60.000-80.000 đồng/kg.

Ngoài ra chị còn nhận cung cấp hàng chục nghìn bịch phôi giống cho các hộ gia đình trồng nấm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

Đà Nẵng: Vốn tín dụng chính sách - trụ cột quan trọng giúp người dân Hòa Vang thoát nghèo bền vững - Ảnh 5.

Trại sản xuất nấm của chị Lài có công suất hơn 60.000 bịch/năm…. Ảnh: T.H.

"Trước đây, gia đình tôi vừa thiếu vốn vừa thiếu kiến thức, kinh tế gia đình khá bấp bênh. May mắn cho gia đình là nhận được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhất là nguồn vốn từ phía NHCSXH huyện Hòa Vang, đã tiếp thêm động lực cho vợ chồng tôi mạnh dạn phát triển kinh tế. Nhờ đó, đến nay gia đình tôi đã có nguồn thu nhập ổn định, nuôi con cái ăn học…", chị Lài phấn khởi nói.

Bên cạnh làm kinh tế giỏi, chị Lài còn giải quyết cho 3-5 lao động thường xuyên và 3 lao động thời vụ với mức lương 180.000 đồng/người/ngày.

"Bệ phóng" cho người dân đổi đời

Một mô hình khác hiệu quả không kém đó là mô hình chăn nuôi gà, heo của hộ bà Lê Thị Hữu ở thôn Hương Lam, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

Trò chuyện cùng phóng viên, bà Hữu chia sẻ: Trước đây, vợ chồng bà bươn chải đủ nghề để kiếm sống, ai thuê gì làm đó, sau đó chuyển sang nghề chăn nuôi gà, heo nhưng do vốn ít vợ chồng bà chỉ nuôi với số lượng nhỏ.

Đà Nẵng: Vốn tín dụng chính sách - trụ cột quan trọng giúp người dân Hòa Vang thoát nghèo bền vững - Ảnh 6.

Có vốn tín dụng chính sách "tiếp sức" bà Lê Thị Hữu ở thôn Hương Lam (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) đã xây dựng được mô hình chăn nuôi gà, heo. Ảnh: T.H.

Đà Nẵng: Vốn tín dụng chính sách - trụ cột quan trọng giúp người dân Hòa Vang thoát nghèo bền vững - Ảnh 7.

Mô hình chăn nuôi gà, heo của bà Hữu cho lãi hơn 200 triệu đồng/năm. Ảnh: T.H.

Năm 2020, bà được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hòa Vang cho vay 100 triệu đồng, từ đó bà đã mạnh dạn mở rộng diện tích chuồng trại, để phát triển kinh tế cho gia đình.

Đến nay, trang trại chăn nuôi của gia đình bà Hữu có diện tích hơn 2.000m2. Sản lượng mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng gần 5.000-7.000 con gà và 100 con heo (thời điểm trước dịch là khoảng 300 heo con/năm), sau khi trừ các khoảng chi phí, gia đình bà lãi gần 200 triệu đồng/năm.

"Gia đình tôi có được cơ ngơi như ngày hôm nay là nhờ nguồn vốn của NHCSXH huyện Hòa Vang, tôi rất biết ơn ngân hàng đã cho tôi vay vốn để mở rộng quy mô trang trại chăn nuôi của gia đình. Mặc dù mới mở rộng quy mô hơn 2 năm nay, nhưng gia đình tôi đã có của ăn của để, …", bà Hữu vui mừng nói.

Đà Nẵng: Vốn tín dụng chính sách - trụ cột quan trọng giúp người dân Hòa Vang thoát nghèo bền vững - Ảnh 8.

Người dân Hòa Vang mạnh dạn phát triển các mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt nhờ có vốn vay ưu đãi từ NHCSXH. Ảnh: T.H.

Đà Nẵng: Vốn tín dụng chính sách - trụ cột quan trọng giúp người dân Hòa Vang thoát nghèo bền vững - Ảnh 9.

Ông Lê Cao Chiến – Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Hương Lam, xã Hòa Khương cho biết, với ưu điểm là nguồn vốn vay ưu đãi có lãi suất thấp, thời gian cho vay dài là cơ hội cho các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn vay nhanh chóng, thuận tiện để phát triển kinh tế gia đình.

Ở thôn Hương Lam không chỉ có hộ bà Lê Thị Hữu, Trần Thị Lài mà còn hàng chục hộ dân khác nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách đã có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Đến nay, tổ quản lý 38 hộ vay, với dư nợ hơn 2,4 tỷ đồng.

Ông Đoàn Ngọc Cẩm, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hòa Vang cho biết, từ khi thành lập đến nay, đơn vị luôn bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện Hòa Vang để tiếp vốn cho người dân nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đặc biệt là xây dựng các mô hình kinh tế mới. Giúp người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, vươn lên làm giàu chính đáng.

Đà Nẵng: Vốn tín dụng chính sách - trụ cột quan trọng giúp người dân Hòa Vang thoát nghèo bền vững - Ảnh 10.

Vốn tín dụng chính sách đã trở thành "bệ phóng" cho người dân Hòa Vang đổi đời. Ảnh: T.H.

Để đồng vốn đến đúng đối tượng và tiết kiệm thời gian, chi phí thấp nhất cho người thụ hưởng, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hòa Vang đã phối hợp thực hiện ủy thác với các tổ chức hội, đoàn thể ủy nhiệm qua các tổ tiết kiệm và vay vốn. Các tổ tiết kiệm và vay vốn phân bổ đều khắp ở hầu hết các thôn, xóm trên địa bàn huyện đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi.

Được biết, trong những năm qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng cùng với huyện Hòa Vang thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. 

Nhờ đó đã giúp cho thu nhập bình quân đầu người của huyện ngày một cao, năm 2022 đạt 56 triệu đồng/người/năm, không còn hộ nghèo theo tiêu chí nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt

Đến 22/3/2023, tổng dư nợ tại Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hòa Vang là 768.062 triệu đồng, tăng 34.909 triệu đồng, tỷ lệ tăng 4,73% so với đầu năm, riêng tại xã Hòa Khương có 34 tổ tiết kiệm và vay vốn, với 1.506 hộ vay, ủy thác qua 4 Hội đoàn thể, tổng dư nợ là 76.890 triệu đồng, là địa bàn không có nợ quá hạn, tổng số tiền gửi tiết kiệm của tổ viên và dân cư trên địa bàn thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn có số dư là 3.907 triệu đồng.

"Trong thời gian tới, với nguồn vốn mới được NHCSXH Trung ương phân bổ về Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hòa Vang là 58 tỷ đồng, nguồn vốn này sẽ tiếp tục tiếp vốn giải ngân cho người dân là các đối tượng chính sách phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, xây dựng nhà ở xã hội theo nghị định số 100/NĐ-CP để góp phần tăng thu nhập, "an cư, lạc nghiệp" và trở thành "bệ phóng" cho người dân đổi đời…", ông Đoàn Ngọc Cẩm, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hòa Vang cho hay.

Trần Hậu
Cùng chuyên mục